Trong tỉnh

11 hộ dân kêu cứu vì bị tranh chấp đất rừng

Được Nhà nước giao đất rừng theo Nghị định 02 của Chính phủ, thế nhưng hơn 70 ha rừng của 11 hộ dân ở xóm Cầu, xã Nghĩa Thọ, H. Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã bị các hộ dân ở các xóm 7, 12, 13 xã Nghĩa Hội sang xâm chiếm, tước quyền canh tác nhiều năm qua. Sự việc cho đến nay vẫn chưa được các cấp chính quyền giải quyết triệt để...

Được giao đất và có Lâm bạ, song người dân xóm Cầu lại bị tước quyền canh tác.

Lực bất tòng tâm

Trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Đình Tứ (1963, trú tại xóm Cầu) cho biết, năm 1998, ông Tứ cùng 10 hộ dân trong xóm, gồm: ông Nguyễn Đình Nhị, ông Lê Văn Hán, ông Nguyễn Đình Chiên, bà Lê Thị Triển, ông Nguyễn Phương Nam, ông Nguyễn Đức Thuận, ông Nguyễn Đình Phương, ông Lê Văn Quân, ông Lê Văn Ảnh và ông Lê Văn Châu đã được UBND H.

Nghĩa Đàn giao đất lâm nghiệp để trồng rừng tại đồi Gang, xứ đất ông Sàng, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thọ với tổng diện tích 73,3 ha. Trong thời gian đầu, các hộ dân thống nhất bảo vệ, phát sẻ chăm sóc cây chờ đến khi có sản lượng mới khai thác, trồng mới. Vậy nhưng, từ năm 2010, một số hộ dân thuộc xóm 7, xóm 12 và xóm 13 xã Nghĩa Hội ngang nhiên vào khu vực rừng của các hộ dân trên phát dọn, canh tác, trồng cây lâu năm và cây hoa màu. Phát hiện sự việc, người dân xóm Cầu ra sức ngăn cản nhưng bất thành. Chính quyền địa phương vào cuộc, tình hình yên ắng được một thời gian ngắn, sau đó lại tiếp diễn.

Các hộ dân xóm Cầu cho biết, các hộ được Nhà nước giao đất vẫn còn lưu giữ Sổ giao đất Lâm nghiệp, ghi rõ tên, địa chỉ chủ đất, diện tích đất, ranh giới tiếp giáp và Quyết định giao đất của Chủ tịch UBND H. Nghĩa Đàn... đồng thời cuốn sổ trên cũng quy định rõ quyền, nghĩa vụ của chủ đất. Có đất rừng nhưng mất quyền canh tác, 11 hộ dân xóm Cầu chỉ biết trông chờ sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm qua sự việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Lâm bạ của các hộ dân xóm Cầu.

Chính quyền hướng dẫn ra tòa?

Trao đổi sự việc trên với phóng viên, ông Nguyễn Đức Thuận- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ cho biết: Sự việc người dân xóm Cầu phản ánh như trên là có, UBND xã Nghĩa Thọ và UBND xã Nghĩa Hội cũng đã vào cuộc xử lý, hòa giải hai bên nhưng chưa đạt được hiệu quả. Theo lời Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ, đất rừng các hộ dân nói trên được giao vào năm 1998, theo Nghị định 02 của Thủ tướng Chính phủ. Tại thời điểm giao đất, các hộ dân trên địa bàn và dân xã Nghĩa Hội canh tác trên các diện tích đất này, theo hình thức "du canh, du cư", canh tác vài vụ, họ lại chuyển đến vùng đất khác. Do vậy, khi được giao đất, người dân xóm Cầu vẫn để cho những người "du canh, du cư" tiếp tục canh tác, hết mùa vụ thì lấy lại đất. Tuy nhiên, sau đó người dân xóm Cầu không phát sẻ rừng để trồng trọt mà vẫn để nguyên rừng bảo vệ, chăm sóc. Từ khi Nhà máy chế biến gỗ MDF ở xã Nghĩa Hội đi vào hoạt động, người dân các xóm 7, xóm 12 và xóm 13 quay sang phát sẻ rừng để trồng keo, cây công nghiệp. Từ đây tranh chấp liên tục xảy ra giữa người dân xóm Cầu, xã Nghĩa Thọ và người dân các xóm nói trên của xã Nghĩa Hội.

Cũng theo ông Thuận, năm 2015 khi những người dân xóm Cầu vào phát sẻ rừng để trồng trọt thì người dân xóm 7, xóm 12 và xóm 13, xã Nghĩa Hội đến ngăn cản, trồng cây chen vào diện tích người dân xóm Cầu đã phát sẻ. Sự việc trên được chính quyền địa phương cử lực lượng vào lập biên bản đình chỉ nhưng khi rút đi, người dân xã Nghĩa Hội lại tiếp tục vi phạm.

Ông Tứ chỉ tay về khoảnh rừng của mình bị tranh chấp.

Được biết, trước sự việc trên UBND xã Nghĩa Thọ và UBND xã Nghĩa Hội đã tổ chức 3 cuộc hòa giải giữa đôi bên, song không thống nhất được nội dung sự việc. Những người dân các xóm 7, xóm 12 và xóm 13, xã Nghĩa Hội cho rằng, diện tích đất họ xâm canh là do cha ông họ khai hoang từ xưa để lại nên họ tiếp tục canh tác. Một người dân xóm 7 xã Nghĩa Hội cho hay: "Chúng tôi xâm canh đất ở xã Nghĩa Thọ hiện không có bất cứ giấy tờ gì. Chỉ biết đất này được cha ông khai hoang, canh tác từ năm 1978 đến nay. Hiện chúng tôi đã cắt cử người lên đó canh gác, không cho người lạ vào phá hoại tài sản, chuyện đúng sai chờ trên giải quyết".

Ông Lê Viết Phú- Trưởng phòng Phòng TN&MT H.Nghĩa Đàn cho biết: Năm 2016, Phòng TN&MT nhận được văn bản giao việc của Chủ tịch UBND H. Nghĩa Đàn về tranh chấp đất đai ở xã Nghĩa Thọ. Tiếp đó, Phòng TN&MT đã hướng dẫn cho chính quyền địa phương xã Nghĩa Thọ và xã Nghĩa Hội tổ chức tuyên truyền vận động các bên hòa giải theo quy định của Luật Đất đai. Trường hợp nếu việc hòa giải không thành, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân làm đơn khởi kiện ra tòa án. Theo lời ông Phú, hiện Điều 202 và Điều 203, Luật Đất đai 2015 đã quy định rõ việc xử lý tranh chấp đất đai, nếu các bên không thống nhất hòa giải thì Tòa án sẽ là cơ quan trung gian phân xử đúng, sai.

Qua xác minh, tìm hiểu sự việc cho thấy, người dân xóm Cầu, xã Nghĩa Thọ phản ánh việc họ đang có Sổ giao đất Lâm nghiệp nhưng lại bị người dân các xóm 7, xóm 12 và xóm 13 xã Nghĩa Hội xâm chiếm là có thật. Đề nghị chính quyền địa phương xã Nghĩa Thọ, UBND H. Nghĩa Đàn cũng như các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An sớm vào cuộc kiểm tra sự việc, chỉ đạo xử lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của 11 hộ dân ở xóm Cầu.

Nghệ An: Xe khách đâm đuôi xe tải ở Hòa Bình có chạy dù?

Tác giả: X.SƠN

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP