Kinh tế

Chân dung doanh nghiệp khiến Chủ tịch UBND tỉnh An Giang 'xộ khám'

Ông Lê Quang Bình - Chủ tịch HĐQT Đầu tư Trung Hậu đã chỉ đạo nhân viên và thuê các đối tượng liên quan tổ chức khai thác bước đầu xác định là hơn 4,78 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu mét khối, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng.

Chi nhánh Công ty Trung Hậu - Tổng 68 tại khu đô thị Tây sông Hậu, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang đóng cửa sau khi bị Bộ Công an khám xét - Ảnh: CHÍ HẠNH/Tuổi Trẻ.

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp, chỉ đạo giúp CTCP Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (Đầu tư Trung Hậu) được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Đầu tư Trung Hậu, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Theo điều tra ban đầu, Đầu tư Trung Hậu được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác hơn 1,5 triệu m3 cát cung cấp cho 4 công trình thuộc Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông. Mỏ cát khai thác nằm trên địa bàn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới.

Nhà chức trách cho rằng lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, ông Lê Quang Bình - Chủ tịch HĐQT Đầu tư Trung Hậu đã chỉ đạo nhân viên và thuê các đối tượng liên quan tổ chức khai thác bước đầu xác định là hơn 4,78 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu mét3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng, bỏ ngoài sổ sách không khai báo và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số cát khai thác vượt giấy phép này.

Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép thu lời bất chính, ông Bình cùng đồng phạm đã thông qua các công ty trung gian do mình thành lập để quản lý mua hóa đơn đầu vào khống. Số tiền thu được, ông này khai chi cho một số cán bộ.

Đầu tư Trung Hậu thành lập vào tháng 9/2014, hiện đóng trụ sở tại số 78-80, đường 1, Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.CM. Thành phần cổ đông sáng lập gồm ông Lê Quang Bình (40%), ông Nguyễn Quốc Thái (20%), ông Nguyễn Văn Việt (10%) và ông Nguyễn Nam Dương (30%).

Đến tháng 4/2016, cả 3 cổ đông sáng lập họ Nguyễn đều thoái hết vốn, chỉ riêng ông Bình tăng sở hữu lên 60%. Đến tháng 6/2019, công ty tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 368 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Tuy vậy, ông Lê Quang Bình (SN 1973) vẫn nắm các vai trò quan trọng như Chủ tịch HĐQT, Người đại diện theo pháp luật.

Công ty hiện có 11 chi nhánh và văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa, Vĩnh Long, An Giang, Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp. Tuy nhiên, cả trụ sở chính công ty và các chi nhánh đều đang trong tình trạng không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký hoặc ngừng hoạt động và đã đóng MST.

Ngoài ra, Đầu tư Trung Hậu sử dụng 1 số xe ô tô, xe Mercedes – Benz S450, xe Lexus LX 570 làm tài sản đảm bảo cho 1 số khoản vay tại các ngân hàng và công ty tài chính.

Theo tìm hiểu, Đầu tư Trung Hậu là chủ đầu tư dự án Khai thác cát san lập trên lòng sông Tiền thuộc xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Đây là dự án có trữ lượng khai thác mỏ là gần 3,8 triệu m3, công suất khai thác năm nguyên khối là 1,11 triệu m3/năm. Diện tích xin thăm dò, khai thác là 99ha.

Hồi cuối năm 2022, UBND tỉnh Trà Vinh đã cấp Quyết định cho phép Đầu tư Trung Hậu khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cát san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ cát thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải. Diện tích khu vực khai thác là 30ha, trữ lượng khai thác là hơn 1,05 triệu m3, công suất khai thác là 350.000 m3/năm.

Dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy, để sở hữu dự án này, Đầu tư Trung Hậu phải chi đến 150,5 tỷ đồng, tức gấp hơn 44 lần giá khởi điểm là 3,4 tỷ đồng.

Bên cạnh Đầu tư Trung Hậu, ông Bình còn là Chủ tịch HĐQT, Người đại diện theo pháp luật CTCP Đầu tư Kiên Giang SG. Cập nhật tại thời điểm tháng 3/2016, ông là cổ đông chi phối nắm 51% vốn Kiên Giang SG, danh tính cổ đông còn lại được công bố là ông Lê Út Bé sở hữu 20% vốn.

Kiên Giang SG là chủ đầu tư dự án Khu Tham quan Du lịch Nghỉ dưỡng Ba Động (xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), tổng diện tích 27.620 m2. Dù vậy, tính đến tháng 10/2023, Kiên Giang SG chưa hoàn thiện các thủ tục có liên quan để nghiệm thu hoàn thành công trình đưa dự án đi vào hoạt động theo quy định.

“Qua nắm thông tin, ông Lê Quang Bình - người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT và tất cả thành viên Hội đồng quản trị của CTCP Đầu tư Kiên Giang SG đang bị tạm giam từ tháng 7/2023 đến nay. Ban Quản lý Khu kinh tế đã có 2 văn bản hướng dẫn, nhắc nhở Công ty phải phản hồi thông tin về người đại diện theo pháp luật theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Tuy nhiên đến nay, Ban Quản lý Khu kinh tế chưa nhận được phản hồi”, Ban Quản lý Khu kinh tế Trà Vinh cho biết.

Ngoài ra, Kiên Giang SG cũng tham gia khai thác cát san lấp khi sở hữu 1 mỏ quy mô 48ha tại xã Trường Long Hòa và xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Dự án nhận giấy phép khai thác khoáng sản từ tháng 7/2016 và được gia hạn vào tháng 8/2020.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2023, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành quyết định đóng cửa mỏ của Kiên Giang SG. Mục đích đóng cửa mỏ nhằm để quản lý theo quy định của pháp luật và phục hồi môi trường các khu vực đã khai thác khoáng sản.

Tác giả: HỮU BẬT

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP