Thế giới

Đâm mẹ tử vong, con trai 20 tuổi đưa ra lý do khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình

Vụ việc mới xảy ra tại Malaysia khiến những người hàng xóm của nạn nhân vẫn chưa hết bàng hoàng.

Mới đây, một vụ án mạng xảy ra tại Malaysia đã khiến cho gia đình nạn nhân, cũng chính là gia đình hung thủ đau đớn khôn nguôi, khi kẻ giết người và nạn nhân có quan hệ mẹ con. Động cơ nào đã khiến cho đứa con trai mới 20 tuổi lại làm ra một việc "đại nghịch bất đạo" đến như vậy?

Con trai 20 tuổi đâm mẹ tử vong, hàng xóm nghe lời kể của cậu con út mà bàng hoàng

Thông tin được đăng tải trên tờ World Of Buzz, vụ việc xảy ra vào chiều thứ Ba, 20/8 vừa qua tại thành phố Shah Alam, thuộc bang Selangor của Malaysia. Một người hàng xóm đã vô cùng bàng hoàng khi được đứa con út của nạn nhân vừa đi học về kể lại án mạng.

Vụ án mạng khiến cho những người hàng xóm bàng hoàng.

Theo đó, vào khoảng 4 rưỡi chiều, khi người mẹ 40 tuổi đang nấu ăn tại nhà ở Khu 25 của thành phố Shah Alam thì xảy ra tranh cãi với con trai cả 20 tuổi. Sau đó, cậu con trai này đã cầm dao đâm nhiều nhát vào bụng mẹ, khiến nạn nhân tử vong ngay sau đó.

Gần 6h chiều, người hàng xóm này đã gọi điện báo cho cảnh sát trưởng quận Mohd Iqbal, ông Bin Ibrahim và ngay sau đó, lực lượng cảnh sát địa phương đã có mặt tại hiện trường. Tuyên bố chính thức của Sở Cảnh sát Hoàng gia Malaysia cho biết biết nghi phạm khai rằng cậu ta không thể chịu được việc bị mẹ mắng mỏ vì vấn đề tài chính và đây chính là động cơ gây án.

Hiện trường nơi con trai 20 tuổi đâm mẹ tử vong tại Malaysia.

Khoảng 19h30 tối cùng ngày, nghi phạm là con trai lớn của nạn nhân đã bị cảnh sát bắt giữ. Vũ khí giết người là một con dao cũng được tìm thấy cùng với anh ta. Nghi phạm và nạn nhân đều là công dân Myanmar.

Nghi phạm bị tạm giam trong 7 ngày (21/8 đến 27/8/2024) để hỗ trợ việc điều tra của cảnh sát. Trong khi đó, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy vết đâm ở vùng bụng là nguyên nhân khiến nạn nhân 40 tuổi tử vong. Trước đó, nạn nhân cũng bị siết cổ. Vụ việc đang được điều tra theo Mục 302 của Bộ luật Hình sự và nếu bị kết tội, nghi phạm sẽ phải đối mặt với án tử hình.

Khi vụ việc được chia sẻ trên truyền thông, nó đã khiến cho nhiều người xót xa. Đa số các bình luận đều lên án hành động dã man không thể tha thứ của nghi phạm. Một số lại bày tỏ sự thương xót đối với cậu con trai út khi bỗng dưng mất đi cả mẹ lẫn anh trai. Chắc chắn đây sẽ là vết thương đi theo em đến suốt cuộc đời này.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng câu chuyện là lời nhắc nhở cho các bậc phụ huynh khác trong việc dạy con.

Cha mẹ nên làm gì khi con mắc lỗi?

Khi con phạm phải sai lầm nhiều bậc phụ huynh thường có xu hướng la mắng, quát nạt hoặc thậm chí là sử dụng những lời nói thô bạo, đe dọa nhằm muốn con trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, việc cha mẹ thường xuyên la mắng con cái không thể thúc đẩy con phát triển tốt mà ngược lại còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ.

Các nhà khoa học đã từng tiến hành một vài nghiên cứu về việc con cái thường xuyên bị cha mẹ la mắng và nhận thấy rằng IQ của những đứa trẻ này bị tác động một cách tiêu cực. Các chuyên gia cho biết rằng, nếu trẻ em liên tục phải đối diện với những lời quát mắng, la hét của cha mẹ sẽ có kích thước não nhỏ hơn so với những bạn thường xuyên nghe được những lời động viên, khen ngợi.

(Ảnh minh họa)

Nói cách khác, việc bị cha mẹ thường xuyên la mắng sẽ khiến cho trẻ không thể phát triển tốt trí thông minh, thiếu đi sự sáng tạo, nhạy bén. Ngoài ra, việc bị la mắng còn khiến trẻ khó kiểm soát tốt cảm xúc, thậm chí trở nên tiêu cực, cư xử tồi tệ và dễ có những hành vi bạo lực trong quá trình lớn lên và trưởng thành sau này, ví dụ như hành vi đâm mẹ tử vong trong câu chuyện thương tâm ở Malaysia.

Nhiều người cho rằng, hành vi đâm mẹ tử vong của cậu con trai rõ ràng là sai trái, không thể bàn cãi, nhưng có thể việc làm này cũng là kết quả của hệ lụy giáo dục con sai cách, là hậu quả của việc bị bạo hành về tinh thần trong thời gian dài.

Theo các chuyên gia giáo dục, la mắng chỉ là cách giải tỏa sự tức giận của cha mẹ, không phải là phương thức hiệu quả để thay đổi hành vi của trẻ. Khi một đứa trẻ sợ hãi, chúng sẽ chuyển sang chế độ "chiến đấu" hoặc "bỏ chạy", trung tâm não bộ sẽ ngừng hoạt động. Giao tiếp một cách hòa bình sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn, từ đó dễ tiếp thu những lời dạy của cha mẹ.

Vậy cha mẹ nên làm gì khi con mắc lỗi?

Thứ nhất, hãy tìm hiểu rõ vấn đề đó. Nếu con không cố ý thì không có gì đáng trách. Chỉ cần nói với con rằng không sao cả, an ủi chúng để cùng nhau giải quyết vấn đề. Thứ hai, nếu thấy con cố tình, hãy tìm ra nguyên nhân để cùng nhau giải quyết. Cần giúp con cái hiểu rằng nếu lần sau gặp khó khăn, chúng luôn có thể trao đổi trực tiếp với bố mẹ và nhờ tới sự giúp đỡ từ bố mẹ hoặc những người khác.

Chỉ cần cha mẹ luôn đủ tình yêu thương, kiên trì, trẻ mới có được một nền giáo dục tốt nhất.

Tác giả: Gia Linh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP