Số hóa

Bỏ túi ngay 6 lưu ý này khi mua sắm để không bị lộ thông tin và mất tiền ở thẻ ngân hàng

Để tránh việc bị đánh cắp tiền qua thẻ hay thông tin cá nhân, người dùng cần bỏ túi ngay những lưu ý quan trọng sau.

Tại Việt Nam những năm trở lại đây mua sắm trực tuyến phát triển vượt bậc với sự ra đời của hàng loạt chợ điện tử phổ biến như lazada, Shoppee,…Mặc dù, mua sắm trên mạng tiềm ẩn không ít nguy cơ, tuy nhiên tính tiện lợi, nhanh chóng và rất nhiều ưu điểm khác của phương thức mua bán này khiến số lượng giao dịch vẫn không ngừng tăng lên.

Để tránh việc bị đánh cắp tiền qua thẻ hay thông tin cá nhân, người dùng cần bỏ túi ngay những lưu ý quan trọng sau

1. Lưu ý địa chỉ website

Các rủi ro chính cho người mua sắm trực tuyến là việc lẫn lộn các website giả mạo được thiết kế giao diện giống với những website bán lẻ có uy tín. Do đó, trước khi thực hiện việc mua hàng bạn hãy kiểm tra lại địa chỉ của website xem có tương tự với địa chỉ của nhà bán lẻ bạn đang cần hay không.

Bên cạnh đó, hãy để ý vào thanh địa chỉ của trình duyệt xem nó đang hiển thị HTTPS:// hay HTTP://. Nếu chỉ là HTTP://, các thông tin của bạn sẽ có nguy cơ bị đánh cắp vì đây là giao thức đã lỗi thời. Hãy chỉ mua hàng khi bạn thấy biểu tượng ổ khóa và chứng chỉ HTTPS://.

2. Không sử dụng Wi-Fi công cộng khi mua hàng

Nếu bạn cần mua hàng trực tuyến hoặc thực hiện các giao dịch ngân hàng, hãy ngừng kết nối wifi miễn phí, thay vào đó là sử dụng 3G. Theo các chuyên gia, các mạng Wi-Fi miễn phí thường không được bảo mật cao và hoàn toàn có thể bị kiểm soát bởi kẻ xấu.

3. Đừng đặt mật khẩu tài khoản quá dễ dàng

Theo nghiên cứu của các chuyên gia bảo mật, có đến 84% người dùng không nhớ mật khẩu của mình vì họ phải nhớ quá nhiều mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau. Do đó, họ thường có xu hướng đặt mật khẩu dựa trên thông tin cá nhân và sử dụng từ 1 đến 2 mật khẩu giống nhau cho tất cả các tài khoản trên mạng của mình. Đây chính là một trong những nguyên nhấn khiến bạn dễ dàng bị hacker thăm hỏi.

Cách tốt nhất là hãy giữ mật khẩu thật kỹ càng, hạn chế ghi vào điện thoại vì trong trường hợp điện thoại bị mất thì kẻ gian dễ dàng biết được các thông tin nhạy cảm. Cuối cùng, hãy đảm bảo chúng không dễ dàng đoán được

4. Đăng ký dịch vụ thông báo tin nhắn qua điện thoại

Theo các chuyên gia, để an toàn trong việc sử dụng thẻ, chủ thẻ nên sử dụng dịch vụ báo giao dịch tự động và thông báo số dư qua tin nhắn nhằm mục đích khi phát sinh giao dịch, chủ thẻ sẽ nhận được thông tin và xử lý ngay khi có trường hợp phát sinh giao dịch đáng ngờ.

5. Hạn chế lưu lại thông tin cá nhân

Các trang web luôn mời gọi bạn lưu lại các thông tin để lần sau bạn mua hàng sẽ nhanh chóng hơn, tuy nhiên bạn nên hết sức lưu ý điều này vì không thiếu gì vụ các công ty nổi tiếng đã từng bị hacker tấn công dẫn đến thông tin khách hàng bị tuồn ra ngoài, trong đó có rất nhiều thông tin thẻ ngân hàng.

6. Thận trọng khi thanh toán

Khi bạn chuyển tiền online hãy cẩn thận với các thông tin cá nhân của mình. Nêú đối tác đòi cung cấp mã pin, mật khẩu ngân hàng hoặc các thông tin cá nhân khác không liên quan đến giao dịch, hãy lập tức ngừng giao dịch và kiểm tra. Người bán chỉ cần nhận được đúng số tiền bạn trả cho việc mua hàng hóa dịch vụ. Việc yêu cầu mã pin, mật khẩu ngân hàng hoặc các thông tin nhạy cảm khác là dấu hiệu rất rõ ràng cho những hành vi ăn cắp, lừa đảo.

Tác giả: Duy Huỳnh

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP