Thế giới

Rúng động vụ bê bối làm giả kết quả xét nghiệm Covid-19 của Bangladesh

Covid-19 đã làm hoạt động kinh tế ở Bangladesh chững lại đáng kể, nhưng tội phạm hình sự đã tìm thấy một thị trường kinh doanh mới: làm giả kết quả xét nghiệm virus corona.

Hình thức phạm tội này đã phát triển mạnh mẽ giữa đại dịch nhờ nhu cầu từ những người lao động nhập cư Bangladesh. Những người này cần kết quả xét nghiệm để có thể quay lại quốc gia khác làm việc.

Vụ việc thu hút sự chú ý trên toàn cầu khi Italy phát hiện 65 trường hợp dương tính trong số 1.600 người Bangladesh từng về nước trong thời gian gần đây.

Bê bối làm giả kết quả xét nghiệm đã gây rúng động Bangladesh và những nước có lao động nhập cư từ nước này. Ảnh: Reuters.

Bộ Ngoại giao Bangladesh tuyên bố rằng không có lao động nhập cư nào dùng kết quả xét nghiệm Covid-19 giả. Tuy nhiên, bộ này nói "một số ít có thể đã làm lây lan" virus corona khi họ vi phạm các biện pháp kiểm dịch bắt buộc.

Đường bay bị cắt đứt

Bangladesh đã bỏ tù một số nhân vật quan trọng trong đường dây làm giả xét nghiệm vào tháng 6 và tháng 7. Bangladesh cũng bắt buộc hành khách đi máy bay phải có kết quả âm tính với Covid-19. Kết quả xét nghiệm phải được đưa ra bởi một trong 16 phòng thí nghiệm được phê duyệt.

Ngày 15/7, Tiểu đoàn Hành động Nhanh Bangladesh cho biết các đặc vụ của họ đã bắt giữ Mohammad Shahed, chủ hai bệnh viện không giấy phép. Hai bệnh viện này được sự hậu thuẫn từ các quan chức cấp cao trong Bộ y tế Bangladesh và đã làm giả kết quả xét nghiệm Covid-19. Ông Shahed bị bắt ở biên giới Bangladesh khi đang cố gắng trốn sang Ấn Độ.

Trước khi ông Shahed bị bắt, bác sĩ phẫu thuật tim Sabrina Chowdhury và chồng bà, ông Arif Chowdhury, cũng bị bắt. Hai người này điều hành một phòng thí nghiệm ở thủ đô Dhaka và phòng thí nghiệm này bị cáo buộc đã làm giả kết quả xét nghiệm.

Trong lúc đó, Italy đã dừng các chuyến bay với Bangladesh cho đến ngày 31/7. Italy cũng đã từ chối cho 165 người Bangladesh nhập cảnh khi họ đến trên hai chuyến bay của Qatar Airlines.

Người dân Bangladesh tại một cơ sở xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô Dhaka vào ngày 2/7. Ảnh: Reuters.

Kể từ khi việc làm giả kết quả xét nghiệm Covid-19 ở Bangladesh bị phát hiện, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã ngưng các chuyến bay với nước này

Nói với Nikkei Asian Review, bà Tasneem Siddiqi, chủ tịch của Đơn vị Nghiên cứu Phong trào Người tị nạn và Di cư, một cơ quan cố vấn có trụ sở tại thủ đô của Bangladesh, đặt câu hỏi ai sẽ trả tiền cho những lao động nhập cư Bangladesh đã hết hạn visa. Khoảng 15.000 người Bangladesh sống ở Italy đang bị mắc kẹt ở nước này.

Italy là nơi hơn 140.000 người Bangladesh sinh sống và cũng là một trong những nguồn ngoại tệ lớn nhất của Bangladesh. Điều này rất quan trọng, bà Siddiqi nói, và "cần được chú trọng rất nhiều".

Italy cũng là một "bước đệm" cho những người di cư Bangladesh muốn định cư ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ, các nhà phân tích nói.

Bà Siddiqi, người cũng giảng dạy môn khoa học chính trị tại Đại học Dhaka, tin rằng hình ảnh Bangladesh bị xấu đi sẽ củng cố phong trào chống người di cư toàn cầu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson ủng hộ.

Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh ngày càng tồi tệ và vụ bê bối kết quả xét nghiệm này làm hạn chế đáng kể cơ hội của người Bangladesh ở Italy. Công dân Bangladesh không đủ điều kiện đến khối Schengen - khối gồm 26 quốc gia châu Âu cho phép di chuyển tự do qua biên giới nội bộ - ngay cả khi Liên minh châu Âu mở cửa trở lại biên giới đầu tháng này. Bangladesh bị các nước này coi là không "an toàn" về mặt dịch tễ học.

Với những công dân Bangladesh muốn di cư hợp pháp sang phương Tây, visa theo diện đoàn tụ gia đình và visa sinh viên là hướng đi dễ dàng hơn. Ít nhất hướng đi này từng dễ dàng. Du học sinh Bangladesh có khả năng sẽ bỏ lỡ học kỳ bắt đầu vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9. "Khoảng 90% du học sinh sẽ ở lại Bangladesh", bà Siddiqi nói.

Ước tính 12,5 triệu người Bangladesh ở nước ngoài đã gửi về nước 18,32 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2020. Kiều hối chiếm 6% GDP của quốc gia Nam Á này, theo Nikkei Asian Review.

Quốc gia tham nhũng nhất thế giới

Trong khi đó, Ủy ban chống tham nhũng Bangladesh đã thành lập một nhóm điều tra các cáo buộc với ông Shahed và vợ chồng bà Chowdhury.

"Chúng tôi đang điều tra", phát ngôn viên Pranab Bhattachariya nói với Nikkei Asian Review và không giải thích gì thêm.

Cơ quan thuế của Bangladesh đã đóng băng tài khoản ngân hàng của ba người này vì cáo buộc làm giả kết quả xét nghiệm Covid-19. Mỗi kết quả xét nghiệm giả có giá 60 USD.

Kinh tế Bangladesh tăng trưởng với tỷ lệ trung bình 7% hàng năm trong thập kỷ qua nhờ hoạt động xuất khẩu, kiều hối và nông nghiệp.

Tuy nhiên, tình hình kiều hối hiện tại đang gây ra những lo ngại kinh tế, như thực trạng của ngành dệt may và các lô hàng khác.

Một công nhân nhập cư Bangladesh quét đường ở Jdeideh, Lebanon vào ngày 19/5. Ảnh: Reuters.

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2020, xuất khẩu của Bangladesh đã giảm hơn 25%, xuống còn 34 tỷ USD do thiệt hại từ đại dịch.

Bangladesh được coi là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, theo khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Berlin.

Tác giả: Như Trần

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP