Thế giới

Ẩn số bộ máy điều hành của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump

Những gì ông Donald Trump nói và cá tính “khác biệt” của ông khiến nhiều người e ngại về tính bất định trong các chính sách sắp tới của vị Tổng thống mới đắc cử này. Tuy nhiên, các chuyên gia Việt Nam nhận định, phải chờ xem sau khi chính thức nhậm chức ông sẽ chọn bộ máy để giúp mình điều hành như thế nào.

Chờ xem ông Trump chọn bộ máy điều hành thế nào

Trao đổi với phóng viên Dân trí về nhận định đối với các chính sách sắp tới của ông Trump khi là chủ nhân Nhà Trắng, Tiến sĩ Trần Việt Thái, Viện phó Viện Chiến lược thuộc Học viện Ngoại giao, cho rằng trong quá trình tranh cử, ông Trump đã có nhiều phát biểu gây sốc, trong đó có việc phản đối các Hiệp định tự do Thương mại như TPP. Quả thật nếu những điều đó được thực thi thì có thể sẽ đáng ngại cho nhiều nước. Những gì Trump nói và cá tính “khác biệt” của Trump khiến người ta e ngại về tính bất định về các chính sách của ông.

“Bà Hillary Clinton từng là chủ nhân của chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, hơn nữa bà quen thuộc với các nước châu Á thì dễ đoán chính sách với khu vực này hơn so với ông Trump, người đi lên từ vị trí nhà kinh doanh nên sẽ phải phải làm quen, tìm hiểu", ông Thái nhận định.


Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump (Ảnh: Entertainment Weekly)

“Những phát ngôn của ông vừa qua chưa phải là chính sách quốc gia vì ông chưa chính thức nhậm chức mà phải xem sau khi nhận nhiệm vu, ông sẽ chọn bộ máy để giúp ông điều hành nước Mỹ thế nào như cố vấn an ninh quốc gia, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao… Điều đó rất quan trọng. Mọi việc còn ở phía trước, phải xem những phát ngôn trong tranh cử của ông liệu có trở thành chính sách hay không”, ông Thái nói.

Trò chuyện với phóng viên Dân trí tại Đại sứ quán Mỹ vào sáng ngày 9/11 ít giờ trước khi công bố kết quả của cuộc bầu cử, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết khó có thể dự đoán chính sách của nước Mỹ khi ông Trump nắm quyền, đặc biệt về thương mại. "Tôi làm trong lĩnh vực kinh tế nên rất quan tâm nền kinh tế thế giới có thể ổn định hay không, các ký kết về thương mại với các nước về cơ bản có được giữ vững hay không?”, bà Lan nói.


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (Ảnh: Mạnh Thắng)

Trước câu hỏi rằng liệu ông Trump sẽ tạo ra đột phá như nhiều người Mỹ kỳ vọng, bà Phạm Chi Lan cho rằng, những nhà kinh doanh có thể trở thành chính trị gia giỏi nếu họ thực sự biết lắng nghe tiếng nói của người khác, lắng nghe nguyện vọng của người dân và có được đội ngũ cố vấn tốt để hiểu được lợi ích của đất nước, đặt lợi ích của đất nước lên trên bất kỳ lợi ích riêng tư nào thì người đó vẫn có thể dẫn dắt đất nước đi lên.

Có thể có điều chỉnh với châu Á

Đối với chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương, ông Trần Việt Thái nhận định rằng, châu Á vẫn sẽ là tâm điểm về chuyển giao quyền lực của Mỹ dưới thời Trump trong bối cảnh cả Trung Đông và châu Âu đang đối mặt với nhiều vấn đề như hiện nay, tuy vậy, cách tiếp cận với khu vực này của Trump có thể sẽ có một số điều chỉnh.

Về cơ bản quan hệ Việt-Mỹ không bị ảnh hưởng nhiều do được sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Mỹ và cần phải chờ xem ông Trump sẽ chọn bộ máy hỗ trợ mình như thế nào.

Đồng quan điểm với ông Thái, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, dự đoán rằng, quan hệ Việt-Mỹ sẽ ít bị ảnh hưởng vì trong suốt 20 năm qua, mối quan hệ này được sự ủng hộ của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. “Mỹ muốn trở nên mạnh, nhưng thế giới cũng đã thay đổi, vì vậy không phải mọi điều người Mỹ muốn làm là có thể làm được”, ông Trường nói.

Trước đó trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Dân trí trước khi công bố kết quả bầu cử, Tiến sĩ Cù Chí Lợi, Viện Trưởng Viện châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học-Xã hội Việt Nam, cũng khá lạc quan về quan hệ Việt-Mỹ. Theo ông lợi, Trump không đề cập tới Việt Nam trong các phiên tranh luận của cuộc bầu cử này, nhưng chính sách của Tổng thống phải dựa trên cương lĩnh của đảng. Cương lĩnh của đảng Cộng hòa khẳng định Mỹ cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, tuy còn đề cập đến một số vấn đề tồn tại giữa hai nước.

Chính quyền Donald Trump và bàn cờ chính trị quốc tế

Về quan hệ quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, với những tuyên bố gây sốc trong quá trình tranh cử, những chính sách của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump có thể sẽ làm chuyển dịch đáng kể bàn cờ chính trị quốc tế. Nước Nga sẽ gặp thuận lợi hơn trong khi Trung Quốc vừa mừng vừa lo.

Ông Trump trong chiến dịch tranh cử đã thể hiện không có ý định ủng hộ Ukraine như ông Barack Obama và chính quyền của ông đã làm. Thậm chí ông Trump còn nói rằng ông sẵn sàng xem xét vấn đề công nhận Crimea như một phần của Nga. Vì vậy, Trump lên làm Tổng thống, Nga sẽ có triển vọng được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt từ phương Tây, theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường.

Về quan hệ Mỹ-Trung dưới thời ông Trump, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng với chính sách đối ngoại “giảm can thiệp” vào bên ngoài sẽ có thể tạo khoảng trống cho Trung Quốc hành động ở Biển Đông vì Biển Đông/Đông Nam Á sẽ không nằm trong ưu tiên của Mỹ như trước. Tuy nhiên, Mỹ sẽ vẫn kiềm chế Trung Quốc khi dảng Cộng hòa vẫn luôn phản đối hành động phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Liên quan đến quan hệ Mỹ-Trung khi ông Trump lên nắm chính quyền, Tiến sĩ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đề cập đến khả năng xung đột thương mại, Mỹ-Trung khi Trump lên nắm quyền.

Ông Trump đã từng nhiều lần tuyên bố sẽ nỗ lực chống lại các chính sách của Trung Quốc dẫn đến tình trạng thiên lệch trong cán cân thương mại Mỹ - Trung. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất thế giới. Ông Trump lên án Trung Quốc về phá giá tiền tệ, đồng thời đe dọa sẽ áp đặt nhiều thuế suất lên các hàng hóa Trung Quốc để "trừng phạt” nếu ông trở thành Tổng thống của nước Mỹ, ông Lợi phân tích.

Tác giả bài viết: Nam Hằng (Thực hiện)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP