Kinh tế

Vietnam Airlines sẽ làm gì với gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng?

Theo nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines (VNA) vay tối đa là 4.000 tỉ đồng với lãi suất là 0%/năm để bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Vậy VNA sẽ sử dụng nguồn vốn này vào những mục đích gì?

Vietnam Airlines làm gì với gói hỗ trợ 1.200 tỉ đồng. Ảnh: ĐT

Trợ lực từ Chính phủ

Theo thống kê năm 2020, Vietnam Airlines Group (bao gồm các hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) vận chuyển 15 triệu khách nội địa, nắm giữ 51,6% thị phần. Trong 4 tháng đầu năm 2021, lượng khách nội địa của Vietnam Airlines Group đạt 5,4 triệu khách, thị phần đạt 48,2%.

Mặc dù nhu cầu đi lại của người dân hồi phục nhanh chóng sau mỗi đợt dịch bệnh nhưng việc đóng băng mạng đường bay quốc tế, trong khi đường bay nội địa hoạt động cầm chừng, đã khiến cho thị trường hàng không Việt rơi vào tình trạng thừa cung ứng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 230 tàu bay, tăng 24 tàu so năm 2019, tương ứng tăng khoảng 10% đội tàu bay. Tổng số ghế cung ứng trong tháng 4.2021 ước tính bằng 137% so cùng kỳ 2019, trong khi đó sức mua (tổng doanh thu của thị trường) ước tính chỉ bằng 76% so với năm 2019. Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, toàn ngành hàng không đang dư thừa gần 58 tàu bay, chiếm 26% tổng số máy bay các hãng.

Nhằm hỗ trợ ngành hàng không vượt khó, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ như: Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định và tiếp tục gia hạn cho đến năm 2021; áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ các khó khăn về vốn.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và số tiền cho vay của tổ chức tín dụng đối với VNA theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỉ đồng, lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm.

Theo ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Tài chính kế toán của Vietnam Airlines, VNA đề xuất Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ khoản vay tối thiểu 4.000 tỉ đồng, tối đa 12.000 tỉ đồng để phát triển sau dịch COVID-19, không xin ngân sách. Cũng theo ông Hiền, kiến nghị hỗ trợ trên cũng là trách nhiệm của chủ sở hữu khi Chính phủ nắm 86% cổ phần của VNA. Tuy nhiên, VNA đề xuất vay và hỗ trợ chứ không xin ngân sách, hãng sẽ trả trong 3 năm.

Thanh toán ngay các khoản vay đến hạn

Theo kiến nghị của VNA, gói hỗ trợ trị giá 12.000 tỉ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỉ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỉ đồng) nhằm để tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Ngoài ra, trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho VNA phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025. Cuối tháng 11.2020, Quốc hội đồng ý "giải cứu" Vietnam Airlines với việc cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần với ngân hàng để cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, cho phép VNA chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Chính phủ giao Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại VNA thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.

Theo đại diện VNA, với nguyên tắc sử dụng gói giải pháp để bổ sung vốn phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh và bù đắp thiếu hụt thanh khoản do đại dịch COVID-19, VNA đã xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn tiền này để hỗ trợ thanh khoản, thanh toán các khoản phải trả quá hạn, các khoản vay ngắn hạn và trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng.

Mọi mục đích và phương án sử dụng cho từng hạng mục công việc đều được báo cáo minh bạch, rõ ràng và chi tiết với các cấp có thẩm quyền trước khi chính thức triển khai. Đến nay, gói hỗ trợ cho vay tái cấp vốn (4.000 tỉ đồng) đã hoàn tất toàn bộ các hành lang pháp lý cần thiết và dự kiến có thể giải ngân vào đầu tháng 7.2021 cùng điều kiện VNA vẫn phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp tự thân và đàm phán đạt kết quả với các nhà cung ứng để ứng phó với đại dịch COVID-19. Phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (8.000 tỉ đồng) đang được triển khai các bước cần thiết theo quy định.

Cũng theo VNA, năm 2021 hãng tiếp tục đặt mục tiêu tiết kiệm khoảng 9.450 tỉ đồng. Trong đó giải pháp tự thân 6.066 tỉ đồng gồm: Giảm chi phí và sửa chữa bảo dưỡng máy bay (gần 5.300 tỉ đồng), tổ chức lại lao động và tổ chức lại sản xuất như giảm 4 đầu mối ban/đơn vị ở cấp Tổng Công ty và khoảng 70 đầu mối cấp phòng ở các cơ quan, đơn vị, qua đó tiết giảm được trên 800 tỉ đồng.

“VNA có trách nhiệm tính toán giá trị phần hỗ trợ của Nhà nước trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất vay của khoản vay tái cấp vốn và lãi suất thị trường để đề xuất phương án bảo đảm quyền lợi của cổ đông Nhà nước, kể cả phương án tăng tương ứng giá trị phần vốn Nhà nước trong VNA” đại diện VNA cho hay.

Tác giả: ĐẶNG TIẾN

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP