Bộ Tài chính sẽ kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, thuế... tại 5 địa phương trong năm 2022. |
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 115 về Kế hoạch kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2022.
Đối tượng kiểm tra là Cục Thuế, Cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước tại các địa phương.
Theo đó, công tác kiểm tra sẽ nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý, nhằm khắc phục những hạn chế của công tác xử lý vi phạm hành chính, góp phần xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời, hoạt động kiểm tra giúp tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong hoạt động quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách, quản lý cũng như công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và tổ chức bộ máy (bộ phận) thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính.
Việc kiểm tra sẽ phải bảo đảm yêu cầu khách quan, hiệu quả, đúng với quy định của pháp luật, hoạt động kiểm tra phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động kiểm tra khác thuộc phạm vi, quyền hạn của các cơ quan đã được pháp luật quy định.
Phạm vi kiểm tra là việc triển khai quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực tài chính. Trong đó, nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và việc thi hành, áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Về nội dung kiểm tra, thứ nhất, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Công tác báo cáo tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính.
Thứ hai, kiểm tra việc thi hành, áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Việc áp dụng quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại đơn vị, gồm việc áp dụng mức phạt tiền theo từng hành vi, trình tự, thủ tục lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hoãn thi hành quyết định xử phạt, giảm, miễn tiền phạt, việc chậm nộp tiền phạt, tổng số tiền phạt thu được…
Tình hình áp dụng các biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Đồng Tháp, Bình Phước, Điện Biên, Kon Tum. Thông qua hoạt động kiểm tra sẽ thu thập thông tin, nắm bắt, đánh giá đúng thực trạng về tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính. |
Từ năm 2016 đến năm 2021, Bộ Tài chính kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính ở 38 địa phương, tại 68 đơn vị thuộc ngành Tài chính như các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc. Công tác này của Bộ Tài chính được Bộ Tư pháp đánh giá cao tại các báo cáo xử lý vi phạm hành chính và kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Bộ Tài chính. |
Tác giả: Trâm Anh
Nguồn tin: vneconomy.vn