Trong tỉnh

Đến năm 2035, huyện Nam Đàn sẽ có 3 đô thị

Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn đến năm 2035 do Viện quy hoạch và đô thị nông thôn quốc gia (VIUP), Bộ Xây dựng thực hiện với tầm nhìn huyện Nam Đàn là Trung tâm du lịch Quốc gia, là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển hài hoà và bền vững.

Tính chất của Đồ án quy hoạch là vùng phát triển kinh tế tổng hợp với các thế mạnh về du lịch, công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp trang trại... gắn với trục kinh tế chủ đạo Quốc lộ 46 nối thành phố Vinh với Cửa khẩu Thanh Thủy và dọc hai bên bờ sông Lam.

Xây dựng 3 đô thị tại huyện Nam Đàn

Sáng nay (31/8), tại phiên họp thường kỳ tháng 8, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nghe và cho ý kiến về Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn đến năm 2035. Đồng chí Thái Thanh Quý - Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

Toàn cảnh phiên họp.

Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn đến năm 2035 do Viện quy hoạch và đô thị nông thôn quốc gia (VIUP), Bộ Xây dựng thực hiện với tầm nhìn huyện Nam Đàn là Trung tâm du lịch Quốc gia, là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển hài hoà và bền vững. Tính chất của Đồ án quy hoạch là vùng phát triển kinh tế tổng hợp với các thế mạnh về du lịch, công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp trang trại... gắn với trục kinh tế chủ đạo Quốc lộ 46 nối thành phố Vinh với Cửa khẩu Thanh Thủy và dọc hai bên bờ sông Lam.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn đến năm 2035.

Theo nhóm tư vấn đề xuất, Đồ án được quy hoạch thành 3 vùng. Trong đó, vùng 1 là phân vùng bán sơn địa dọc chân núi Đại Huệ gồm 7 xã thuộc khu vực phía Bắc huyện (Nam Nghĩa, Nam Hưng, Nam Thái, Nam Thanh, Nam Anh, Nam Xuân, Nam Lĩnh). Vùng 2 được xác định là vùng trung tâm gồm 1 thị trấn Nam Đàn và 7 xã thuộc khu vực Trung tâm huyện (Nam Giang, Kim Liên, Nam Cát, Xuân Lâm, Hồng Long, Hùng Tiến, Xuân Hòa). Vùng 3 là vùng hữu ngạn sông Lam gồm 4 xã thuộc khu vực phía Nam huyện (Thượng Tân Lộc; Khánh Sơn; Trung Phúc Cường và Nam Kim). Theo đơn vị tư vấn, mô hình phát triển không gian hiện tại, các không gian đô thị, không gian công nghiệp và không gian du lịch được bố trí phân tán, mạng lưới kết nối giữa các yếu tố này mỏng và yếu. Vì vậy, VIUP đề xuất mô hình phát triển tương lai phát huy lợi thế các tài nguyên của địa phương, tăng cường không gian đô thị, không gian công nghiệp, không gian du lịch và củng cố mạng lưới kết nối các không gian, đồng thời xây dựng trục phát triển đô thị mới tạo ra những giá trị mới. Đây là mô hình phát triển không gian được kỳ vọng trở thành chất xúc tác để phát triển kinh tế. Định hướng đến năm 2035, huyện Nam Đàn có 3 đô thị, trong đó có 1 đô thị trung tâm (nâng cấp thị trấn Nam Đàn từ loại V lên đô thị loại IV) và 2 đô thị loại V (đô thị Nam Giang và đô thị Phúc Cường). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 25,75%.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, UBND tỉnh đã nhiều lần nghe và thảo luận về Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn đến năm 2035, trong đó có những ý kiến góp ý điều chỉnh phần đô thị hoá. Đến nay, Đồ án cơ bản đáp ứng yêu cầu, trong đó đã xem xét các yếu tố và đã tích hợp Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, huyện Nam Đàn vào Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn đến năm 2035.

Tính toán phát huy giá trị sông Lam

Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cơ bản thống nhất với Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn đến năm 2035. Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị VIUP cần tiếp tục bám sát để tiếp tục cập nhật các nội dung Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, huyện Nam Đàn khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn đến năm 2035. Bên cạnh đó, VIUP và các bên liên quan cần tính toán trong Đồ án để sử dụng sông Lam có hiệu quả cả về kinh tế - văn hoá, cảnh quan đô thị.

Định hướng không gian vùng huyện Nam Đàn.

Đặc biệt, người đứng đầu Tỉnh uỷ lưu ý muốn phát huy được giá trị sông Lam thì phải có giải pháp trị thuỷ, đặc biệt là các khu vực phía Nam sông Lam của Nam Đàn. Mặt khác, trong quá trình đơn vị tư vấn lập Đồ án phải nghiên cứu kỹ để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu giữa Đồ án và Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 4/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm “xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hoá gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025. Trên cơ sở đó, VIUP tiếp thu hoàn chỉnh và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đồ án.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu kết luận phiên họp.

Cũng tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất về Nhà máy may kết hợp sản xuất bao bì carton tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP