Cộng đồng mạng

Bác sĩ nghìn like: Nhân hậu, điển trai, là người đàn ông của gia đình

Bác sĩ Trần Quốc Khánh, 34 tuổi, Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội có hàng chục ngàn người theo dõi, bấm like trên mạng xã hội facebook. Không đơn giản chỉ vì anh đẹp trai, dễ thương.

Bác sĩ Khánh, người được yêu mến tại Bệnh viện Việt Đức

Sống là cho đi

Người ta thường gọi anh là bác sĩ Khánh, đúng như nick name của anh đang có trên mạng xã hội. Anh về công tác tại Bệnh viện Việt Đức từ năm 2009, sau khi tốt nghiệp khóa 100 Đại học y Hà Nội và học xong bác sĩ đa khoa.

Bác sĩ Khánh có tuổi thơ nghèo khó tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, Nghệ An, một xã rẻo cao, sát biên giới với Lào, nơi mà phải đi bộ đến 18 km mới đến được trường tiểu học.

Năm 6 tuổi, anh xa bố mẹ, về ở với bà nội tại một xã ven biển ở Hà Tĩnh để được đến trường. Khao khát học để đổi đời, Khánh học rất chăm và rất giỏi. Anh từng được giải quốc gia môn sinh học và được tuyển thẳng vào một trường đại học bất kỳ.

Bác sĩ Khánh điển trai, tuy nhiên đó không phải là lý do anh được nhiều người yêu mến

Kể về lý do đến với nghề y, anh Khánh nhớ lại: “Trong một lần đạp xe đạp về nhà, tôi gặp một bà cụ trông nghèo khổ đang đi bộ, tôi mời bà lên xe. Bà kể với tôi, con trai đang ốm nặng mà không có tiền chữa bệnh, nhà chỉ còn một con trâu. Từ giây phút đó, tôi biết mình phải trở thành bác sĩ để có thể cứu giúp bệnh nhân nghèo”.

Công việc của một bác sĩ vất vả, bận rộn, tuy nhiên, bác sĩ Khánh luôn sắp xếp được thời gian để quan tâm hơn đến những người bệnh quanh mình.

Từ đầu năm 2017, anh thường xuyên phát trực tiếp (livestream) trên facebook tư vấn các vấn đề cột sống cho người bệnh. Bác sĩ Khánh quan niệm: “Tôi mong muốn những người lao động bình thường, bác xe ôm, cô hàng cá, chỉ cần có một chiếc điện thoại có sóng wifi có thể lắng nghe những tư vấn hữu ích của tôi”.

Tháng 11.2017 này, bác sĩ Khánh sẽ thực hiện đêm nhạc ra mắt “Quỹ đầu tư phẫu thuật cho bệnh nhân nghèo” tại Hà Tĩnh, quê hương anh.

“Tôi đã kêu gọi bạn bè, người thân quen làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ được 1 tỉ đồng, có thể giúp được 10 trường hợp khó khăn đầu tiên với chi phí phẫu thuật mỗi ca là 100 triệu đồng. Hy vọng trong tương lai, số tiền này sẽ tăng lên”, bác sĩ Khánh khoe.

Chia sẻ với Thanh Niên, Trần Quốc Khánh cho biết, thời gian tới các buổi livestream tư vấn cho bệnh nhân vẫn được anh duy trì ít nhất 2 số mỗi tháng.

“Tôi cũng sẽ ra mắt một kênh youtube tư vấn cho mọi người các vấn đề về sức khỏe quen thuộc mỗi ngày như nên ăn uống ra sao để phòng tránh ung thư, các cách sơ cứu khi bị rắn cắn, ngộ độc như thế nào… Đó là những câu hỏi mà ai cũng quan tâm nhưng ít khi biết đáp án chính xác”, bác sĩ Khánh nói.

Trước đó, Khánh cùng nhiều đồng nghiệp đã mang quần áo, thuốc, sách vở tặng cho nhiều người bệnh ở các vùng khó khăn ở Hà Tĩnh, Yên Bái.

“Anh nghĩ sao khi nhiều người gọi anh là bác sĩ hot boy, bác sĩ nghìn like?”. “Tôi không nghĩ vì mình đẹp trai đâu”, bác sĩ Khánh dí dỏm. “Tôi còn nhiều kế hoạch sắp tới cho những bệnh nhân quanh mình. Với tôi, sống là cho đi”.

Bác sĩ Khánh và 2 con nhỏ

Nhiều người gọi Khánh là bác sĩ hot boy

Người đàn ông của gia đình

Bận bịu ở bệnh viện, phòng khám riêng và những dự án thiện nguyện vì cộng đồng, bác sĩ Khánh vẫn luôn biết ưu tiên thời gian cho gia đình.

“Tôi thích ăn cơm nhà, ít đi nhậu, vì nhậu thì không tốt cho sức khỏe”, nam bác sĩ điển trai cười.

Người cha của một cô con gái và một cậu con trai cho hay, ngày chủ nhật là “bất khả xâm phạm” của anh dành cho gia đình, trừ khi có các ca mổ cấp cứu. “Tôi cho các con đi ăn sáng, sau đó đưa vợ và hai con đi chơi đâu đó. Riêng buổi sáng thì tôi sẽ dậy thật sớm để viết một bài tư vấn về sức khỏe cho cộng đồng đăng trên trang web và facebook của mình”, bác sĩ 34 tuổi chia sẻ.

Khi hỏi anh về nỗi sợ cũng như những kỷ niệm đẹp trong nghề, Khánh cho biết: Trong suốt hành trình khám chữa bệnh của mình, tôi sợ và ám ảnh nhất với những giọt nước mắt của người bệnh, dù mình phải đối mặt với nó từng giờ, từng phút.

Tôi có kỷ niệm gì xúc động không ư, ôi nhiều lắm. Nhưng đến giờ vẫn chưa quên được một món quà của một em bé dân tộc mang đến cho tôi vào một ngày giáp tết. Đó là một con gà trống nhốt trong một cái lồng tre. Em bé bảo, đây là con vật em quý nhất, là tài sản quý giá của cả nhà. Nhưng tôi là một người quan trọng và cho em sự sống, cả nhà em đều yêu mến tôi và tặng cho tôi con gà trống ấy, bác sĩ Khánh nghẹn ngào.

Tác giả: Thúy Hằng (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP