Bạn cần biết

Dấu hiệu sớm nhận biết ung thư phổi

Ho, khó thở, đau ngực, khàn tiếng, đau vai, hạch cổ, sụt cân… đều có thể dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư phổi nguy hiểm.

Ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi hay ung thư phế quản là một khối u ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang.

Trên thế giới, hiện nay ung thư phổi đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp về cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong. Ở nước ta, ung thư phổi xếp vị trí thứ 2 sau ung thư gan, với khoảng 23.600 người phát hiện mắc mới và 20.700 người tử vong mỗi năm.

Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi cho người bệnh là hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ, yếu tố di truyền.


Dấu hiệu sớm nhận biết ung thư phổi

Trong giai đoạn sớm, các triệu chứng của ung thư phổi thường không đặc hiệu nên dễ bị bỏ qua hoặc có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm phế quản phổi, lao phổi. Nhiều bệnh nhân đến viện khi bệnh ở giai đoạn muộn hoặc sau khi điều trị nhiều đợt không đỡ.

Các triệu chứng xuất hiện tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, mức độ xâm lấn đến các cơ quan lân cận cũng như di căn xa. Các dấu hiệu của ung thư phổi khá đa dạng, người bệnh cần lưu ý khi gặp các triệu chứng sau:

- Ho: là triệu chứng thường gặp. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho, có thể là ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Nhưng ho là một triệu chứng rất không đặc hiệu, và ung thư không phải là nguyên nhân mà người bệnh nghĩ đến đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị thì bạn nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám.

- Khó thở: cũng là một triệu chứng hay gặp trong ung thư phổi. Cảm giác khó thở thường xuất hiện khi giai đoạn bệnh không còn sớm và hay gặp với khối u ở trung tâm gây hẹp lòng khí quản lớn hoặc do khối hạch trung thất chèn ép vào đường thở. Đôi khi, người bệnh còn có thể xuất hiện tiếng thở khò khè nặng nhọc.

- Đau ngực: hay gặp khi khối u đã xâm lấn đến thành ngực. Điểm đau thường tương ứng với vị trí khối u, người bệnh có thể bị đau tức ở vùng ngực, lưng hoặc vai. Các cơn đau có tính chất dai dẳng, âm ỉ, tăng lên khi ho hoặc hít thở sâu.


- Khàn tiếng: thường do khối u phổi trái hoặc hạch trung thất chèn ép vào dây thần kinh. Khi nội soi sẽ thấy tình trạng liệt dây thanh âm trái.

- Các triệu chứng: đau vùng vai, cánh tay, ngón tay kèm tê bì dị cảm xuất hiện khi khối u đỉnh phổi chèn ép đám rối thần kinh cánh tay. Các khối u vùng này còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như sụp mí măt, nóng bừng và đỏ nửa mặt cùng bên.

- Hạch cổ: khi người bệnh tự sờ thấy khối hạch vùng cổ, đặc biệt là các hạch rắn chắc, to nhanh không đi kèm với các dấu hiệu viêm nhiễm vùng họng, miệng thì nên đến viện để nhận được thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa ung thư.

- Sụt cân: Trong các trường hợp sự sụt cân diễn ra nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, không liên quan đến sự cắt giảm calo khẩu phần ăn, thì rất có thể do nguyên nhân bệnh ung thư gây ra.

Các phương pháp chẩn đoán ung thư phổi

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ trên, đặc biệt trên những bệnh nhân hút thuốc lá lâu năm hoặc sống chung với người hút thuốc lá, bạn cần đến cơ sở y tế để được làm các xét nghiệm chẩn đoán và phân biệt với các bệnh lý khác. Chẩn đoán sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện, điều trị ung thư phổi kịp thời.

- Chụp X-quang ngực: là phương pháp chụp các cơ quan, xương bên trong lồng ngực. X-quang là một loại tia năng lượng có khả năng đi qua cơ thể và hiển thị hình ảnh của khu vực bên trong cơ thể trên phim chụp. Phương pháp này có thể phát hiện bất thường hoặc khối u trên phổi nhưng có thể bỏ qua những khối u có kích thước quá nhỏ. Vì vậy, bên cạnh chụp X-quang ung thư phổi, người bệnh thường được chỉ định kết hợp với chụp CT lồng ngực.

- Cắt lớp vi tính lồng ngực (CT scanner): giúp bác sĩ phát hiện các bệnh lý ở xương sườn, màng phổi, nhu mô phổi, phế quản, mạch máu, tim, trung thất,... So với chụp X-quang, chụp CT có thể phát hiện được cả các khối u kích thước nhỏ, xác định tốt đặc điểm khối u, tình trạng hạch trung thất qua đó giúp đánh giá giai đoạn bệnh.

- Nội soi phế quản: Được chỉ định cho hầu hết những trường hợp u có khối u phổi. Bằng cách sử dụng một ống soi mềm có đèn chiếu sáng đưa vào khí quản qua mũi, bác sĩ có thể quan sát được hình dạng và kích thước khối u, khoảng cách của khối u đến vị trí ngã ba khí quản, đặc biệt có thể sinh thiết khối u khi cần thiết.


- Mô bệnh học: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư phổi. Các bác sĩ có thể sinh thiết lấy một mẩu khối u qua nội soi phế quản với u trung tâm hoặc sinh thiết xuyên thành ngực với u ngoại vi để làm xét nghiệm.

- Các chất chỉ điểm u như SCC, CEA, Cyfra 21-1, NSE tăng đóng vai trò định hướng đến ung thư phổi.

Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân ung thư phổi có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỷ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 40 đến 50%. Tuy nhiên, bệnh nhân bị ung thư phổi nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì tiên lượng không mấy khả quan.

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP