Ông Đồng Hữu Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, xác nhận tại địa phương có 2 cán bộ xã xây nhà trái phép trên đất chưa được cấp sổ đỏ, là hộ gia đình ông Lê Ngọc Định, Trưởng Công an xã, và hộ gia đình ông Nguyễn Minh Giáo, cán bộ văn phòng thống kê xã Định Hải.
Ngôi nhà xây trái phép ngay sát đê sông Mã của hộ gia đình ông Nguyễn Minh Giáo, công chức văn phòng thống kê xã Định Hải |
Theo phản ánh, hộ gia đình ông Giáo không chỉ xây nhà trái phép mà khu đất trên còn nằm trong hành lang đê sống Mã (đê Trung ương cấp 2) và dưới hành lang bảo vệ đường điện 220 KV.
Mặc dù ngành chức năng phát hiện công trình này vi phạm trong nhiều năm qua, nhưng không xử lý dứt điểm. Hiện, gia đình ông Giáo đã xây dựng xong công trình nhà cửa ngay sát hành lang đê ở thôn Ái Thôn. Theo ông Thảo, đây là ngôi nhà xây trên đất thuê của xã, ông Giáo nhận chuyển nhượng lại của ông Nguyễn Văn Tới, người nhà ông Lê Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã.
Không chỉ ông Nguyễn Minh Giáo xây nhà trái phép trong hành lang đê, mà tại địa phương này, ông Lê Ngọc Định, Trưởng Công an xã Định Hải, cũng xây dựng nhà kiên cố trên đất nông nghiệp. Ngôi nhà ông Định xây trên đất thuê của xã từ năm 2017, chính quyền địa phương cũng biết nhưng đến nay không đưa ra hướng xử lý.
Ông Lê Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hải, cho biết hộ gia đình ông Giáo xây dựng nhà trong hành lang sông Mã là đúng thực tế. "Đúng là nhà ông Giáo xây trong hành lang đê, nhưng các anh đê điều nói có thể linh hoạt" - ông Khoa nói.
Biên bản xử lý vi phạm của Hạt Quản lý đê Yên Định chỉ rõ hộ ông Giáo đã vi phạm xây dựng nhiều lần, thế nhưng vẫn không bị xử lý |
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Đỗ Viết Hải, Hạt phó phụ trách Hạt Quản lý đê Yên Định (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa) cho biết, gia đình ông Giáo xây dựng công trình kiên cố nằm trong hành lang bảo vệ đê, đơn vị cũng đã lập biên bản xử lý nhiều năm qua nhưng công trình vẫn tái phạm.
"Chúng tôi đã lập biên bản xử lý hàng chục lần, thế nhưng hộ gia đình ông Giáo không chấp hành. Cái khó là chúng tôi không thể xử lý được các công trình vi phạm, khi kiểm tra phát hiện chúng tôi chỉ lập biên bản kiến nghị địa phương xử lý. Trường hợp như nhà ông Giáo theo Luật Đê điều phải tháo dỡ toàn bộ công trình, tuy nhiên địa phương có quyết liệt thì mới xử lý được" - ông Hải thông tin.
Cũng theo ông Hải, đơn vị đang quản lý 27,4 km tuyến đê sông Mã (đê Trung ương) qua địa bàn huyện Yên Định và gần 50 km đê cấp địa phương. Trên tuyến đê Trung ương, từ năm 2007 (kể từ khi Luật Đê điều ra đời) đến nay, đã có tới 48 hộ gia đình vi phạm hành lang đê như xây dựng công trình nhà cửa, tường bao… Hiện, Hạt Quản lý đê Yên Định đã xử lý được 13 hộ vi phạm, còn 35 hộ chưa thể xử lý được, trong đó có hộ gia đình ông Giáo.
Ông Đồng Hữu Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Định Hải, cho biết khi có ý kiến của người dân Đảng ủy cũng đề nghị phía chính quyền kiểm tra và yêu cầu các cán bộ xã làm theo đúng quy định của pháp luật.
Ngôi nhà khang trang xây trên đất nông nghiệp của ông Lê Ngọc Định, Trưởng Công an xã Định Hải |
"Các anh làm quản lý nhà nước thì phải hiểu rõ luật, khi nhà nước chưa cho phép xây dựng mà anh cố tình là vi phạm pháp luật rồi và buộc phải tháo dỡ. Những trường hợp này do chính quyền thiếu giám sát nên để họ xây dựng nhà kiên cố. Ngay cái nhà của anh Giáo ở trong hành lang đường điện và hành lang đê, bên Đảng ủy cũng đã có ý kiến nếu để họ làm chính quyền phải chịu trách nhiệm, vì không ai đồng ý cho làm nhà cả"- ông Thảo nói.
Nói về hướng xử lý, ông Thảo cho biết rất khó khăn vì anh em còn nể nang nhau.
Có thể bị phạt lên tới 60 triệu đồng Ông Đỗ Viết Hải cho biết, theo Nghị định 104/2017, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều thì trường hợp nhà ông Giáo có thể bị phạt từ 50-60 triệu đồng". |
Tác giả: Tuấn Minh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động