Trong tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương

Trong chương trình làm việc tại huyện Tương Dương, chiều nay 25/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ngành.

Quang cảnh buổi làm việc

Tương Dương là một trong 74 huyện nghèo của cả nước. Là huyện miền núi có diện tích lớn nhất tỉnh, nhưng diện tích đất sản xuất của Tương Dương chỉ có hơn 7 nghìn ha. Địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi sông, suối, núi non hiểm trở; giao thông đi lại khó khăn. Dân số của huyện là 78.717 người; dân cư phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở dọc quốc lộ 7; đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 39,18%.

Lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các chính sách nông nghiệp

Đ/c Phan Đức Sơn – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương báo cáo

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Phan Đức Sơn cho biết: Năm 2021 bằng tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của nhân dân huyện nhà, Tương Dương đã thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế - xã hội năm 2021 tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; có 18/29 chỉ tiêu UBND tỉnh giao và 16/21 chỉ tiêu HĐND huyện giao đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2021 tăng 10,8%. Trong đó, nông - lâm - thủy sản tăng 4,2%; công nghiệp - xây dựng tăng 15%; thương mại - dịch vụ đạt 98%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 38.361 triệu đồng, đạt 188,6% dự toán tỉnh giao, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân trên đầu người đạt 30,4 triệu đồng.

Riêng 5 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 360.941 triệu đồng, đạt 55,7% so với dự toán tỉnh giao, đạt 55,4% so với dự toán HĐND huyện giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá cao hiệu quả kinh tế của mô hình trồng Thanh long đỏ tại xã Tam Quang

Năm qua, trên địa bàn huyện đã thực hiện lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các chính sách nông nghiệp. Huyện đã triển khai 22 mô hình phát triển kinh tế; đến nay trên địa bàn huyện có 284 mô hình hoạt động có hiệu quả. Toàn huyện có 06 sản phẩm đặc trưng của địa phương đạt sản phẩm OCOP với thứ hạng 3 sao. Nông trại, trang trại được quan tâm đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao; tổng đàn trâu bò ước đạt 50.780 con.

Sản vật của huyện đã mang lại thu nhập cho người dân

Trên địa bàn huyện đã trồng mới được 1.018,6 ha rừng tập trung. Công tác giao đất giao rừng được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững. Công tác nuôi trồng thủy sản được chú trọng tạo thành hàng hóa, làm mới 91 lồng cá, nâng tổng số lồng cá trên địa bàn lên 429 lồng; sản lượng đạt 530 tấn.

Điểm mới trong phát triển kinh tế của huyện năm qua là đã kết nối với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tua tuyến du lịch tham quan rừng Săng lẻ - Lòng hồ - Đền Vạn - Homestay Quang Phúc, bước đầu đã khai thác được tiềm năng du lịch của địa phương.

Cùng với công tác phòng chống dịch bệnh, huyện đã triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong năm qua, huyện cũng đã giải quyết việc làm cho 2.840 lao động.

Công tác an sinh xã hội được chú trọng, công tác xóa đói giảm nghèo thường xuyên được quan tâm; các chính sách bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đời sống nhân dân ổn định và từng bước được cải thiện. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Huyện duy trì, phát triển tốt tình hữu nghị đặc biệt với nước bạn Lào.

Hỗ trợ huyện gỡ khó trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hậu tái định cư thủy điện

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Hải đề nghị UBND tỉnh tiếp tục điều chỉnh bổ sung mở rộng dự án tái định cư cho 34 hộ dân tại xã Lượng Minh

Thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo huyện Tương Dương đề xuất vấn đề liên quan đến việc xây dựng hạ tầng trên địa bàn huyện, như: Hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp 34 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất tại xã Lượng Minh. Trong đó, huyện đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung mở rộng dự án; đồng thời cho phép huyện được thực hiện phân chia lô đất tái định cư theo khẩu và tình hình thực tiễn của từng hộ dân để phù hợp và tiết kiệm quỹ đất.

Người dân bản Lạ, xã Lượng Minh mong muốn Khu tái định cư sớm hoàn thành để ổn định cuộc sống

Huyện cũng đề nghị tỉnh cho chủ trương đầu tư hệ thống thủy lợi để phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt cho các hộ dân trong vùng và giúp huyện xây dựng Tam Quang trở thành xã điểm về phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Để giúp nhân dân trên địa bàn huyện được ổn định cuộc sống, huyện đề nghị UBND tỉnh yêu cầu các nhà máy thủy điện giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập liên quan đến công tác đền bù và hậu tái định cư.

Các kiến nghị, đề xuất của huyện, lãnh đạo các Sở, ngành liên quan đã có trả lời cụ thể. Lãnh đạo các ngành cũng đã có trao đổi và đề nghị huyện thực hiện tốt một số nội dung như sắp xếp, tổ chức bộ máy; tuyển dụng, bố trí giáo viên; tăng cường công tác đối ngoại với các huyện biên giới nước bạn Lào, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Định hướng phát triển kinh tế xã hội cho huyện, một số đại biểu đề nghị huyện tập trung xây dựng một số sản phẩm cây bản địa. Để phát triển kinh tế rừng cần phải có cơ chế đặc thù, chú trọng trồng rừng gỗ lớn gắn với chế biến; rà soát quỹ đất lâm nghiệp; trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Có ý kiến đề xuất, nên giao cho các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn thực hiện một số mô hình kinh tế.

Tương Dương phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định, với một huyện nằm trong 4 huyện nghèo của tỉnh và 74 huyện nghèo của cả nước, chính vì vậy lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo ngành luôn trăn trở và quan tâm đến sự phát triển của huyện Tương Dương. Là huyện miền núi có diện tích lớn nhất tỉnh nhưng diện tích đất sản xuất rất ít, Chủ tịch UBND tỉnh hết sức chia sẻ với lãnh đạo huyện Tương Dương trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và thực hiện công tác phòng chống dịch trong thời gian qua. Điểm qua những kết quả đạt được về tổng giá trị sản xuất, thu ngân sách, xây dựng các mô hình kinh tế, xây dựng các sản phẩm OCOP, văn hóa, xã hội, giáo dục, an ninh quốc phòng… cũng như trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo huyện Tương Dương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, với địa bàn mà đất ở và đất sản xuất cho người dân hạn chế, kết nối hạ tầng khó khăn, dân cư phân bố phân tán... thì việc phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy đề nghị huyện cần quan tâm đến công tác quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản; bảo vệ rừng đặc biệt quan tâm đến chính sách bảo vệ môi trường.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, theo Chủ tịch UBND tỉnh, Tương Dương phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững: Sinh thái bền vững, sinh kế bền vững. Và để đảm bảo sinh thái, sinh kế bền vững thì huyện cần phải giữ vững an ninh biên giới. Cùng với đó, phải chăm lo công tác an sinh xã hội. Chính những yếu tố này sẽ đảm bảo an dân trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các phòng, ban phải đoàn kết, thống nhất để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm và 03 khâu đột phá. Sau 02 năm thực hiện Nghị quyết, huyện cần rà soát lại các mục tiêu chỉ tiêu, nếu không còn phù hợp thì cần phải điều chỉnh để tập trung chỉ đạo thực hiện. Trong đó, quan tâm thực hiện các chương trình MTQG, mà trọng tâm là chương trình phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số. Huyện cần rà soát lại các quy hoạch từ quy hoạch sử dụng đất, khai thác khoáng sản, xây dựng để đáp ứng sự phát triển trước mắt và lâu dài của huyện, nhất là khi diện tích đất sản xuất của huyện rất hạn chế.

Phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn huyện

Với điều kiện của huyện, cần phải nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả như các mô hình tại xã Tam Quang để tạo sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển kinh tế rừng; phát triển chăn nuôi gắn với chuỗi giá trị... Huyện cũng cần quan tâm phát triển kinh tế du lịch: Du lịch sinh thái, du lịch khám phá, mạo hiểm. Cùng với đó, Tương Dương cần tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới thực chất, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Trong đầu tư xây dựng cần phải có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên các công trình có tính kết nối hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xâ hội trên địa bàn. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn các chương trình MTQG. Trong thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào cần phải thực hiện đúng, đủ.

Là địa bàn bị tác động rất lớn bởi thiên tai, do đó huyện cần phối hợp với các ngành để triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trên địa bàn. Đồng thời kiểm tra chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Huyện tiếp tục rà soát những tồn đọng trong công tác đền bù và tái định cư của các dự án thủy điện.

Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, Huyện cần chăm lo sức khỏe cho dân, quan tâm công tác giáo dục và đào tạo; đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn; thực hiện tốt các chính sách xóa đói giảm nghèo; tạo cảm hứng, hỗ trợ để thúc đẩy người dân trên địa làm ăn phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, xóa bỏ những hủ tục, tệ nạn xã hội.

Về công tác quản lý nhà nước, huyện cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính; bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý, nâng cao đạo đức công vụ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Huyện cũng cần phải quan tâm đến công tác đảm bảo quốc phòng an ninh, phối hợp tốt với các đơn vị nước bạn Lào để đảm bảo an ninh biên giới.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đã trả lời cụ thể các kiến nghị của huyện.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP