Xã hội

Quặn thắt dòng tin cuối của chiến sỹ Đoàn 337 nhắn cho vợ trước lúc hy sinh

Buổi tối trước lúc hy sinh, người chiến sỹ vẫn nhắn tin về dặn vợ ở nhà đề phòng nước lũ vào nhà và có chuyện gì "phải nhắn cho anh ngay".

Ngày 19/10, toàn bộ thi thể 22 cán bộ chiến sỹ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu IV (trụ sở tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) được xe cấp cứu chở về Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Quảng Trị (đường Trường Chinh, TP Đông Hà).

Hôm ấy, trời Quảng Trị ảm đạm và lất phất mưa như khóc thương cho những người lính anh dũng hy sinh giữa thời bình. Các anh ra đi để lại mẹ già, vợ và con thơ cùng nỗi xót thương vô hạn của những người ở lại.

Người thân của những cán bộ chiến sĩ thất thần, gào khóc trước cổng Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Quảng Trị.

Những dòng tin cuối gửi về cho vợ

Có mặt tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình hôm ấy, chị Nguyễn Thị Giao Linh gào khóc như điên loạn khi thấy đoàn xe cấp cứu chở thi thể chồng mình là Thiếu tá Phạm Ngọc Quyết từ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 trở về Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Quảng Trị.

Ngồi ôm con gái nhìn về phía cổng nhà thi đấu, chị run run ngón tay xem lại tin nhắn của chồng gửi trước khi gặp nạn. Gương mặt phờ phạc, dáng người tiều tụy, chị vẫn chưa tin vào sự thật. Chị bảo, ngày nào anh cũng gọi điện, nhắn tin hỏi thăm vợ con, chị cũng thường dặn anh giữ gìn sức khỏe và yên tâm công tác tốt, ở nhà hai mẹ con vẫn ổn.

"Trước giờ gặp nạn, anh ấy vẫn còn nhắn tin cho tôi nói là trên này đang mưa to lắm. Anh ấy dặn dò mẹ con tôi ở nhà đề phòng nước lũ vô, nếu có chuyện gì phải điện báo anh ngay... Vậy mà, giờ anh đã bỏ mẹ con tôi đi rồi", giọng chị Linh nghẹn lại.

Chị Linh ôm con gái 4 tuổi cố nén nước mắt khi kể về những dòng tin nhắn cuối cùng mà Thiếu tá Phạm Ngọc Quyết gửi về trước lúc hy sinh.

Chị Linh kể, khuya 17/10, thấy những dòng tin mình gửi đêm qua, có cả ảnh của con gái nhưng điện thoại báo người nhận chưa xem. Linh tính chuyện chẳng lành, chị lấy điện thoại gọi cho chồng hơn 10 cuộc nhưng không ai nghe máy. Rồi chị chuyển sang nhắn tin nhưng cũng chẳng nhận được hồi âm. Cố giữ bình tĩnh, chị tự trấn an chắc chồng đang bận hỗ trợ người dân chạy lũ, nhưng cả đêm hôm đó chị vẫn không sao chợp mắt được.

Đến sáng hôm sau, chị xem tin tức nói có vụ sạt lở ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, lòng như lửa đốt, chị lục tìm hết danh bạ, điện cho từng người quen ở đơn vị thì có một đồng đội thông báo có vụ sạt lở núi, nhưng chồng chị không sao cả. Mọi người đang tập trung khắc phục sự cố nên anh chưa thể nghe máy được.

Thế nhưng, chị có ngờ đâu đó chỉ là lời nói dối vì đồng đội của chồng lo sợ chị bị sốc trước những mất mát quá lớn. Khi biết tin chồng cùng 21 đồng đội mãi mãi ngã xuống, chị Linh gần như ngã quỵ nhưng vẫn cố nén thương đau để thuê xe vào hiện trường nơi chồng gặp nạn.

Chiều muộn 18/10, xe chở gia đình thiếu tá Quyết còn cách hiện trường khoảng 10km nhưng do đường bị sạt lở nên ô tô không đi được. Chị Linh phải xuống xe lội bộ trong lớp bùn đất nhão nhoét băng băng về phía hiện trường. Khi chị vừa đến nơi, cũng là lúc thi thể chồng được đồng đội đưa ra từ đống đất đá. Trong giây phút ấy, chị chỉ kịp hét lên một tiếng "Trời ơi!" rồi ngất lịm.

Trong lúc anh gặp nạn thì ở quê nhà Quảng Bình cũng đang ngập trong nước lũ và cúp điện, nên chưa thể thông báo được tình hình cho nhà nội. Còn tại Quảng Trị, bên nhà ngoại ở cũng bị nước bao vây và đang chờ ca nô tới mới có thể đến với anh được”, chị Linh đưa tay lau dòng nước mắt nói.

Thấy mẹ khóc, con gái 4 tuổi của chị vội hỏi: "Sao mẹ lại khóc, mẹ nhớ bố à? Mẹ nói bố đi làm, vài bữa bố lại về thăm mẹ con mình thôi mà, mẹ đừng khóc nữa nha". Lời của con trẻ khiến lòng chị Linh thêm quặn thắt, cố che giọt nước mắt chị trả lời con: "Ừ mẹ không khóc nữa, con ngoan vài bữa bố về mua búp bê cho".

'Sinh nhật em, sao anh không về'

Lại một đêm trôi qua, chị Triệu Thị Nhung (34 tuổi), vợ Thượng úy Trần Quốc Dũng (quê Hà Tĩnh) nước mắt chảy dài khi biết danh sách các nạn nhân tử nạn có tên chồng mình.

Ngồi thất thần như người mất hồn trong túp lều dựng tạm trước cổng nhà thi đấu đa năng, chị vẫn liên tục gọi tên chồng mình trong vô vọng. Chị và Thượng úy Dũng cưới nhau được 8 năm nay và đã có 2 người con 7 tuổi và 3 tuổi. Chị Nhung đang là giáo viên tại một trường tiểu học ở Hà Tĩnh, còn anh Dũng vào công tác tại Đoàn kinh tế 337 từ năm 2011 đến nay.

Chị Nhung như người vô hồn khi biết tin chồng chị cùng 21 đồng đội ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh.

Từ lúc nghe tin chồng gặp nạn tử vong, chị Nhung gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc để bắt xe vào Quảng Trị nhận thi thể chồng.

Đôi mắt ngấn lệ, chị Nhung nghẹn ngào cho biết, hôm nay là 20/10 cũng là sinh nhật của chị. Mấy hôm trước, anh Dũng hứa là sẽ về thăm nhà và chụp tấm ảnh chung cùng gia đình vì kể từ ngày cưới, nhà chị chưa có tấm ảnh chung nào. Anh còn hứa, Tết năm nay sẽ mời các anh em trong đơn vị về nhà chơi. Ấy vậy mà, giờ đây anh lại cùng đồng đội trở về trên những chiếc xe cứu thương đầy đau khổ.

"20/10 và là sinh nhật em, anh hứa là sẽ về thăm em và các con ở nhà mà sao anh không giữ lời...", chị Nhung gào khóc.

Tác giả: NGUYỄN VƯƠNG

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP