Cây cổ thụ Bồ Đề nơi Đức Phật ngồi tham thiền, đắc đạo.
Đây là nơi Thái tử Tất Đạt Đa đã ngồi thiền định dưới cây Bồ đề, giác ngộ và chứng được đạo Chính đẳng chính giác.
Đây là một trong 4 thánh tích của Phật giáo. Ba Thánh tích còn lại là vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) - nơi Đức Phật đản sinh, vườn Lộc Uyển (Sarnath) - nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên và Câu Thi Na (Kusinara) - nơi Đức Phật nhập Niết Bàn.
Tháp Đại Giác nằm giữa khu đất trũng thấp hơn mặt đường khoảng mười mét vì vậy từ xa du khách vẫn thấy được ngọn tháp đứng sừng sững vươn lên giữa những cây cổ thụ, tượng trưng cho sự giác ngộ của Đức Phật tại cõi đời như hoa sen trong bùn vươn lên thoát khỏi bùn nhơ. Tòa tháp này được Vua A-Dục xây dựng vào khoảng 250 năm sau khi đức Phật nhập Niết Bàn nhằm để tưởng niệm nơi thành đạo của Đức Phật Thích Ca.
Cây Bồ Đề biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật. Nó được người Ấn Độ vô cùng kính ngưỡng, họ coi đây là một loài cây linh thiêng, là nơi trú ngụ của các vị thần. Và sự kính ngưỡng này càng lên đến đỉnh cao khi Cây Bồ Đề được hợp nhất với sự chứng đạt vĩ đại nhất của Đức Phật, sự Giác ngộ.
Du khách đến Đạo Tràng
Sự kính thờ cây Bồ Đề không chỉ tồn tại trong dân gian mà còn được quy phạm thành luật, bất cứ ai có hành động phá hủy hay làm hư hại Thánh địa cùng với cây Bồ Đề sẽ đều bị trừng trị một cách nghiêm minh.
Cây Bồ Đề chính gốc mà Đức Phật đã ngồi thiền định tại Bồ Đề Đạo Tràng đã bị phá hủy vào năm 1874. Thế nhưng, sau khi bị phá hủy, một nhánh cây con mới mọc lên ngay tại gốc Bồ Đề cũ và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay. Tính đến nay, gốc cây này đã được hơn 140 tuổi.
Ở ngoại thành Bodh Gaya, ngày nay có nhiều chùa được thiết lập của các cộng đồng Phật giáo Thái Lan, Việt Nam, Tích Lan, Miến Điện, Tây Tạng, Bhutan, Nhật Bản...
Tác giả bài viết: V.Lộc-C.Bính