Những cô bé học sinh người Mông tặng hoa rừng cho thầy giáo nhân ngày 20-11 - Ảnh: ĐÀO THỌ
Và cũng có những câu chuyện vô cùng thú vị về món quà ngày lễ thầy cô trên vùng rẻo cao này.
Giữa trưa nắng đợi thầy để tặng gạo nếp
Có lần, một thầy giáo ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An) kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện vui nhưng đầy cảm động của thầy trong ngày lễ 20-11.
Năm ấy, thầy mới chân ướt chân ráo lên vùng biên giới này dạy học, và được phân công chủ nhiệm lớp 7. Các em học sinh người Mông ở đây tuy nói là ở độ tuổi 12, 13 nhưng thật ra rất lớn. Chỉ mới mấy tháng dạy học thôi nhưng học sinh rất quý thầy, hằng ngày đã biết giúp thầy làm các công việc nặng nhọc. Và các em làm một cách rất thuần thục, như đã quen lắm với những công việc này.
Buổi sáng 20-11 hôm ấy, nhà trường vừa tổ chức lễ kỷ niệm xong, thầy có việc phải phóng ra thị trấn Mường Xén. Đến quá trưa thầy mới vào trường được.
Lúc vào đến trường thì đã thấy một tốp 7 học sinh do mình chủ nhiệm đang loay hoay trước cửa phòng, thầy liền hỏi: “Các em đã ăn gì chưa mà ở đây?”. Một em chân thật trả lời: “Chưa được ăn gì cả thầy ơi. Đói bụng lắm rồi mà vẫn phải chờ thầy về”.
Thầy mỉm cười, mở cửa đón các em vào phòng, rồi thầy trò ngồi nói chuyện vui vẻ. Lúc này, từng em lấy ra trong tay nải của mình một ít gạo nếp, góp lại cho bạn lớp trưởng thay mặt để biếu thầy. Ước lượng tất cả khoảng hơn 1kg gạo nếp.
Ngạc nhiên quá, thầy hỏi: “Các em lấy nếp ở đâu mà đưa đến cho thầy vậy?”. Cậu lớp trưởng nhanh nhảu trả lời rằng: Trước đó, mấy bạn đã thống nhất với nhau, lúc nào lên rẫy giúp bố mẹ gặt lúa thì xin bố mẹ một ít gạo nếp, về góp lại để tặng quà cho thầy. Món quà đặc biệt ấy làm thầy rưng rưng cảm động.
Khi nhận món quà này, thầy nói với các em học sinh: “Bây giờ thầy trò ta đều đang đói, chúng ta sẽ lấy nếp này nấu xôi để cùng ăn nhé”. Thế là trưa đó thầy trò có một ngày lễ ấm áp, vui vẻ bên nhau. Món quà ấy thầy vẫn nhớ mãi đến tận bây giờ và chắc cả đời chẳng bao giờ quên được.
Uống nước chè cả tháng
Một lần, trong ngày 20-11 chúng tôi đến Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn, Nghệ An). Đây là địa bàn có 100% học sinh dân tộc Mông.
Sắp đến ngày lễ nên toàn bộ học sinh nữ ở đây lúc nào cũng xúng xính trong bộ trang phục truyền thống. Tại đây, thầy Đặng Đình Chinh - giáo viên tổng phụ trách Đội - cho chúng tôi biết năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 20-11 là học sinh lại có những món quà đặc biệt và đầy bất ngờ để tặng thầy cô.
Nghe vậy, chúng tôi hồi hộp chờ đợi giây phút các em tặng quà thầy cô, như chính mình là người được tặng vậy.
Tối 19-11, toàn trường tổ chức hội diễn văn nghệ nên các em học sinh đến trường từ rất sớm. Điều thú vị hơn cả là học sinh ở các bản Liên Sơn, Thăm Hín mỗi em vác trên vai một bó chè shan tuyết to tướng đến tặng thầy cô.
Thầy Chinh cười, nháy mắt với chúng tôi về món quà ấy. Thầy bảo rằng Liên Sơn và Thăm Hín là đất trồng chè shan tuyết rất tốt, nhà nào cũng có chè. Dạo này, khi công việc rảnh rỗi, các thầy lại rủ nhau vào bản chơi và tiện thể xin ít chè tươi về uống. Học sinh thấy thế nên tới ngày 20-11 mang chè đến tặng thầy cô.
Vậy là cả tối hôm đó, dãy ký túc xá của thầy cô Trường Nậm Càn đầy ắp những bó chè xanh. Thầy hiệu trưởng nói đùa rằng: “Kiểu này anh em mình được uống nước chè cả tháng rồi đây”.
Tôi hỏi một em học sinh rằng sao các em không mang gì khác ngoài chè vậy? Em hồn nhiên trả lời: “Biết thầy thích uống nước chè mới mang tặng thầy chứ. Mà em cũng không biết tặng gì nữa cả. Năm ngoái tặng hoa rừng rồi, năm nay phải đổi sang chè thôi”.
Ngày 20-11 hôm ấy, bao quanh thầy cô là mùi chè xanh ngào ngạt và cả sự lâng lâng vì tấm lòng thơm thảo của học trò vùng cao.
Thế đấy, những giáo viên vùng cao đến ngày lễ của mình tuy nhận được món quà không mấy giá trị nhưng niềm vui thì thật lớn. Quý hơn hết vẫn là tấm lòng của người dân và học sinh, hướng đến thầy cô một cách kính trọng và đầy yêu thương.
Phụ huynh mời thầy 2 lon bia |
Tác giả bài viết: ĐÀO THỌ
Nguồn tin: