Trong tỉnh

“Bắt bệnh” từ “phác đồ” giải ngân vốn đầu tư công ở Nghệ An

Liên tục trong những tháng gần đây, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã không ngừng rốt ráo ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2) được tăng thêm 48,347 tỷ đồng, đưa tổng vốn đầu tư công ngân sách địa phương cho dự án này năm 2023 đạt 98,347 tỷ đồng

Mặt khác, hơn một nửa chặng đường đã đi qua nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở Nghệ An trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu, kỳ vọng mà các cấp, ngành đã đề ra… đang trở thành bài toán nan giải đối với địa phương này.

Chưa đáp ứng kỳ vọng

Theo đó, tính đến cuối tháng 6 năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An đạt mới chỉ đạt 24,22% thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 là 30,69%), cao hơn bình quân chung cả nước nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, vẫn còn 13 huyện, thành, thị và 29 đơn vị chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh. Trong đó, có 20 đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân vốn đầu tư công, hơn 208 tỷ đồng nguồn chương trình mục tiêu quốc gia chưa được giao vốn.

Từ đầu năm đến nay, Nghệ An rất coi trọng công tác giải ngân vốn đầu tư công trong và ngoài nước, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tình hình mới.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số ngành, địa phương, đơn vị, chủ đầu tư chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt nên tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp, việc triển khai thực hiện các dự án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục triệt để… dẫn đến nguồn vốn phải kéo dài thời gian thực hiện và số vốn chưa giải ngân còn lớn, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư chung của tỉnh.

Đến nay, Nghệ An vẫn còn 13 huyện, thành, thị và 29 đơn vị chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân chung của địa phương


Theo đó, tính đến cuối tháng 6/2023, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân 2.682,695 tỷ đồng (đạt 29,7%); trong đó, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 1.352,57 tỷ đồng (đạt 24,22% kế hoạch), nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 442,179 tỷ đồng (đạt 27,24% kế hoạch).

Tính theo các huyện, thành, thị và các chủ đầu tư, đến ngày 20/6/2023, có 28 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của tỉnh (trên 24,22%), trong đó có 16 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 50%.

Một số nguồn giải ngân đạt thấp như: Vốn nước ngoài mới giải ngân 40,696 tỷ đồng (đạt 13,75%); Nguồn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới giải ngân 69,107 tỷ đồng (đạt 9,24%); Nguồn chương trình mục tiêu quốc gia mới giải ngân 226,49 tỷ đồng (đạt 19,18%). Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ đạt 7,41%, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chỉ đạt 0,15%; Kế hoạch năm 2022 kéo dài mới giải ngân 229,222 tỷ đồng (đạt 14,78%).

Lý giải về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân việc giải ngân đầu tư công chậm là do tác động của giá cả nguyên nhiên vật liệu; Quy trình thủ tục triển khai dự án mới mất nhiều thời gian; Vướng mắc giải phóng mặt bằng; văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, kịp thời.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu,... còn nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu; Một số dự án y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất khó để thực hiện.

Cần một cơ chế linh động

Để đạt được kết quả trên, tỉnh Nghệ An đã đưa ra những giải pháp thiết thực, cụ thể như sau: Thực hiện nghiêm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ- CP ngày 6/1/2023, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, của Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án... chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý.

Bên cạnh đó, chủ động rà soát tiến độ, kịp thời có phương án điều chỉnh, điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn đối với các dự án giải ngân chậm, không có khả năng giải ngân để bổ sung cho các dự án khác có tiến độ tốt, còn thiếu vốn và có khả năng giải ngân, nhất là dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu,... còn nhiều bất cập


Đối với năng lực của các chủ đầu tư trì trệ, làm kém, làm chậm, không tập trung cao độ thì đề nghị tập huấn nâng cao trình độ, đồng thời bố trí sắp xếp cán bộ hợp lý. Điều chuyển ở những nơi giải ngân chậm sang những nơi giải ngân nhanh; điều chuyển chủ trương đầu tư ở những chủ đầu tư không triển khai được lên các chủ đầu tư cấp trên. Đặc biệt, đối với những nhà thầu triển khai thi công chậm, thanh quyết toán chậm, hoàn ứng chậm thì đưa vào danh sách những đơn vị không mời thầu.

Tại kỳ họp thứ 14, khóa XVIII diễn ra vào tháng 7 vừa qua, HĐND tỉnh Nghệ An đã quyết định rút vốn khỏi 6 dự án đầu tư công chuyển sang 3 dự án giao thông có tiến độ giải ngân tốt. Mặt khác, HĐND tỉnh Nghệ An đã quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn ngân sách địa phương đối với 6 dự án có tổng số vốn 74,347 tỷ đồng…

Kỳ vọng rằng, với những giải pháp toàn diện, thiết thực như đã nêu trên, tỉnh Nghệ An sẽ bứt phá trong những tháng còn lại để về đích theo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra.

Tác giả: NGỌC THÁI - HỒNG QUANG

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP