Thể thao

Bóng đá Việt Nam trắng tinh cầu thủ thi đấu nước ngoài

Việc Công Phượng không còn thi đấu ở Nhật Bản và dự kiến hồi hương khiến bóng đá Việt Nam không còn đại diện nào chơi bóng ở các quốc gia có trình độ cao. So kè với các đối thủ ngay ở Đông Nam Á, Việt Nam cũng đang thất thế ở góc độ này.

Khó khăn Việt kiều và nội binh chơi ở nước ngoài

Ông Philippe Troussier, nguyên HLV trưởng ĐTQG Việt Nam có nói: “Để thúc đẩy một ĐTQG mạnh hơn, có khả năng cạnh tranh ở tầm cỡ châu lục, nền bóng đá quốc gia đó cần hội tụ 3 nguồn lực. Thứ nhất là một giải VĐQG mạnh để phát triền nguồn nội binh. Thứ hai là xuất khẩu những cầu thủ sang nước ngoài chơi bóng. Thứ ba là tập hợp được các cầu thủ giỏi ở nước ngoài có gốc gác quốc gia tương ứng”.

Ví dụ như với bóng đá Việt Nam, trong 10 năm qua, việc xuất khẩu cầu thủ sang các quốc gia có nền bóng đá phát triển (tính trong top 80 thế giới) đã được quan tâm. Việc những Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường, Văn Hậu, Văn Toàn, Tuấn Anh, Văn Luân, Văn Lâm lần lượt sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Pháp, Hà Lan là điều được cổ động viên ủng hộ. Vậy nhưng cho đến hiện tại, phải thừa nhận đại đa số những gương mặt kể trên đã không thành công khi xuất ngoại. Bản thân họ cũng lần lượt trở về chơi ở V.League suốt thời gian qua. Mới nhất, Công Phượng cũng nói lời chia tay Yokohama FC và dự kiến hồi hương để tìm kiếm cơ hội ra sân nhiều hơn trong phần còn lại của sự nghiệp quần đùi áo số.

Công Phượng chia tay Yokohama FC

Ở một góc độ khác, việc tìm kiếm những cầu thủ Việt kiều giỏi cũng đã được chú trọng, tạo cơ chế thu hút hiền tài. Dấu ấn Nguyễn Filip (từng thi đấu ở giải VĐQG CH Séc) hay xa hơn có thể là trường hợp Jason Pendant Quang Vinh, Patrik Lê Giang là đáng ghi nhận. Song cũng cần phải thẳng thắn chỉ ra rằng, tính đến hiện tại theo thống kê của Soccerway, không còn cầu thủ Việt kiều nào khác đang thi đấu ở các giải đấu đáng chú ý của châu Âu hay Đông Á. Nếu có, họ vẫn chỉ thuộc diện sở hữu gốc gác Việt Nam chứ chưa nhập tịch.

Bất lợi hơn “hàng xóm”

Cũng theo thống kê của Soccerway, Indonesia, Philippines, Thái Lan đang là 3 quốc gia sở hữu một lượng lớn các nội binh hay cầu thủ gốc gác được nhập tịch chơi bóng ở châu Âu, Nhật Bản, Australia hay Hàn Quốc.

Philippines đứng đầu với 22 cầu thủ thuộc diện kể trên. Đáng nói, tất cả đều là những cầu thủ con lai thay vì các nội binh tự lực xuất ngoại. Trong nhóm này, một vài trường hợp đáng chú ý gồm Manliti (Blacktown City/VĐQG Australia), Ramsay (Rockdale/VĐQG Australia), Demuynck (Zulte Waregem/Hạng Nhì Bỉ), Baldisimo (York United/VĐQG Canada), Kempter (Grasshoppers/VĐQG Thuỵ Sỹ).

Trong khi đó, Indonesia sở hữu một đội hình rất mạnh ở diện này. Ngoài 2 nội binh xuất ngoại là Marselino Ferdinan đang chơi cho Oxford United của giải hạng Nhất Anh hay Pramata Arhan đầu quân cho Suwon ở giải VĐQG Hàn Quốc, đội tuyển xứ vạn đảo còn nắm trong tay hàng loạt ngôi sao đáng mơ ước, xét ở bình diện khu vực Đông Nam Á.

Indonesia đi tắt đón đầu bằng việc nhập tịch các cầu thủ "số má" đang chơi ở giải VĐQG Italia, Hà Lan

Có thể kể đến như Idzes (Venezia/VĐQG Italia), Hilgers (Twente/VĐQG Hà Lan), Verdonk (NEC/VĐQG Hà Lan), Reijnders (Zwolle/VĐQG Hà Lan), Thom Haye (Almere City/VĐQG Hà Lan), Sandy Walsh (Mechlen/VĐQG Bỉ), Oratmangoen (Dender/VĐQG Bỉ), Paes (Dallas/VĐQG Mỹ), Tjoe-A-On (Swansea/Hạng Nhất Anh). Không phải ngẫu nhiên Indonesia lại đang sở hữu đội hình có giá trị lên tới trên 16 triệu euro, đắt giá bậc nhất Đông Nam Á và thứ 9 châu Á, theo BXH của Transfermarkt tính đến tháng 9 này.

Về phần mình, Thái Lan lại có những nội binh giỏi đủ khả năng chinh chiến ở nước ngoài. Sau trường hợp Chanathip Songkrasin hay Theerathon Bunmathan, lứa đàn em của bóng đá Thái Lan tiếp tục xuất ngoại. Suphanat Mueanta đang chơi cho Oh Leuven của VĐQG Bỉ. Ekanit Panya khoác áo Urawa Reds tại VĐQG Nhật. Supachok Sarachat đang chơi cho Consadole Sapporo (VĐQG Nhật). Trong khi đó, lão tướng Sarach Yooyen đầu quân cho Renofa Yamaguchi của Hạng 2 Nhật.

Giá trị đội hình của các đội tuyển châu Á

Với những ĐTQG còn lại của Đông Nam Á, những Malaysia, Lào, Singapore, Myanmar, Timor Leste đều có 2 cầu thủ con lai hoặc nội binh chơi ở các hạng thấp tại Nhật Bản, Đức hay Bồ Đào Nha, Đan Mạch. Tính đến hiện tại, ngoài Việt Nam thì Campuchia và Brunei là 2 đội tuyển còn lại của Đông Nam Á không có cầu thủ chơi bóng ở các quốc gia thuộc top 80 thế giới!

Đưa ra những phân tích trên để thấy, bóng đá Việt Nam đang bất lợi hơn về nguồn lực từ nước ngoài. Điều đó vô hình trung sẽ khiến ĐT Việt Nam ít nhiều khó khăn khi đối đầu với các đội tuyển như Indonesia, Thái Lan hay kể cả là Philippines nếu họ hiệu triệu được nguồn lực ấy về thi đấu các giải khu vực.

Câu chuyện Việt Nam trải qua những trận đấu với kết quả không tốt trước Indonesia hồi đầu năm nay cũng có phần nguyên do từ đấy.

Bóng đá Việt Nam trắng tinh cầu thủ Việt kiều, nội binh xuất ngoại

Các quốc gia Đông Nam Á có cầu thủ thi đấu ở nước ngoài (bao gồm cầu thủ kiều + nội binh tự lực xuất ngoại)

*Tính ở các giải bóng đá thuộc quốc gia thuộc thứ hạng FIFA nằm trong top 80 thế giới

* Thống kê Soccerway

1. Philippines: 22

Rublico (Collado Villalba/ hạng 3 Tây Ban Nha), Guirado (Alhaurín/ hạng 6 Tây Ban Nha), Holtmann (Bochum/ Giải VĐQG Đức), Reyes (Gütersloh/ hạng 4 Đức), Ortega (Châteauroux/ hạng 3 Pháp), Ortega em (Châteauroux II/ hạng 4 Pháp), Manliti (Blacktown City/ VĐQG Australia), Ramsay (Rockdale/ VĐQG Australia), Demuynck (Zulte Waregem/ Hạng Nhì Bỉ), Baldisimo (York United/ VĐQG Canada), Tabinas (Vukovar/ Hạng nhì Croatia), Bias (Pffbram/ hạng 3 Séc), Falkesgaard (B93/ Hạng nhì Đan Mạch), Beraque (Hobro/ Hạng Nhì Đan Mạch), Ugelvik (Levanger/ Hạng nhì Na Uy), Fagerlie (Lysekloster/ Hạng Ba Fagerlie), Kempter (Grasshoppers/ VĐQG Thuỵ Sỹ), Baldisimo (Earthquakes SJ/ VĐQG Mỹ), Bailey (Mexico United/ Hạng nhì Mỹ), Schimann (Foward Madison hạng 3 Mỹ), Baldisimo (The Town/ hạng địa phương), Monis (New England 2/ Hạng địa phương)

2. Indonesia: 21

Marselino Ferdinan (Oxford United/ hạng Nhất Anh), Ekan Baggott (Blackpool/ hạng Nhì Anh), Ola (UD Logroñés II/ hạng Tư Tây Ban Nha), Idzes (Venezia/ VĐQG Italia), Hilgers (Twente/ VĐQG Hà Lan), Verdonk (NEC/ VĐQG Hà Lan), Reijnders (Zwolle/ VĐQG Hà Lan), Thom Haye (Almere City/ VĐQG Hà Lan), Ivan Jenner (Utrech II/ hạng 2 Hà Lan), Struick (Den Haag/ Hạng 2 Hà Lan), Geypens (Emmen/ Hạng 2 Hà Lan), Hinoke (TOP Oss/ Hạng 2 Hà Lan), Van Beukering (MASV/ hạng 5 Hà Lan), Sandy Walsh (Mechlen/ VĐQG Bỉ), Oratmangoen (Dender/ VĐQG Bỉ), Pattynama (Eupen/ Hạng 2 Bỉ), Keet (Diagoras/ hạng 2 Hi Lạp), Pramata Arhan (Suwon/ VĐQG Hàn Quốc), Agri (Muaither/ hạng 2 Qatar), Paes (Dallas/ VĐQG Mỹ), Tjoe-A-On (Swansea/ Hạng Nhất Anh)

3. Thái Lan: 12

Phetkham (Patacona/ hạng tư Tây Ban Nha), Keereerom (Schwaben Augsburg/ hạng tư Đức), Garnier (Lyon II/ Hạng 5 Pháp), Pluijmen (De Treffers/ hạng nghiệp dư Hà Lan), Suphanat Mueanta (Oh Leuven/ VĐQG Bỉ), Nicholas Mickelson (OB/ VĐQG Đan mạch), Ekanit Panya (Urawa Reds/ VĐQG Nhật), Supachok Sarachat (Consadole Sapporo/ VĐQG Nhật), Sarach Yooyen (Renofa Yamaguchi/ Hạng 2 Nhật), Patrik Gustavsson (Nara Club/ hạng 3 Nhật), Granberg (Taby/ hạng 3 Thuỵ Điển), Lang (Bazenheid/ hạng 5 Thuỵ Sỹ)

4. Malaysia: 2

Luqman Hakim (YSCC/ Hạng 3 Nhật Bản), Muhammad Abu Khalil (Osaka/ Hạng 3 Nhật Bản)

5. Lào: 2

Angot (Oberachem/ hạng 5 Đức), Michael Vang (Miami/ hạng 3 Mỹ)

6. Singapore: 2

Maier (Heimstetten/ hạng tư Đức), Asis (Estela II/ hạng 4 Bồ Đào Nha)

7. Myanmar: 2

Oo Than (Mindil Aces/ giải ngoại hạng khu vực Bắc Australia), Van Thawng (OKS/ hạng 4 Đan Mạch)

8. Timor Leste: 2

Fabiano (Sao Caetano/ hạng 3 của giải bang Sao Paulo Brazil), Kenny Ximenes (Institute/ Hạng Nhì Bắc Ireland)

9. Việt Nam: 0

10. Campuchia: 0

11. Brunei: 0

Tác giả: Trí Công

Nguồn tin: bongdaplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP