Phòng riêng của bé là nơi được con sử dụng nhiều nhất trong ngôi nhà, bao gồm ngủ nghỉ, học hành, vui chơi... Chính vì thế, khi xây dựng và sáng tạo phòng này, bố mẹ nên lưu ý giúp bé có được một không gian an toàn, đầy đủ công năng. Dưới đây là một số gợi ý cho các bố mẹ muốn lên ý tưởng thiết kế phòng cho con theo phương pháp giáo dục sớm, bé có thể học mà chơi, chơi mà học.
1. Không gian trong phòng
Về phương diện công năng, đi theo các hoạt động chính của bé sẽ gồm các góc cơ bản như: Góc học tập, góc vận động, góc bình yên, góc sáng tạo, góc chơi, góc nghỉ ngơi và góc vệ sinh cá nhân.
- Góc sáng tạo là bảng vẽ, ghế ngồi, box đựng đồ chơi có bánh xe tiện di chuyển.
- Góc nghỉ ngơi, vận động là giường tầng, góc đọc sách.
- Góc chơi là bàn ghế với 3,4 công năng của cái bàn, như là vẽ tranh, để đồ ngăn dưới, nghịch cát, nghịch nước…
|
- Góc lưu trữ: để các đồ handmade tự làm hoặc cá đồ chơi kỷ niệm mà con yêu thích.
- Góc quần áo, đồ dùng cá nhân: Nên nhỏ gọn, tiện lợi, phân chia quần áo đi học, đi chơi...
- Góc học tập: Con cần có không gian riêng để tập trung đọc sách hoặc vẽ vời.
2. Màu sắc trong phòng
Với trẻ, màu sắc quá sặc sỡ sẽ khiến tâm lý con bị phấn khích, bồn chồn và gây lo lắng, hơn nữa, màu sắc mạnh sẽ làm thị giác mệt mỏi trong thời gian dài, và sau này sẽ không phù hợp với từng độ tuổi và sở thích nữa. Vì vậy, màu sắc nên chọn các màu nhẹ nhàng, tươi sáng, tone pastel, tạo tâm lý vui tươi và bình yên cho trẻ.
Đặc biệt, nếu mong muốn con có 1 gu thẩm mỹ sau này, thì nhất thiết phải để bé sống trong 1 không gian tinh tế và thẩm mỹ ngay từ nhỏ. Có thể áp dụng quy tắc 60 - 30 - 10 dựa trên tỷ lệ vàng. Trong một bố cục không gian nội thất, màu chủ đạo chiếm 60%, màu trang trí chiếm 30%, 10% còn lại là màu được sử dụng làm điểm nhấn.
|
- 60% màu chủ đạo: Được dùng cho các mảng lớn: tường, sàn nhà hoặc vách ngăn cửa,.... Màu chủ đạo là nền tảng cho những màu sắc khác. Những tông màu chủ đạo thường là màu trung tính như trắng, xám hoặc be,... giúp tạo nên khung cảnh hài hòa. Ngược lại, những tông màu chủ đạo rực rỡ sẽ tạo ấn tượng ban đầu sâu sắc hơn.
- 30% màu trang trí: Được dùng cho những chi tiết nội thất trong nhà: ghế sofa, tủ, bàn… Màu trang trí thường là những màu trung lập khác hoặc "giả trung lập" như xanh lá cây, xanh biển hoặc vàng,... 30% màu này sẽ hỗ trợ cho màu chủ đạo nhưng vẫn đủ khác biệt để tạo nét đặc trưng và sự thú vị cho không gian.
- 10% màu tạo điểm nhấn: Được đùng cho những vật thể nhỏ trong phòng như đèn chiếu sáng, đồ thủ công, gối, nệm hoặc phụ kiện trang trí… Nhóm màu này giúp tạo ấn tượng và phá vỡ sự đơn điệu của không gian. Với 10% này, hãy chắc chắn rằng bạn đang sắp xếp các món đồ nội thất đều trong phòng nhưng không quá tải để vượt qua 10%.
3. Tính an toàn
Độ an toàn đến từ vật liệu, chất liệu và kỹ thuật sản xuất. Vật liệu ưu tiên gỗ tự nhiên với độ bền cao, vân gỗ khác biệt, có thể dùng dầu lau hoặc sơn cao cấp không chì, các cạnh bắt buộc phải bo tròn các góc, hạn chế nguy hiểm. Các chất liệu như vải, đệm, cũng được ưu tiên. Kỹ thuật sản xuất cần chắc chắn, độ cao nên phù hợp với chiều cao của trẻ, vừa an toàn, vừa tiện dụng, bé có thể chủ động lấy đồ mà không sợ ngã.
|
4. Công năng sử dụng
Hãy lựa chọn các sản phẩm dễ dàng di chuyển, thay đổi không gian theo từng giai đoạn, hoặc thay đổi chiều cao khi cần thiết, tránh lãng phí.
5. Đồ decor và đồ chơi
100% các bạn nhỏ đều cần có đồ chơi, và hãy khéo léo biến đồ chơi thành đồ decor cho không gian luôn, thêm một vài móc treo hình ngộ nghĩnh hoặc 1 chiếc biển treo phòng mang tên riêng hay nhân vật yêu thích, đồ chơi cũng cần chọn những sản phẩm có màu sắc cơ bản, an toàn và nhiều công năng.
|
Và đặc biệt, với đồ của trẻ, nên làm thật tinh tế, chỉn chu, đảm bảo an toàn vì chính từ những điều nhỏ nhặt đó sẽ tạo nên ý thức, phong cách và gu thẩm mỹ cho con về sau.
Tác giả: Thảo Hương
Nguồn tin: phunuvietnam.vn