Trong nước

Đề xuất Chủ tịch xã có quyền phạt vi phạm về thuế tới 100 triệu đồng

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 125/2020 về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, Chủ tịch UBND cấp xã sẽ có quyền xử phạt nhiều hành vi vi phạm.

Trao quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã

Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng.

Dự thảo Nghị định của Bộ Tài Chính đã sửa đổi bổ sung nhiều nội dung mới của Nghị định 125, trong đó có thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã để phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp hiện nay.

Cụ thể, dự thảo đã sửa đổi khoản 1 Điều 33, theo đó Chủ tịch UBND cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với hành vi phạm về thời hạn đăng ký thuế; thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh; thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn (Điều 10); vi phạm về thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế (Điều 11); khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn (Điều 12)…

Sai phạm liên quan đến lĩnh vực thuế không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn bị xử lý hình sự nếu có hành vi trốn thuế (Hình ảnh: Vũ Nam Phương - một người nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh "Cún Bông" bị khởi tố vì liên quan đến lĩnh vực thuế gây chú ý thời gian qua).

Trường hợp trong số hồ sơ khai thuế chậm nộp có hồ sơ khai thuế chậm nộp thuộc trường hợp trốn thuế thì tách riêng để xử phạt về hành vi trốn thuế.

Chủ tịch xã cũng được ra quyết định phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với nhiều hành vi vi phạm về hóa đơn quy định tại Chương III Nghị định này như: Xử phạt hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn (Điều 26); xử phạt hành vi vi phạm quy định về hủy, tiêu hủy hóa đơn (Điều 27); xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn (Điều 28)…

Ngoài ra, người đứng đầu UBND cấp xã còn có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại nhiều Điều của Chương II và Chương III của Nghị định.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 về cách xác định "vi phạm quy mô lớn" như sau: Vi phạm hành chính với số tiền thuế (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn) từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa, dịch vụ từ 500 triệu đồng trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn.

Cùng với đó, một hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn với số lượng từ 10 số hóa đơn trở lên đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 22, Điều 26, Điều 27 Nghị định này thì được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn.

Không bị xử phạt nếu tự giác sửa chữa và nộp phạt

Dự thảo cũng sửa đổi bổ sung một số điểm tại khoản 5 Điều 5 Nghị định quy định về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Theo đó, trường hợp cùng một ngày người nộp thuế khai sai một hoặc nhiều chỉ tiêu trên các hồ sơ thuế thì hành vi khai sai thuộc trường hợp xử phạt về thủ tục thuế chỉ bị xử phạt về một hành vi khai sai chỉ tiêu trên hồ sơ thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện theo quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần (điểm a).

Trường hợp cùng một ngày người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của cùng một sắc thuế thì chỉ bị xử phạt về một hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện theo quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần (điểm b). Trường hợp trong số hồ sơ khai thuế chậm nộp có hồ sơ khai thuế chậm nộp thuộc trường hợp trốn thuế thì tách riêng để xử phạt về hành vi trốn thuế.

Một số tiết giảm nhẹ trong lĩnh vực thuế, hóa đơn như: Người vi phạm đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại; Người vi phạm tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính.

Vi phạm trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; Vi phạm do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần…

Trường hợp cùng một ngày người nộp thuế chậm nộp nhiều thông báo, báo cáo cùng loại về hóa đơn thì người nộp thuế bị xử phạt về một hành vi chậm nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần (điểm c).

Về nguyên tắc áp dụng các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, theo Dự thảo nếu có một tình tiết giảm nhẹ thì được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt; nếu có một tình tiết tăng nặng thì được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt.

Dự thảo cũng bổ sung khoản 3 Điều 9 quy định không xử phạt hành chính về thuế với trường hợp khai sai khi đã khai bổ sung hồ sơ và đã tự giác nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện ra.

Tác giả: Đặng Ngọc Thuỷ

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP