Du lịch

Cây cầu đá do khỉ xây giữa biển khơi ở Ấn Độ

Theo sử thi Ấn Độ, đội quân khỉ của thần Rama đã xây một cây cầu tới đảo Lanka bằng cách xếp đá trên mặt nước suốt 5 ngày.

Trong sử thi Ramayana của Ấn Độ, nàng Sita, vợ thần Rama, bị bắt cóc đến đảo Lanka, nơi quỷ vương Ravana thống trị. Thần Rama đã tập hợp một đội quân khỉ để lên đường cứu vợ.

Tới vùng biển ngăn cách Ấn Độ với đảo Lanka, đội quân của Rama đã xây một cây cầu dài khoảng 50 km, bằng cách xếp đá trên mặt nước suốt 5 ngày. Theo truyền thuyết, những hòn đá không thể chìm do có viết tên của thần Rama trên đó. Nhờ vậy, đội quân khỉ có thể vượt biển, đánh bại vua quỷ Ravana và cứu Sita.

Ngày nay, phần lớn cây cầu đã chìm sâu dưới biển, nhưng nó đã tồn tại ít nhất cho tới cuối thế kỷ 15 trước khi bị phá hủy trong một trận bão, theo sử sách còn được lưu trữ trong đền Rameswaram. Cây cầu được gọi là cầu của Rama hay Rama Setu.

Nếu nhìn vào những bức ảnh chụp từ vệ tinh, bạn sẽ thấy một vết mờ của dải cát nông nối liền đảo Rameswaram của Ấn Độ với đảo Mannar của Sri Lanka. Người dân Ấn Độ tin rằng, đó chính là cầu Rama trong truyền thuyết.

Ảnh chụp từ vệ tinh Landsat 7. Nguồn: NASA.

Nhà địa lý học Ibn Khordadbeh, đã nhắc đến cây cầu trong cuốn sách cổ Book of Roads and Kingdoms, dưới cái tên Set Bandhai (Cây cầu của Biển cả).

Ngoài ra, cây cầu này cũng có một tên gọi khác - Cầu của Adam, do người Anh đặt vào đầu thế kỷ 19, nhằm nói đến truyền thuyết trong kinh thánh. Theo đó, Adam đã đi qua cây cầu này khi bị đày từ thiên đường xuống trái đất.

Không ít nhà địa lý đã vào cuộc nghiên cứu cây cầu của thần Rama để phá tan những bí ẩn. Tiến sĩ Badrinarayanan, nguyên cục trưởng Cục Khảo sát Địa chất Ấn Độ, kết luận đây là công trình nhân tạo. Sau khi khoan 10 lỗ dò dọc theo cây cầu, tiến sĩ và nhóm khảo sát phát hiện khoảng 6 m dưới bề mặt cầu là lớp cát kết, san hô và đá cuội chắc chắn. Ông Badrinarayanan ngạc nhiên khi thấy một lớp cát đệm sâu 4-5m, phía dưới là kết cấu đá cứng, theo Express.

Cầu Rama nhìn từ trên cao. Ảnh: Pinterest.

Một đội thợ lặn đã xuống đáy để quan sát cây cầu. Họ nhận thấy những hòn đá cuội của "thủy đạo" này không có kết cấu như lớp địa chất hình thành dưới đáy biển. Tiến sĩ chỉ ra các bằng chứng về quá trình khai thác đá từ hai bên bờ Ấn Độ và Sri Lanka đã góp phần tạo nên cây cầu.

Năm 2005, chính phủ Ấn Độ từng thông qua dự án nạo vét biển Sethusamudram, loại bỏ cầu Rama để xây một kênh vận chuyển nối với Sri Lanka. Dự án triệu đô này ước tính sẽ rút ngắn cung đường vận chuyển dài 400 km, mất 30 giờ để tới Sri Lanka.

Tuy nhiên, nhiều người đã phản đối dự án này vì cho rằng cây cầu là "công trình tôn giáo" không nên bị phá bỏ. Nhiều nhà môi trường học cũng vào cuộc và chỉ ra dự án kênh đào sẽ hủy hoại cân bằng sinh thái của vùng biển. Người dân sẽ mất đi một bờ bảo hộ đất liền, nếu thảm họa sóng thần xảy ra. Chính phủ Ấn Độ hiện cho dừng dự án và tìm giải pháp thay thế để không gây ảnh hưởng tới cầu Rama.

Cầu Rama nằm gần thị trấn bỏ hoang Dhanushkodi, cách thị trấn Rameshwaram 20 km. Du khách nên lựa chọn di chuyển bằng xe jeep do trận lốc xoáy năm 1964 đã tàn phá Dhanushkodi nặng nề, không có đường bê tông nối tới đây. Từ bãi biển, du khách có thể thuê tàu thuyền nhỏ để ra khu vực "thủy đạo" Rama.

Tác giả: Phạm Huyền

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: khỉ ,cây cầu ,xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP