Tình trạng đau cổ vai gáy thường gặp ở nhiều người, đặc biệt người làm việc văn phòng. Ảnh: Pexels. |
Đau cổ vai gáy là tình trạng bệnh lý thường gặp với các triệu chứng đau, mỏi, khó chịu ở vùng cổ, vai và gáy, đôi khi đau lan lên đầu. Tình trạng này khiến người bệnh đau mỏi, hạn chế vận động cổ vai và co cứng các nhóm cơ vùng cổ vai gáy.
Tư thế sinh hoạt và làm việc không đúng hoặc các vấn đề cơ xương như thoái hóa cột sống cổ, viêm khớp hay chấn thương khiến một số người bị đau cổ vai gáy. Đây là nhóm bệnh lý thường gặp, gây lo lắng, suy giảm sức lao động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), để phòng ngừa đau cổ vai gáy, những người có nguy cơ cao cần hạn chế các công việc ảnh hưởng đến vận động của vùng cổ vai gáy. Bên cạnh đó, mọi người cần tập luyện, duy trì tư thế làm việc, tư thế ngủ đúng.
Người dân nên tránh vận động quá mức, nghỉ ngơi khi cảm thấy đau và hạn chế sử dụng điện thoại di động, máy tính trong thời gian quá dài.
Khi ngủ, nên sử dụng gối và đệm phù hợp để giữ cho cổ và vai thẳng khi ngủ. Mọi người nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng khi ngủ, tránh tư thế nằm sấp vì sẽ gây áp lực cho vùng cổ vai gáy.
Đồng thời, bạn cần lựa chọn gối kê có độ cao, độ mềm phù hợp, tốt nhất là có thể giữ đầu ngang với cổ. Chọn nệm có độ đàn hồi tốt để nâng đỡ cơ thể, tránh nằm nệm quá mềm vì sẽ khiến tình trạng đau vai gáy trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, các bài tập giãn cơ vùng cổ cũng có tác dụng nới lỏng các cơ bị căng cứng, giúp bạn giảm đau và cải thiện khả năng vận động linh hoạt để tránh tái phát. Nếu đau cổ vai gáy cảm thấy khó chịu, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khi phải thao tác máy tính trong nhiều giờ hoặc ngồi liên tục một chỗ, mọi người cần thực hiện điều chỉnh ghế ở tư thế thoải mái, hai chân đặt lên sàn và giữ đầu gối thấp hơn hông. Tay của bạn cần đặt ngang với bàn làm việc để giảm áp lực đè nén lên cột sống, gân, cơ, khớp vùng cổ vai gáy.
Thêm nữa, bác sĩ Liên cho biết một chế độ dinh dưỡng hợp lý và đủ nước sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi các tổn thương diễn ra thuận lợi hơn. Đặc biệt, người dân cần bổ sung các loại trái cây, rau củ quả giàu thành phần vitamin C, vitamin A, vitamin D và canxi, protein…
Ngoài ra, uống đủ nước cũng giúp cơ thể thúc đẩy lưu thông máu diễn ra thuận lợi hơn, cung cấp nước cho đĩa đệm chắc khỏe và dẻo dai. Mỗi ngày, người bệnh cần bổ sung đủ từ 2-2,5 lít nước để hỗ trợ cải thiện đau nhức hiệu quả.
Vật lý trị liệu cũng là giải pháp điều trị hữu ích đối với tình trạng đau mỏi cổ vai gáy thường gặp. Các liệu pháp vật lý như parafin, hồng ngoại, điện xung, siêu âm… giúp người bệnh giảm đau, giãn cơ, tăng cương dinh dưỡng tại chỗ. Ngoài ra, xoa bóp nhẹ nhàng tại chỗ và tập vận động với các chuyên gia giúp giãn cơ, tăng cường tầm vận động các khớp, giảm đau và giảm nguy cơ tái phát triệu chứng.
Khi gặp các triệu chứng của bệnh, hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Tác giả: Nguyễn Thuận
Nguồn tin: znews.vn