Trong nước

Chính phủ quyết tâm tăng tốc, bứt phá

Sau 3 năm kiên trì thực hiện mục tiêu “liêm chính, kiến tạo và hành động”, Chính phủ đã đạt được những thành quả ngọt ngào khi lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế đạt mức kỷ lục 7,08%. Từ kết quả này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2019, Chính phủ quyết tâm tăng tốc, bứt phá để kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Như Ý

Bứt phá về thể chế, chính sách

Hơn nửa chặng đường nhiệm kỳ đã trôi qua, Bộ trưởng có thể khái quát những điểm nhấn nổi bật trong hoạt động của Chính phủ với mục tiêu “liêm chính, kiến tạo và hành động”?

Tinh thần xuyên suốt của Thủ tướng từ đầu nhiệm kỳ đến nay là quyết tâm xây dựng Chính phủ “kiến tạo, hành động, liêm chính”, nói và làm, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến nay là 3 năm, mục tiêu ấy vẫn luôn xuyên suốt trong điều hành của Chính phủ và Thủ tướng. Chính phủ và Thủ tướng luôn đặt trọng tâm hàng đầu là ưu tiên hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Vì Chính phủ kiến tạo, thượng tôn pháp luật nên vấn đề liên quan đến cơ chế, thể chế, thực thi rất quan trọng.

Chính phủ cũng quan tâm phát huy nội lực, thu hút vốn tư nhân, tạo cơ chế thu hút các nguồn lực. Trong khi vốn ngân sách Nhà nước có hạn thì huy động vốn tư nhân rất quan trọng, bởi lực lượng này chiếm 40% GDP của cả nước, với khoảng 600.000 doanh nghiệp. Năm qua, rất nhiều hội nghị ở tầm quốc gia với sự tham dự của Thủ tướng, các phó thủ tướng được tổ chức. Ở đó, Thủ tướng được nghe các hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh, tạo ra thông tin tiếp cận giữa doanh nghiệp, người dân với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn. Từ đó tạo ra niềm tin, sự hứng khởi để doanh nghiệp và người dân yên tâm làm ăn, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

Chính phủ của năm 2018 là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, sang năm 2019 hai chữ “bứt phá” được thêm vào phương châm hành động. Vậy Chính phủ xác định “bứt phá” ở những điều gì?

Tôi cho rằng, kỷ cương, liêm chính, hành động là một mệnh đề xuyên suốt của Chính phủ. Kỷ cương, liêm chính, hành động là muốn thực sự chấn chỉnh kỷ cương, cách làm việc. Thủ tướng có nói “trên nóng dưới lạnh”, hay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, tức là không quá hài lòng với những gì chúng ta đạt được, vì có những cái ta phải cố gắng rất nhiều. Nếu như không có tư tưởng xuyên suốt như vậy thì sẽ không xây dựng được Chính phủ liêm chính, kiến tạo.

Vì thế, tôi cho rằng vấn đề kỷ cương, liêm chính là vấn đề xuyên suốt. Thể hiện tư tưởng đó trong quá trình xây dựng thể chế, ngay cả vấn đề liên quan đến phân cấp thì kỷ cương, liêm chính cũng phải tạo ra sân chơi, sự phân cấp rất rõ ràng, tránh chồng chéo, đan xen và sự lôi kéo của “lợi ích nhóm”.

Còn chủ đề của năm 2019, đây là thời gian cuối của nhiệm kỳ nên “bứt phá” rất quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra. “Bứt phá” cần phải thực hiện trong nhiều lĩnh vực, nhưng tựu lại là về thể chế, cơ chế chính sách... Để thực hiện “bứt phá” cần sự đột phá rất mạnh mẽ về thể chế, chính sách. Ví dụ, chúng ta có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nếu không có cơ chế “bứt phá” thì không ai chuyển thành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng về tinh giản biên chế, nếu không “bứt phá” mạnh mẽ thì không thể làm, làm mà hiệu quả không cao thì không ổn. Năm 2019, chúng ta cũng phải làm tốt cổng thanh toán điện tử, phải có liên kết, có dịch vụ công trực tuyến minh bạch, công khai. Từ đó, giảm tham nhũng vặt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khi phát biểu tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương đã nói “các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2019 phải cao hơn 2018”. Muốn được như vậy thì cần sự quyết tâm của cả đội ngũ cán bộ công chức, cả hệ thống chính trị chứ không riêng Chính phủ.

Kinh tế tư nhân là động lực để “bứt phá”

Trong Nghị quyết 01 của Chính phủ có coi phát triển kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng để “bứt phá” trong năm tới. Vậy Chính phủ sẽ đề ra nhiệm vụ cụ thể nào tận dụng nguồn lực này?

Chúng ta đã có hành lang pháp lý khá rõ về việc phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có cả nghị quyết của Trung ương và Quốc hội. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều coi kinh tế tư nhân là nền tảng quan trọng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có cơ chế, chính sách phù hợp một cách cụ thể thì sẽ không khuyến khích được.

Năm 2018 có hơn 131.000 doanh nghiệp mới thành lập, nhưng số đóng cửa cũng rất cao. Với 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nếu không có chính sách gì thì họ không thể chuyển sang doanh nghiệp. Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các cơ quan nghiên cứu cơ chế chính sách. Các chuyên gia cho rằng phải xem xét chính sách thuế để khuyến khích tư nhân tham gia. Cũng có ý kiến đề xuất tạo gói tín dụng để họ tiếp cận tốt hơn…

Chắc chắn rằng trong thời gian tới đây, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo đi vào những quyết sách rất cụ thể, để xây dựng nghị định hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nếu không có chính sách cụ thể thì sẽ không đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Chúng ta đã đẩy mạnh cải cách, nhưng rào cản cải cách rất nhiều, điều này có khiến Bộ trưởng “chùn bước” không?

Tôi không nản vì xã hội, doanh nghiệp cần lắm. Chúng ta đã rất quyết liệt khi cắt giảm được hơn 6.000 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, vượt hơn 36% chỉ tiêu Nghị quyết 19 đề ra, tiết kiệm hơn 11,6 triệu ngày công, tương đương khoảng hơn 5.400 tỷ đồng. Cắt được hơn 3.000 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp và người dân rất cần cải cách. Có những trường hợp người mất 4 năm rồi mà không nhận được mai táng phí... Dân bức xúc là đúng vì sách nhiễu, rào cản kinh khủng. Ngoài ra, doanh nghiệp và người dân cũng rất cần cải cách phải đi vào thực chất.

Cho nên phải cải cách mạnh mẽ, làm liên tục, làm cương quyết, làm rắn. Làm rắn ở đây nghĩa là đi vào cụ thể, dù đây là vấn đề rất khó. Cải cách giúp tạo dư địa tăng trưởng mạnh vì tháo gỡ khó khăn, cắt giảm chi phí, thúc đẩy gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Để "bứt phá" thì cán bộ là lực lượng quan trọng nhất. Mới đây Trung ương cũng đã ban hành quy định nêu gương, vậy Chính phủ và bản thân ông sẽ thực hiện quy định này như thế nào?

Tôi cho rằng quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng là rất quan trọng, rất hay, mang tính giáo dục và tự giác. Mỗi người phải tự soi xét mình. Vị trí càng cao thì tính nêu gương càng phải tốt hơn, sáng hơn, tự giác hơn.

Với trách nhiệm của Chính phủ, thành viên Chính phủ, tôi cho rằng đầu tiên phải làm theo chức trách được giao và phải làm tốt. Phải rèn luyện bản thân, hoàn thành chức trách, trách nhiệm. Cái gì được giao thì phải làm đàng hoàng, làm tốt để cùng nhau xây dựng một Chính phủ tốt. Nếu co mình lại, không dám làm gì thì cũng không được, yêu cầu là phải quyết liệt, phải hành động.

Văn phòng Chính phủ là cơ quan tham mưu mà không dám đề xuất, chỉ rụt rè thì cũng không được. Có những việc Thủ tướng băn khoăn, yêu cầu cá nhân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho ý kiến thì tôi phải có báo cáo riêng. Cách làm của Thủ tướng chặt chẽ lắm, phân biệt cái gì là cá nhân, cái gì là tập thể. Trường hợp Thủ tướng yêu cầu đích danh phải có ý kiến cá nhân thì tôi sẽ ký mang tư cách cá nhân Bộ trưởng để Thủ tướng xem xét quyết định trên cơ sở pháp luật.

Tác giả: Văn Kiên (thực hiện)

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP