Trong tỉnh

Nghệ An luôn thực hiện 5 sẵn sàng để thu hút vốn FDI

Tính đến 30/6/2023, Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 địa phương về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 725,4 triệu USD. Riêng trong 6 tháng đầu năm thu hút được 8 dự án FDI với số vốn đăng ký 613,8 triệu USD...

Ảnh minh họa

Theo báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, thu hút đầu tư của tỉnh đạt kết quả tích cực. Tính đến ngày 30/6, có 66 dự án cấp mới (tăng 13,79% so với cùng kỳ) và điều chỉnh 84 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 22.309,7 tỷ đồng, trong đó vốn cấp mới là 19.838 tỷ đồng, tăng 1,34 lần so với cùng kỳ.

Đặc biệt, tỉnh Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 địa phương về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 725,4 triệu USD; trong 6 tháng đầu năm thu hút được 8 dự án FDI với số vốn đăng ký 613,8 triệu USD.

Một số dự án FDI quy mô lớn như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare - ICT (140 triệu USD); Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (500 triệu USD), Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam (199,8 triệu USD), Dự án nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng (200 triệu USD); Nhà máy khoa học, kỹ thuật kim loại Tân Việt (125 triệu USD),…

Để đạt được kết quả đáng ghi nhận nêu trên, trong 3 năm gần đây, trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư, tỉnh Nghệ An đã có nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại Nghệ An, việc xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư luôn được tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương chú ý, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với những đối tác, ngành nghề, dự án ưu tiên đầu tư phù hợp, hoàn thành và trình phê duyệt được đề án mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam, thực hiện cơ chế ổn định giá đất đối với các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Đông Nam.

Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, tỉnh này tập trung thực hiện “5 sẵn sàng”. Thứ nhất là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; Thứ hai là sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; Thứ ba là sẵn sàng về nguồn nhân lực; Thứ tư là sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; Thứ năm là sẵn sàng hỗ trợ.

Theo đó, Nghệ An xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tích cực, chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai các thủ tục của các dự án FDI.

Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của dự án FDI trọng điểm cũng được giảm 2/3 so với thời gian theo quy định của pháp luật. Tỉnh cũng xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư; thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp; tích cực, chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai các thủ tục của các dự án FDI.

Năm 2023, tỉnh Nghệ An đổi mới việc xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa hình thức thực hiện; hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư; duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành với các nhà đầu tư để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư.

Cùng với đó, tỉnh này tập trung hỗ trợ và giải quyết các thủ tục đầu tư, tháo gỡ vướng mắc đối với các nhà đầu tư hạ tầng chiến lược là Công ty TNHH VSIP Nghệ An, Công ty cổ phần WHA Nghệ An, Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt để hình thành các cực tăng trưởng về kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

Tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan cập nhật đầy đủ dữ liệu dự án đầu tư lên hệ thống phần mềm giám sát, theo dõi quản lý tiến độ dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Thời điểm 6 tháng cuối năm 2023, tỉnh Nghệ An chủ động, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ về thủ tục, triển khai thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn trong khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp như: Chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Hoàng Mai II; khởi công dự án khu công nghiệp Thọ Lộc (VSIP2); thủ tục đầu tư Dự án Khu B - khu công nghiệp Thọ Lộc, Khu công nghiệp Nghĩa Đàn, Khu công nghiệp WHA giai đoạn 3...

Thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực. Các ngành, các cấp chủ động, tích cực rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Đồng thời ưu tiên nguồn lực và tập trung triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm như: Đường bộ cao tốc đoạn qua Nghệ An, đường ven biển, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp.

Tác giả: Nguyễn Thuấn

Nguồn tin: vneconomy.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP