Nhân ái

Căn bệnh quái ác cướp đi tuổi thanh xuân của cô gái nghèo Hà Tĩnh

Tuổi trẻ, lúc đang căng tràn sức sống với đầy ắp những hoài bão, ước mơ thì căn bệnh "Viêm tủy đốt sống cổ cắt ngang C2 – C7" ập đến không báo trước đã cướp mất thanh xuân của cô gái trẻ 9x. Đó là hoàn cảnh của Trần Thị Hà (SN 1995) trú tại thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến căn nhà cấp bốn cũ kỹ xuống cấp nằm ở cuối làng, nơi mà Hà đang dưỡng bệnh.

Trong ngôi nhà trống hoác, chẳng có thứ gì giá trị ngoài chiếc bàn với mấy cái ghế nhựa để tiếp khách. Bà Nguyễn Thị Tâm - mẹ của Hà - với đôi mắt đỏ hoe đang ngồi xoa bóp, an ủi đứa con gái trên chiếc giường nhỏ đặt ở góc nhà. Cố tỏ ra vui vẻ để đón khách nhưng rồi nước mắt bà Tâm lại tuôn ra từ lúc nào. Để đứa con gái tội nghiệp không thấy mình khóc, bà quay mặt đi lau vội mấy giọt nước mắt.

Ngôi nhà cấp bốn xập xệ của gia đình Hà.

Tìm thấy được sự đồng cảm, nước mắt của Hà cũng lã chã rơi. Hà thấy đau xót cho chính số phận đau khổ của mình: "Căn bệnh quái ác này cướp mất thanh xuân của em rồi. Ước mơ có công ăn việc làm ổn định để đáp đền ơn sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ chưa thực hiện được thì giờ lại một lần nữa là gánh nặng cho bố mẹ".

Đã bao lần Hà tự nhủ bản thân không được khóc, phải mạnh mẽ để chiến đấu với bệnh tật, không làm bố mẹ và những người thương mình thêm buồn. Nhưng mạnh mẽ đến đâu thì Hà cũng chỉ là một người con gái. Nước mắt nuốt ngược rồi cũng trào ra một cách bản năng.

"Em không dám khóc trước mặt bố mẹ, vì sợ họ buồn. Khi không có ai, em thường khóc nhưng không dám cất thành tiếng vì sợ mọi người biết", cô gái tội nghiệp nói trong tiếng nấc nghẹn lòng.

Sinh ra trong gia đình nghèo, bố mẹ quanh năm lam lũ với ruộng đồng mong muốn 3 anh, em của Hà trưởng thành. Hiểu được sự hy sinh đó nên anh em Hà luôn chăm ngoan học hành và quan tâm phụ giúp cha, mẹ.

Cô gái vui vẻ năng động nay phải làm bạn cùng giường bệnh.

Mong muốn có nghề nghiệp ổn định để phụ giúp bố mẹ, Hà theo học ngành Tài nguyên Môi trường tại Đại học Vinh. Ra trường chưa thể tìm công việc phù hợp, Hà đành phải vào Quảng Nam để làm công việc trái ngành. Dạo gần đây, Hà xin về làm việc tại TP. Vinh (Nghệ An) để được gần gia đình thì không may những tai họa ập đến với Hà.

Hà cho biết, ngày 22/12/2019, sau khi ngủ dậy chuẩn bị đi làm thì Hà cảm thấy choáng và tay chân khó cử động dần mất cảm giác nên được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Ba Lan – TP. Vinh nhưng không tìm ra nguyên nhân. Sau đó, Hà được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây Hà được chẩn đoán là viêm tủy 6 đốt sống ở cổ chèn hết dây thần kinh dẫn tới liệt tứ chi và không còn cảm giác ở những phần cơ thể từ cổ xuống.

Dường như tai họa vẫn chưa buông tha cô gái trẻ khi bà nội của Hà qua đời vào ngày 27 Tết (âm lịch). Đang điều trị bệnh, không thể về để đưa tang bà, Hà đã khóc rất nhiều và mong người bà mà cô yêu thương tha lỗi.

Người mẹ với đôi mắt đỏ hoe ngồi xoa bóp và động viên con.

Số phận như muốn quật ngã cô gái tội nghiệp. Nhưng rồi từ những lời động viên của người thân, sự chia sẻ của bạn bè, Hà dần lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Hà tự nhủ phải mạnh mẽ hơn, không chịu khuất phục trước những khó khăn, bệnh tật. Sau 4 tháng chạy chữa, qua nhiều bệnh viện từ Nghệ An, Hà Nội... thì tay của Hà đã có thể cử động nhẹ.

Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó khi kinh phí để điều trị lâu dài cho Hà đã dần rút kiệt gia sản của một gia đình nghèo. Đổ bệnh trong mùa dịch COVID-19, nguồn thu nhập bị cắt đứt trong khi vẫn phải trang trải để Hà điều trị, mẹ của Hà cho biết đã phải vay mượn gần 200 triệu đồng. Sự giúp đỡ của mọi người cũng không đủ để điều trị cho con gái.

"Nhà nghèo, làm nông không đủ ăn nên tôi phải vào miền Nam làm thuê. Anh trai nó thì công việc không ổn định, em gái út thì đã lấy chồng xã bên nhưng cũng không khá giả gì. Thương con, tôi cố gắng vay mượn vì trong nhà cũng không có gì đáng giá mà bán. Số tiền vay đã gần 200 triệu giờ cũng chưa biết vay tiếp ở đâu", bà Tâm chia sẻ.

Do kinh phí cao cùng với việc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà phải về nhà điều trị và cách ly. Do không có máy móc, thiết bị hỗ trợ nên tay, chân của Hà có hiện tượng teo cứng.

Sự lo lắng, buồn bã ngày càng hằn lên khuôn mặt của đôi vợ chồng già khi phải nhìn người con từng là niềm hy vọng của họ chống chọi với bệnh tật. Họ cũng hiểu rằng nếu không có đủ kinh phí để tiếp tục chạy chữa cho con thì họ sẽ mãi mất đi đứa con khỏe mạnh, vui vẻ của ngày xưa.

Trao đổi với PV, ông Mai Khắc Sáng, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Thường Nga (huyện Can Lộc) cho biết, chính quyền địa phương khi biết được hoàn cảnh khó khăn của Trần Thị Hà đã đến thăm hỏi động viên. Cán bộ địa phương ngoài việc quyên góp còn sử dụng mạng xã hội nhằm kêu gọi thêm kinh phí để điều trị cho Hà.

"Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của chị Hà. Nhằm chia sẻ khó khăn, địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình chị. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch COVID-19, xã thường xuyên cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình. Công tác kêu gọi giúp đỡ chị Hà cũng được quan tâm, anh Đạt - Phó hiệu trưởng trường THCS Trà Linh và anh Lam - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thường Nga cùng nhiều lãnh đạo xã đã nhiệt tình kêu gọi", ông Sáng cho hay.

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Thường Nga, vừa qua lãnh đạo huyện cũng đã đến thăm hỏi hoàn cảnh và động viên Hà.

Mọi sự giúp đỡ gia đình chị Trần Thị Hà - Mã số 554 xin gửi về:

1. Chị Trần Thị Hà trú tại thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Tác giả: Hùng Trần – Bá Sơn

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP