Giải trí

Ca sĩ Việt và ác mộng trắng tay khi rời công ty quản lý

Sự hợp tác giữa ca sĩ và công ty giống “con dao hai lưỡi”. Nếu thuận lợi, ca sĩ chỉ việc tập trung vào âm nhạc, mọi thứ đã có công ty lo. Còn khi có sự cố, ca sĩ thường bị đẩy vào thế khó nhằn, thậm chí ra đi trong tay trắng.

Trên bình diện thị trường nhạc Việt, phần lớn ca sĩ hoạt động độc lập cùng ê-kíp thường chỉ có quản lý và trợ lý. Số rất ít ca sĩ khác hoạt động độc lập theo hình thức mở công ty, xây dựng ê-kíp hùng hậu cho riêng mình. Phần còn lại là những ca sĩ hoạt động dưới sự quản lý của công ty.

Vài năm qua, số lượng ca sĩ được công ty “lăng xê” thành công trên thị trường nhạc Việt ngày càng nhiều. Nhưng ngược lại, có một loạt vụ lùm xùm giữa ca sĩ và công ty, thậm chí phải đưa nhau ra tòa để giải quyết quyền lợi đôi bên.

Jack và K-ICM là những trường hợp đi lên nhờ công ty nhưng không duy trì lâu.

Công ty làm gì cho ca sĩ?

Sự hợp tác giữa ca sĩ và công ty giải trí là sự cộng sinh. Ca sĩ trực tiếp kiếm tiền cho công ty từ việc phát hành nhạc, chạy show, ký các hợp đồng quảng cáo… Công ty giải trí giữ vai trò là bệ đỡ, giúp ca sĩ tối ưu mọi hoạt động để nhắm đến cái đích sau cùng là có chỗ đứng trên thị trường, từ đó thành gương mặt hot trong các sản phẩm, show diễn và quảng cáo.

Chi tiết hơn, guồng làm việc của một công ty giải trí chuẩn mực sẽ hỗ trợ ca sĩ trong các khâu: truyền thông, marketing, tìm kiếm show diễn và tài trợ, quản lý hệ thống digital music (nhạc số). Trong điều kiện lý tưởng nhất, công ty sẽ hỗ trợ “tận răng” cho ca sĩ, đến từng chi tiết nhỏ nhất như chuẩn bị trang phục và kiểm soát giờ giấc sinh hoạt. Phần còn lại với ca sĩ là "hát hay và nhảy đẹp”.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, mức chia doanh thu giữa công ty - ca sĩ trên thị trường nhạc Việt ít nhất ở tỷ lệ 5-5. Cá biệt ở một số nơi, cán cân sẽ nghiêng về công ty với tỷ lệ 6-4, 7-3. Điều này không khó hiểu, bởi công ty đóng vai trò đầu tư về mọi mặt. Còn ca sĩ chỉ cần tập trung mảng chuyên môn, nên không thể đòi hỏi quyền lợi như khi hoạt động độc lập.

Một ca sĩ giấu tên (ca sĩ “A”) chia sẻ với Tiền Phong: “Đầu quân cho một công ty giải trí là sự lựa chọn an toàn, nhất là với những nghệ sĩ mới vào nghề như tôi 5 năm trước. Công ty sẽ lo cho nghệ sĩ từng cái nhỏ nhất như lập fanpage, chăm sóc hình ảnh. Trên mức ăn chia doanh thu, sau mỗi show, tôi nhận lại không còn bao nhiêu, nhưng cũng dễ hiểu vì tiền mình kiếm ra cũng dành để nuôi cả bộ máy đang hỗ trợ mình phía sau”.

“Thời mới vào nghề, khi không có tiền, danh tiếng chưa đủ, suy nghĩ của nhiều nghệ sĩ là muốn đầu quân cho một công ty. Nếu mọi thứ suôn sẻ, đây là nước đi tốt để sự nghiệp của chúng tôi có nền tảng đủ vững trong vài năm đầu. Nhưng không dễ để đạt được điều đó, bởi khi đôi bên va vào nhau, có rất nhiều mầm mống để nẩy sinh mâu thuẫn”, ca sĩ này chia sẻ tiếp.

Kay Trần mờ nhạt trước khi rời công ty của Sơn Tùng.

Những cuộc đổ vỡ

Riêng thị trường nhạc Việt, những cú bắt tay giữa công ty giải trí và ca sĩ thường có cái kết không êm đẹp. Gần như năm nào cũng xuất hiện một vụ lùm xùm giữa ca sĩ và công ty giải trí. Những vụ việc đó, nhẹ thì gây tranh cãi, làm bùng nổ truyền thông. Còn khi tính chất căng thẳng, đôi bên có thể lôi nhau ra tòa để kiện tụng.

Đó là cái kết của việc sự hợp tác giữa ca sĩ và công ty giải trí không suôn sẻ như lý thuyết.

Ca sĩ “A” tiếp tục chia sẻ với Tiền Phong: “Vài tháng đầu tiên, mọi thứ giữa tôi và công ty giải trí hoàn toàn thuận lợi. Nhưng rồi, một nghệ sĩ khác cùng công ty với tôi đang có đà thành công. Họ tập trung vào đó, bỏ bê tôi, dẫn đến sự nghiệp cứ vất vưởng qua từng ngày. Để rồi, tôi yêu cầu rời công ty. Họ đồng ý, nhưng tôi phải đền bù hợp đồng”.

Gần nhất, vụ Kay Trần rời công ty của Sơn Tùng gây ầm ĩ trên truyền thông và mạng xã hội. Đôi bên nói lời chia tay bằng thông điệp êm đẹp, nhân văn. Nhưng giới giải trí đồn thổi chuyện Kay Trần chia tay Sơn Tùng vì phật lòng với định hướng của công ty. Sau 2 năm, giọng ca Phía sau em chỉ tung 1 MV, có đúng 1 show diễn trong giai đoạn là nghệ sĩ độc quyền của công ty.

Xa hơn nữa, vụ Orange và LyLy rời công ty của Châu Đăng Khoa một thời gây sóng gió nhạc Việt. Orange và LyLy đã lên tiếng tố công ty không minh bạch tài chính, liên tục cắt xén cát-xê. Vụ việc nghiêm trọng đến mức phía Châu Đăng Khoa đâm đơn kiện để giải quyết đến tận cùng với 2 “gà cưng” một thời.

Vụ lùm xùm khiến Jack rời công ty đầu tiên, tách biệt K-ICM cũng đến từ yếu tố tài chính. Jack, Orange và LyLy có một điểm chung là đơn phương chấm dứt hợp đồng, dẫn đến ra đi với 2 bàn tay trắng. Họ không còn cơ hội hát lại những bản hit đầu tiên trong sự nghiệp vì công ty nắm giữ bản quyền. Jack và Orange cũng xây dựng lại fanpage từ con số 0.

Ít nhất 5 năm là thời hạn hợp đồng đa số công ty đưa cho ca sĩ. Nhìn vào diễn biến thị trường, không nhiều ca sĩ trực thuộc công ty gắn bó trên 5 năm. Có trường hợp đứt gãy giữa đường vì mâu thuẫn. Một nhóm ca sĩ khác đạt thỏa thuận với công ty, hoặc chủ động phá hợp đồng để sớm tách ra. Phần còn lại là ra đi ngay khi hợp đồng kết thúc.

Bài học cho ca sĩ

Sự chủ quan, ngây thơ trong khâu đàm phán hợp đồng là yếu tố chính dẫn tới sự vỡ mộng của các ca sĩ khi bắt tay với công ty giải trí. Cụ thể, các ca sĩ sẽ ký vào hợp đồng với những điều khoản kéo dài, ví dụ trong 5 năm, mức ăn chia doanh thu cố định một khung. Khi ca sĩ ở vạch xuất phát, chưa có gì trong tay, điều khoản công ty đưa ra khiến họ hài lòng. Nhưng khi ca sĩ đó vươn đến vị thế mới, cục diện sẽ đảo chiều.

Jack rơi vào trường hợp bị công ty quản lý chia doanh thu không hợp lý. Khi đầu quân cho công ty, Jack chỉ là “trai quê lên phố”, thành hiện tượng nhờ Hồng nhan. Sau Bạc phận và Sóng gió, vị thế của Jack vươn tầm ngôi sao, nhưng khoản tiền được công ty chia không cải thiện. Các fan của Jack nói rằng thần tượng của mình xứng đáng được trả nhiều tiền hơn, thay vì trả góp để mua xe hơi. Nhưng có thể thỏa thuận ban đầu khi ký hợp đồng khiến Jack không nhận lại khoản tiền như mong muốn, bất chấp tên tuổi đã ở cấp độ khác.

“Từ câu chuyện của tôi cho đến những gì tôi thấy xung quanh, có một vấn đề là nhiều ca sĩ chủ quan khi ký hợp đồng với công ty. Không chỉ chuyện chia sẻ lợi nhuận, các ca sĩ phải quyết liệt trong câu chuyện định hướng sự nghiệp. Nhiều trường hợp quanh năm suốt tháng không ra nổi một MV, song không có cách giải quyết. Thay vì nghe lời hứa từ công ty khi sự nghiệp đóng băng, hãy đặt ra các điều khoản ngay từ đầu để không rơi vào thế bị động”, ca sĩ “A” nêu góc nhìn với Tiền Phong.

5 năm gần đây, công ty giải trí chuyên quản lý giới ca sĩ, nhạc sĩ, rapper, producer mọc lên như nấm. Song, số lượng công ty có tiềm lực, chiến lược thật sự để nâng đỡ nghệ sĩ đếm trên đầu ngón tay. Loạt sự cố của ca sĩ thời gian qua cho thấy không ít công ty mang tư duy ăn xổi, cố gắng tìm những “điểm mù” để đẩy cộng sự của mình vào thế khó.

Vậy nên ngay lúc này không ít ca sĩ xem chuyện đầu quân cho một công ty như cơn ác mộng.

Tác giả: Hồng Hà

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP