Giáo dục

Bộ GD&ĐT đã làm gì khiến giá SGK tăng đột biến?

So với những cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 hiện hành giá chỉ từ 6.000 - 14.000 đồng, SGK “xã hội hóa” sẽ được áp dụng từ năm học 2020 - 2021 dự kiến tăng vọt lên gấp 3 - 4 lần. Một trong những nguyên nhân được cho là do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thất bại trong việc in bộ SGK lớp 1 mới nên không “đối trọng” được với sản phẩm SGK của đơn vị khác. Bộ cũng chậm trễ trong việc xây dựng quy chuẩn, định mức kỹ thuật để tính giá SGK theo chương trình mới…

Theo kế hoạch, lộ trình của chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT ban hành, năm học 2020 - 2021 tới đây, chương trình và SGK mới sẽ được áp dụng đầu tiên cho khối lớp 1.

Thực hiện chủ trương của Quốc hội, thể hiện tại Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 “Về đồi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” thì: “Các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”, “Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa”. Trong năm đầu tiên này, các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

SGK mới lớp 1 được áp dụng từ năm học 2020 – 2021 có giá bán cao tới 4 lần so với SGK hiện hành. Ảnh Công Luân

Như vậy, về bản chất, Nghị quyết 88 trao quyền nhiều hơn cho các trường học, các phụ huynh trong lựa chọn SGK cho học sinh, tạo ra cơ chế cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị biên soạn SGK với mục đích để học sinh được thụ hưởng những bộ SGK có chất lượng cao và giá thành hạ.

Thế nhưng, việc Bộ GD&ĐT được giao biên soạn một bộ SGK để đưa ra “thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn” (điểm g, mục 3, Điều 2 - Nghị quyết 88/2014/QH13) nhưng Bộ không làm được vì lý do “không tuyển chọn được đủ số lượng tác giả” đã khiến thị trường SGK lớp 1 đang trở nên nhốn nháo.

Theo đó, việc không có một bộ SGK độc lập do cơ quan quản lý về Giáo dục ban hành để làm đối trọng với các bộ SGK xã hội hóa khác nên vấn đề giá bán SGK lớp 1 hiện nay đang làm cơ quan này trở nên lúng túng.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt, tuyển chọn 5 bộ SGK các môn học bắt buộc và 7 cuốn SGK môn Tiếng Anh tự chọn ở lớp 1 của 3 đơn vị là Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, Nhà xuẩt bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM.

Sau hai lần kê khai giá SGK mới (lần thứ hai kê khai theo yêu cầu của Bộ Tài chính đề nghị rà soát, tiết giảm chi phí), các NXB được tuyển chọn vẫn đưa ra mức giá khá cao so với giá SGK lớp 1 của năm học 2019 - 2020.

Lấy ví dụ, cuốn sách Tiếng Việt tập 1 cũ chỉ có giá 14.000 đồng nhưng sau khi “xã hội hóa”, NXB Đại học Sư phạm TPHCM bán với giá 36.000 đồng; NXB Giáo dục, trong 4 bộ sách theo 4 chủ đề khác nhau, tính giá dao động từ 34.000 đồng đến 39.000 đồng. Cuốn sách Toán tập 1 cũ chỉ có giá 13.000 đồng nhưng đã tăng vọt lên 35.000 đồng (của NXB Đại học Sư phạm), 22.000 đồng đến 28.000 đồng (NXB Giáo dục Việt Nam) sau khi xã hội hóa. Sách Tự nhiên và Xã hội cũ chỉ 6.000 đồng thì bây giờ tăng gấp 4 - 5 lần, giá cao nhất lên tới 28.000 đồng.

Dư luận đặt ra vấn đề: Khi thực hiện xã hội hóa mà chỉ giám sát chất lượng nội dung SGK và “thả nổi” giá cả thì giá SGK sẽ tăng đến mức nào, khi mà đơn vị tư nhân vốn luôn đặt lợi nhuận doanh nghiệp lên hàng đầu? Giá SGK tăng cao sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình có con đi học, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa… Bộ GD&ĐT kêu gọi xã hội hóa SGK là xã hội hóa về chất lượng hay về giá bán? v.v…

Về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, luật Giá 2012 và các văn bản hướng dẫn quy định, SGK thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá. Tuy nhiên, qua rà soát văn bản kê khai giá của 3 nhà xuất bản, Bộ Tài chính nhận thấy một số cuốn sách của 3 NXB kê khai có mức giá cao hơn so với mức giá kê khai SGK của NXB Giáo dục VN đã kê khai với Bộ này năm 2019, nên đã đề nghị Bộ GD&ĐT có ý kiến cụ thể đối với 3 nhà xuất bản.

Và trong văn bản 115/BGDĐT-KHTC ngày 14/01/2020 Bộ GD&ĐT gửi Chính phủ báo cáo về việc triển khai điểm g, khoản 3, Điều 2 của Nghị quyết 88, Bộ này cũng thừa nhận nếu áp dụng kê khai giá SGK xã hội hoá thì “…khi thực hiện sẽ dễ xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh do mức giá cao thấp khác nhau tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh…” và đề xuất bổ sung mặt hàng SGK vào danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá hoặc bình ổn giá.

Tuy nhiên, để kịp thời cho công tác in ấn, phát hành SGK mới kịp năm học 2020 - 2021, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, trong văn bản nói trên đã đề nghị vẫn thực hiện kê khai giá SGK năm học tới theo luật Giá 2012 nhưng “không vượt quá mức giá kê khai bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019 - 2020 (vừa điều chỉnh tăng 16,9% vào năm 2019).

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học sách giáo khoa "xã hội hoá" (ảnh: Hữu Thắng)

Việc thực hiện này là khó, bởi theo lý giải của các nhà xuất bản, giá bán SGK xã hội hóa do phát sinh thêm chi phí quảng bá, tiếp thị, tập huấn giáo viên; một số chi phí trước đây được ngân sách hỗ trợ thì nay các nhà xuất bản phải chủ động chi trả (như chi nhuận bút lần đầu, chi phí bản thảo, dạy thực nghiệm...) lại được phân bổ trong thời gian ngắn để thu hồi vốn.

Trong khi Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các đơn vị trực thuộc Bộ (trường hợp này là NXB Giáo dục) chứ không quản lý hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Như vậy có thể thấy rằng, việc Bộ GD&ĐT chậm trễ biên soạn SGK đến mức khi Bộ bắt đầu đấu thầu thì không mời được chuyên gia nào, bởi các chuyên gia đã ký hợp đồng với NXB khác và sách của họ đã gần như hoàn thiện, là điều không thể chấp nhận được.

Tại sao Nghị quyết 88 đã giao nhiệm vụ cho Bộ là phải biên soạn một bộ SGK, Chính phủ cũng đã duyệt cho Bộ một dự án trị giá 80 triệu USD để làm việc này mà Bộ không làm? Dư luận có quyền đặt câu hỏi phải chăng sự chậm trễ này nhằm mục đích tạo “sân sau” cho doanh nghiệp có cơ hội chiếm lĩnh thị trường và nâng giá bán SGK?

Nhất là khi, số lượng NXB hiện tham gia biên soạn, in ấn phát hành SGK hiện nay chỉ là 3 nhà xuất bản) nên thị trường sách giáo khoa bản chất vẫn là thị trường có sự cạnh tranh hạn chế chứ chưa thật sự là một sân chơi cạnh tranh bình đẳng như kỳ vọng của Nghị quyết 88. Không làm SGK, chậm xây dựng cơ chế tính giá, liệu Bộ GD&ĐT có chịu trách nhiệm nếu 3 nhà xuất bản liên kết để nâng giá SGK vô tội vạ hay không?

Cần nhớ rằng, mục tiêu Nghị quyết 88 là khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK để tăng cường tính cạnh tranh của thị trường nhằm mang đến cho người tiêu dùng bộ SGK chất lượng nhưng giá bán thấp nhất, chứ không phải tăng giá sách để người dân phải chịu.

Tác giả: Minh Minh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: biên soạn SGK ,bộ GD&ĐT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP