Tháng một vừa rồi, tại khu công nghiệp ở Phoenix, Arizona (Mỹ), hai người phụ nữ có nụ cười và gương mặt giống nhau gặp gỡ lần đầu. Họ nhận ra và ôm chầm lấy nhau ngay lập tức. "Ngay khi trò chuyện, tôi thấy như mình đang nói với một người đã thân quen từ lâu", Courtney McKinney, 28 tuổi, kể.
Cả McKinney và người cô gặp, Alexandra Sanchez, cũng 28 tuổi, đều phát hiện mình được thụ thai nhờ tinh trùng hiến khi bước vào tuổi teen nhưng không ai biết cha mình là ai.
"Tôi đã khóc rất nhiều khi biết sự thật. Tôi từng thấy mình như một thử nghiệm khoa học chứ không phải được tạo ra từ tình yêu của hai người", McKinney kể. Mặc dù vậy, cô luôn đau đáu tự hỏi: Không biết người hiến tinh trùng trông thế nào? Tính cách của ông ta có giống cô?
Cảm xúc của cô được gọi tên là sự tò mò, cảm giác khuyết thiếu, sự lo âu rằng một ngày nào đó thức dậy, mình bỗng chẳng biết bản thân là ai, ở đâu ra. Năm 1964, các nhà khoa học Erich Wellisch và H.J. Sants - từng nghiên cứu và trị liệu cho những người là con nuôi gặp vấn đề về tâm lý, đã hiểu rằng việc không biết rõ gốc gác gây ra tình trạng "hoang mang về nguồn gốc".
Những người con nuôi, tất nhiên không giống như những đứa trẻ được thụ tinh từ tinh trùng hiến. Từ đầu, con nuôi thường phải đối mặt với cảm giác mình nằm ngoài ý muốn của cả cha lẫn mẹ ruột, trong khi trẻ chào đời từ tinh trùng hiến biết sự tồn tại của mình ít nhất đến từ khao khát của người mẹ. Nhưng ý nghĩ sau đó (và kéo dài tới sau này) là cả hai tình huống trên đều khiến đứa trẻ phải băn khoăn về nguồn gốc của mình.
Courtney McKinney và Alexandra Sanchez cảm thấy thân thuộc ngay lần đầu gặp nhau, sau khi phát hiện họ được thụ tinh từ tinh trùng của cùng một người hiến. Ảnh: The Atlantic. |
Trước năm 2000, việc giữ bí mật về thông tin của người hiến là một quy tắc buộc phải tuân thủ. Người ta muốn bảo vệ người đàn ông khỏi sự kỳ thị bị vô sinh và tránh cho đứa trẻ khỏi mang tiếng là con hoang.
Ngày nay mọi việc đã khác xa. "Có tới 75-80% các đôi đồng tính nữ và mẹ đơn thân chọn dùng tinh trùng hiến. Trẻ cũng hiểu rõ mình được tạo ra thế nào", Scott Brown, giám đốc truyền thông và chăm sóc khách hàng của Ngân hàng tinh trùng Cryobank California cho biết.
Trong khi nhiều chuyên gia đồng ý rằng thế hệ sau có nhiều thuận lợi để biết được ai là cha mình, những bà mẹ đã dùng tinh trùng hiến giận dữ khi nghĩ tới chuyện một người vô danh nào đó bỗng nhiên bước vào đời con mình. Một số người cho tinh trùng cũng không muốn bị quấy rầy. Nhưng như Susan Crockin, một luật sư và là giáo sư thỉnh giảng tại trường luật Georgetown, biện luận rằng, trẻ hoàn toàn có lý khi nói: "Nếu mẹ nghĩ việc lựa chọn người hiến có những phẩm chất nào đó là quan trọng thì sao không hiểu rằng với con, việc biết mình sinh ra từ đâu cũng vô cùng ý nghĩa".
Góc nhìn này được nhiều người đồng tình và những năm gần đây, các chính sách liên quan tới hiến, nhận tinh trùng cũng nhích sang hướng cởi mở hơn. Ngày nay, bố mẹ toàn cầu được khuyên nên cho con họ biết sớm nếu trẻ được thụ tinh bằng tinh trùng hiến. Trong những thập niên 1990 và 2000, nhiều nước bao gồm Thụy Điển, Anh và Đức ban hành quy định không chấp nhận bất cứ việc hiến tặng nào mà tên người hiến không được tiết lộ trong tất cả các hoàn cảnh.
Với Alexandra Sanchez, việc phát hiện ra Courtney McKinney là một bất ngờ đáng mừng. Sanchez chỉ tò mò về một nửa dòng máu của mình gần đây, khi cô và chồng mình bắt đầu nói về chuyện sinh con. Cả hai đều không hề biết bố mình là ai.
Dù vậy, với McKinney, việc gặp Sanchez là một cuộc khám phá đã được chờ đợi từ lâu. Khi McKinney 16 tuổi, mẹ cho cô xem một video bà thực hiện trước khi sinh con. Trong đó, bà giải thích với con gái rằng cô được thụ thai nhờ tinh trùng hiến. Sự kiện đó khiến McKinney nhận ra cô không phải là kết quả từ mối tình chóng vánh của mẹ với một người tên "Charles" như bà từng kể mà là sản phẩm trao đổi giữa bà và một người được chọn từ ngân hàng tinh trùng.
McKinney muốn biết về người đàn ông đó, vì vậy khi 19 tuổi, cô tới California Cryobank để tìm thông tin. Nhân viên tại đó gọi cho người hiến tinh trùng nhưng người ấy giờ đã có gia đình và không muốn có bất cứ liên lạc nào vì sợ vợ phát hiện chuyện mình giấu năm xưa.
Cô thử liên lạc lại lúc 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp Đại học Yale, nhưng cũng không có kết quả như ý. Cô tiếp tục lần nữa lúc 26 tuổi. Lần này, cô được cho xem 4 trang tài liệu mô tả các đặc điểm ngoại hình và một số thông tin như màu mắt và màu tóc của ông bà, cố nội và họ chết vì bệnh gì.
Khá dễ hiểu, McKinney lại muốn biết nhiều hơn. Vì thế, hơn một thập kỷ sau lần đầu biết rõ nguồn gốc, cô đăng ký vào hàng loạt các trang mạng tìm kiếm phả hệ như MyHeritage, 23andMe và Ancestry. Tháng 11 năm ngoái, cô kết nối được với Sanchez qua trang MyHeritage.
Những trang kiểu này khiến các cuộc gặp gỡ như của Sanchez và McKinney ngày càng phổ biến. Như nhà tâm lý Thomas Jefferson, Đại học Andrea Braverman từng nhấn mạnh, đó là chiến thắng của sự cởi mở nhưng việc dễ dàng và tiện lợi tìm được người thân qua thông tin ADN trên mạng cũng đe dọa rào chắn mong manh mà các ngân hàng tinh trùng và người hiến đã thống nhất vài thập kỷ trước để duy trì sự bảo mật.
"Tôi nghĩ việc ẩn danh là chuyện hoang đường", Crockin, luật sư gia đình nói. "Tôi từng nói với các khách hàng của mình rằng việc đó chỉ duy trì được khoảng 10 năm". Thời nay, nhờ sự phát triển của dịch vụ xét nghiệm ADN, cơ hội con cái những người hiến tinh trùng tìm được cha là điều hầu như trong tầm tay.
Khó khăn trong việc bảo vệ danh tính là một thực tế mà các ngân hàng tinh trùng phải đối mặt. Scott Brown nói rằng ngày nay, Ngân hàng tinh trùng Cryobank California phải cân nhắc tới việc thực hiện một thỏa thuận pháp lý giữa họ với những người hiến. "Chúng tôi sẽ không tiết lộ các thông tin cá nhân hay liên lạc của họ với bất cứ ai, dù là con cái họ, truyền thông hay bệnh nhân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các khách hàng hay con cháu họ sẽ không tự tìm kiếm được thông tin", ông nói.
Dù vậy, với nhiều người, việc nhờ tới tinh trùng hiến để có con vẫn không phải lựa chọn. Một chuyên gia hỗ trợ sinh sản gần đây gợi ý với Alexandra Sanchez và chồng chị, sau quá trình hai người chật vật chữa vô sinh, là họ có thể dùng tinh trùng hiến. "Tôi từ chối ngay và chọn thụ tinh trong ống nghiệm". Cô nói rằng không thể chịu nổi việc nhìn thấy con mình sau này luôn phải tò mò như mẹ nó, với câu hỏi "cha tôi trông như thế nào?".
Tác giả: Vương Linh
Nguồn tin: Báo VnExpress