Thế giới

Lệnh bắt giữ châu Âu được áp dụng trong vụ cô gái Việt mắc kẹt ở Pháp

Lệnh bắt có hiệu quả trong việc truy nã khủng bố nhưng cũng khiến một số người bị bắt và dẫn độ oan.

Cảnh sát tại sân bay Charles de Gaulle tháng 5/2016. Ảnh: Reuters.

Phạm Thị Tuyết Mai bị Pháp bắt vào ngày 18/12/2018 tại sân bay Charles de Gaulle theo Lệnh bắt giữ châu Âu (EAW). Việc bắt Mai nhằm thi hành bản án 4 năm tù về tội "buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện" do tòa ở Bỉ tuyên vào tháng 5/2013. Mai cho rằng mình là nạn nhân của một vụ đánh cắp danh tính và thông tin cá nhân với mục đích phạm pháp.

EAW được áp dụng từ năm 2004, có hiệu lực ở tất cả quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Lệnh này yêu cầu một nước bắt và dẫn độ nghi phạm hình sự hoặc người bị kết án đến nước phát lệnh, để người đó bị xét xử hoặc thi hành án. Các thủ tục tư pháp để chuyển giao người cần thực hiện trong vòng 60 ngày kể từ vụ bắt.

Điều kiện để phát EAW là hành vi của người phạm tội có thể bị kết án từ một năm tù trở lên. Một nước có thể từ chối thi hành EAW trong các trường hợp: hành vi phạm tội của bị can đã bị xét xử (sẽ bị trùng lặp nếu thi hành EAW); bị can là trẻ vị thành niên hay được hưởng ân xá.

Nước bắt người cũng có thể từ chối dẫn độ với lập luận rằng hành vi của bị can không được coi là phạm tội ở nước họ. Tuy nhiên, lập luận này không được áp dụng trong các trường hợp trọng tội như giết người, buôn ma túy, khủng bố, tội phạm có tổ chức...

EAW giúp đẩy nhanh tốc độ dẫn độ trên khắp châu Âu, tuy nhiên, nó cũng khiến một số người bị hàm oan. Năm 2008, Tracey Molamphy, thư ký 40 tuổi đến từ Lancashire, Anh bị bắt khi chuẩn bị bay nối chuyến tại sân bay Munich để về nhà sau kỳ nghỉ tại Hy Lạp. Molamphy bị giam tại một buồng nhỏ trong 14 ngày và được thông báo rằng cô sẽ bị dẫn độ sang Bồ Đào Nha, theo Telegraph.

Tracey Molamphy, thư ký Anh suýt bị dẫn độ sang Bồ Đào Nha năm 2008. Ảnh: Telegraph.

Molamphy không biết rằng cô đã bị Bồ Đào Nha buộc tội đồng lõa lừa đảo và phát lệnh EAW vì sự cố từ 12 năm trước. Năm 1996, khi Molamphy và bạn trai Lee Chapman đi nghỉ ở Bồ Đào Nha, họ mang theo 120 bảng Anh giả. "Anh ấy không biết đó là tiền giả. Khi anh ấy cố gắng đổi chúng ra tiền Bồ Đào Nha, cả hai chúng tôi đã bị bắt", Molamphy kể.

Hai người bị giữ trong 24 giờ nhưng sau đó được thả. "Chúng tôi không được phép gọi điện cho bất kỳ ai hoặc nói chuyện với luật sư", Molamphy kể. "Chúng tôi bị đưa đến một phiên điều trần, họ chỉ nói tiếng Bồ Đào Nha và không có phiên dịch. Sau đó chúng tôi được yêu cầu ngay lập tức rời khỏi đất nước".

Molamphy tưởng rằng vụ này đã được giải quyết hoàn toàn. Trong 12 năm sau đó, Molamphy và Chapman di chuyển trên khắp châu Âu mà không gặp sự cố nào cho đến khi tới Munich.

Chapman không bị phát lệnh bắt, dường như vì chính quyền Bồ Đào Nha không lưu địa chỉ của ông này. "Khi chúng tôi giải thích với cảnh sát Đức rằng người lẽ ra phải bị bắt là Chapman chứ không phải tôi thì họ cũng không quan tâm", Molamphy cho biết.

Trong thời gian bị giữ ở Đức, Molamphy chi 20.000 bảng (26.000 USD) để thuê ba nhóm luật sư ở Đức, Anh và Bồ Đào Nha. Nếu bị dẫn độ sang Bồ Đào Nha, Molamphy sẽ bị giam trong nhiều tháng để chờ xét xử và có nguy cơ đối mặt bản án 5 năm tù nếu bị kết án.

Các luật sư giúp cô được tại ngoại và được phép trở về Anh. Cuối cùng, luật sư ở Bồ Đào Nha giúp cô được xóa cáo buộc với lập luận rằng sự cố tiền giả đã xảy ra quá lâu.

"Thật kinh khủng", Molamphy nói. "Trải nghiệm này thực sự ảnh hưởng đến tôi. Nó khiến tôi mất tự tin và đau buồn trong một thời gian dài. Chúng tôi đã dành rất nhiều tiền tiết kiệm để trả các khoản phí pháp lý. Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để kiếm được số tiền đó và thật đau lòng khi phải tiêu như vậy".

Không may mắn như Molamphy, sinh viên Anh Andrew Symeou tháng 7/2009 bị dẫn độ sang Hy Lạp với cáo buộc giết một thiếu niên trong trận ẩu đả tại quán bar. Symeou bác bỏ cáo buộc, nói rằng bạn của anh đã bị cảnh sát đánh đập để ép cung, khiến họ khai ra anh.

Symeou bị giữ một năm trong nhà tù Korydallos để chờ xét xử. Đây là nhà tù an ninh cẩn mật khét tiếng về điều kiện khắc nghiệt và cách đối xử tệ với tù nhân. Symeou không được tại ngoại vì không phải là công dân Hy Lạp.

Andrew Symeou, người bị dẫn độ oan sang Hy Lạp năm 2009. Ảnh: Telegraph.

Tòa kết luận Symeou trắng án vào tháng 6/2011. Thực tế, Symeou không có mặt trong quán bar vào thời điểm xảy ra vụ ẩu đả. Sau khi được trả tự do, Symeou trở về Anh và hoàn thành việc học ở London. Anh xuất bản cuốn sách có tên "Bị dẫn độ" vào năm 2015 để kể về trải nghiệm của mình.

Một trường hợp bị oan khác là Edmond Arapi, bị cáo buộc giết người ở Genoa, Italy năm 2004 mặc dù chưa bao giờ đến đó. Anh đang làm việc trong một quán cà phê ở Staffordshire, Anh vào thời điểm án mạng xảy ra.

Arapi bị bắt vào tháng 6/2009 tại sân bay Gatwick, Anh và đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Italy để chịu bản án 16 năm tù.

Chính quyền Italy thừa nhận họ đã truy nã nhầm người và rút lại lệnh bắt Arapi. Tuy nhiên, Arapi khi đó đã bị giam giữ trong vài tuần ở Anh. Arapi khiếu nại và được Italy bồi thường gần 18.000 bảng (23.500 USD) vào tháng 7/2012.

Tuy có các trường hợp chịu oan ức kể trên, EAW vẫn được coi là công cụ hữu hiệu trong việc đối phó với tội ác nghiêm trọng như khủng bố, buôn thuốc phiện, giết người, lạm dụng tình dục trẻ em, tội phạm có tổ chức.

Osman Hussain, một trong những nghi phạm vụ đánh bom London ngày 21/7/2005, bị bắt trong một cuộc đột kích vào căn hộ tại Rome. Hussain cùng đồng lõa đã đặt chất nổ tại các ga tàu điện ngầm, gây ra 4 vụ nổ. Tuy không có nạn nhân thiệt mạng, vụ khủng bố gây ra tâm lý hoảng loạn và làm tê liệt hệ thống giao thông công cộng Anh trong hai tuần. Tháng 9/2005, Hussain bị dẫn độ từ Italy về Anh và lĩnh án tù chung thân.

Tháng 9/2012, lệnh EAW được phát với Jeremy Forrest, thầy giáo Anh bắt cóc nữ sinh 15 tuổi. Cảnh sát Pháp bắt Forrest tại Bordeaux tháng 9/2012. Một năm sau, anh ta lĩnh án tù 5,5 năm.

Tác giả: Phương Vũ

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP