Xã hội

Đêm trực ở viện tâm thần của nữ sinh viên y khoa

Nửa đêm nghe tiếng gào khóc của người bệnh, cô sinh viên Nguyễn Thùy Linh không dám mở cửa, sợ bệnh nhân tâm thần lao vào phòng mình.

"Đêm hôm đó cả khoa náo loạn", Nguyễn Thùy Linh, sinh viên Y4 ngành Y Đa khoa Đại học Y Hà Nội nhớ lại. Khoảng 3h sáng, cô gái đang ngủ tại phòng giao ban ca trực bỗng nghe tiếng người kêu gào ngoài sân. "Em không dám mở cửa vì sợ bệnh nhân tâm thần lao thẳng vào phòng", nữ sinh viên chia sẻ. Đó là đêm trực đầu tiên tại khoa tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, của Linh nên cô rất lo sợ.

Khoảng 5 phút sau định thần lại, Linh mới dám mở cửa. Đấy là một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng loạn thần, đòi tự sát. Bệnh viện phải huy động lực lượng bác sĩ cùng bảo vệ giữ và trấn an bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân khác đứng ở hành lang đổ xô ra xem. Chứng kiến cảnh này, cô sinh viên mất ngủ luôn đến sáng.

Tại trường Đại học Y Hà Nội, mỗi kỳ các sinh viên sẽ bốc thăm xem mình sẽ đi học lâm sàng ở viện nào. Với Linh, "khi bốc thăm phải khoa tâm thần, em cảm thấy vô cùng lo lắng". Trong hình dung của Linh và nhiều người, bệnh nhân tâm thần là những con người mất hết ý thức, thường có những hành vi không bình thường. Cô sinh viên cũng được chia sẻ nhiều về những câu chuyện như "buổi trưa yên ắng bỗng có tiếng gào rú, cười sặc sụa", rồi "nửa đêm bệnh nhân tâm thần gõ cửa phòng"... Nghĩ đến cảnh tượng đó, Linh chột dạ.

7h30 sáng, Linh bắt đầu buổi lâm sàng tại khoa tâm thần. Cô sinh viên có nhiệm vụ đi kiểm tra buồng bệnh theo các bác sĩ. Lúc này cô gái mới biết bệnh nhân tâm thần không phải toàn những người điên. Ở đây, người mất ngủ cũng vào viện tâm thần, cáu gắt hoặc trầm cảm cũng vào viện. Phòng đầu tiên có một em lớp 8 bị rối loạn cảm xúc, hay cáu gắt và không làm chủ được bản thân, em hay ngồi nghịch đồ slime. Phòng thứ hai có một cô gái bị người yêu chia tay, cú sốc khiến cô phải vào viện. Phòng thứ ba có một bệnh nhân bị chứng hoang tưởng.

Nữ sinh viên dần dần quen hơn: "Nhìn những bệnh nhân, bỗng dưng em chỉ muốn lại gần hỏi han vỗ về ngay lập tức mà không còn thấy sợ nữa".

Sau đó Linh được phân công theo dõi phòng bệnh gồm 5 bệnh nhân. Cô sinh viên bắt tay luôn vào hỏi bệnh sử từng người và rất bất ngờ vì không thể trò chuyện được với họ. "Nhiều bệnh nhân mất ý thức nên không thể giao tiếp và khai thác thông tin. Họ rất dễ bị kích động", Linh tâm sự. Cô gái chỉ có thể đứng từ xa quan sát, nhận định triệu chứng. "Cảm giác lúc đó có một chút thất vọng, chán nản".

Khó khăn lắm Linh mới tiếp xúc được một bệnh nhân bị tâm thần giai đoạn nhẹ. Người này gặp vấn đề từ gia đình nên bị kích động, được chuyển vào viện trong tình trạng rối loạn, cười liên tục và có những lời nói vô nghĩa. "Với những bệnh nhân này, họ vẫn còn ý thức", Linh cho biết. Cô sinh viên hỏi tỉ mỉ về bệnh sử: từ khi mẹ mang bầu đến lúc sinh ra, được bao nhiêu cân, quá trình phát triển tâm lý có bình thường không, cho đến khi đi làm, lấy vợ lấy chồng, tâm lý thay đổi như thế nào... "Phải cố gắng nói chuyện khẽ khàng vì thần kinh của bệnh nhân có thể mệt mỏi khi nghe nhiều tiếng nói", nữ sinh viên chia sẻ.

Theo Linh, bệnh nhân có vấn đề về tâm thần nên thầy thuốc cùng người xung quanh cần nhẫn nại và tâm lý. Có những triệu chứng bệnh dễ nhận thấy, nhưng có có triệu chứng phải học cách cảm nhận thì mới hiểu được. Ở trường, Linh được dạy rằng người mắc chứng tâm thần sẽ có hành vi và lời nói khác với người bình thường. Đừng cười, đừng coi thường hoặc chế giễu những lập luận sai lệch của họ. Cho nên cô gái trò chuyện rất nhẹ nhàng. Linh cũng chuẩn bị tâm lý nếu cuộc trò chuyện có dấu hiệu không tốt hoặc không an toàn thì sẽ rút lui và gọi bác sĩ. Rất may mắn, mọi thứ đều thuận lợi.

"Cảm giác đó giống như mình vừa vượt qua một cửa ải", cô gái chia sẻ. Trước đây, nhìn thấy bệnh nhân tâm thần là chỉ muốn tránh xa, từ khi tiếp xúc, cô sinh viên càng hiểu và thương cảm với họ hơn.

Với những bệnh nhân không có ý thức, Linh khai thác qua người nhà. Thông thường, bệnh nhân mỗi ngày có thời gian loạn thần nhất định, sau đó họ trò chuyện, sinh hoạt như những người bình thường. Tất cả đều luôn mong muốn hợp tác với bác sĩ để mau khỏi bệnh. Tuy nhiên tại khoa tâm thần, cũng có nhiều bệnh nhân giai đoạn nặng luôn thường trực ý định tự sát.

Không ít lần Linh chứng kiến cảnh người nhà gào khóc, các bác sĩ ra sức giữ bệnh nhân qua cơn khủng hoảng đòi tự tử. Có những đêm như đêm đầu tiên cô trực, bệnh nhân náo loạn đánh đập, đòi đập đầu vào tường. Có những buổi trưa yên ắng bỗng vang một cái, bệnh nhân đập vỡ hết các đồ đạc... Những lúc như vậy các bác sĩ sẽ trấn an bệnh nhân và cho thuốc uống. Nhiệm vụ của Linh cũng như các thực tập sinh là theo dõi sát bệnh nhân, thấy có biểu hiện bất thường sẽ báo ngay cho các bác sĩ. Ngoài ra, Linh thường xuyên nhắc gia đình người bệnh không để dao kéo hay các vật dụng nguy hiểm trong phòng bệnh.

Một tháng sau khi đi lâm sàng ở viện tâm thần, Linh quên đi sự ái ngại ban đầu. Đôi khi cô được nghe những câu hát ngẫu hứng của các bệnh nhân, âm thanh vừa hồn nhiên vừa vui vẻ. Nữ sinh viên không còn thấy sợ nữa mà ngược lại rất vui.

Với Linh, khó khăn nhất khi học lâm sàng tại khoa tâm thần là phải tiếp xúc và hỏi han bệnh nhân. "Đó cũng là một lợi thế cho sinh viên thực tập ở viện tâm thần", cô gái trẻ cho biết. Nhờ những ngày ở viện với người điên mà Linh rèn luyện được khả năng giao tiếp, là điều cần hơn hết của một sinh viên y khoa ngoài những yêu cầu về chuyên môn. Nếu các chuyên khoa khác như Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Mắt, Da liễu... chăm sóc con người về mặt thể chất thì chuyên khoa Tâm thần chăm sóc con người về mặt tinh thần.

Không những vậy, trực tiếp làm công việc chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân tâm thần như các y bác sĩ thực sự, cô sinh viên trẻ nhận ra công việc này thật vất vả mà không phải ai cũng làm được. "Vì vậy, sinh viên chúng em càng cần cố gắng nhiều hơn nữa", Linh cho biết.

Tác giả: Thúy Quỳnh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP