Giáo dục

Bài văn 10 điểm và sự thống nhất tuyệt đối của giám khảo

Kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Nghệ An năm nay, có một điểm 10 môn Ngữ văn của em Bùi Thảo Nguyên.

Nữ sinh Bùi Thảo Nguyên – chủ nhân điểm 10 môn Văn duy nhất kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tỉnh Nghệ An.

Không chỉ đạt điểm văn tuyệt đối, nữ sinh cũng ẵm luôn vị trí thủ khoa đầu vào Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (huyện Thanh Chương). Bất ngờ là thí sinh này đến từ ngôi trường bình thường ở vùng nông thôn khó khăn.

Bài văn hoàn hảo và giàu cảm xúc

Bùi Thảo Nguyên (HS Trường THCS Thanh Yên, Thanh Chương, Nghệ An) vẫn nhớ như in bài thi môn Văn đã viết đến tờ giấy thi thứ 3, dài hơn 10 trang, bằng tất cả kiến thức lẫn cảm xúc của mình.

Thảo Nguyên cho biết: Làm bài chỉ có 120 phút nên sau khi đọc đề thi, em tính toán thời gian cho từng câu hỏi. Em dành nửa thời gian cho câu 1 và 2, còn câu nghị luận văn học viết trong 55 phút. Thời gian còn lại em khảo bài và soát lỗi chính tả. Đề thi Ngữ văn năm nay được nhiều thí sinh đánh giá có sự liên kết giữa 3 câu hỏi, trong cùng chủ đề về tình cảm gia đình, sự trưởng thành của con cái. Với Thảo Nguyên, cấu trúc đề đã tạo “đất” cho em thể hiện và tiếp nối mạch cảm xúc của mình trong bài làm.

Thảo Nguyên thích vấn đề câu nghị luận xã hội với ngữ liệu “có một ngày cha mẹ già đi, và các con sẽ lớn” và yêu cầu “nói về suy nghĩ của em về vai trò của tính tự lập đối với giới trẻ”. “Em đã lấy dẫn chứng từ hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành bằng ý chí, quyết tâm, một mình rời bến Nhà Rồng. Sau nhiều bôn ba, cực khổ ở xứ người, Bác tự học ngoại ngữ, tự đi làm kiếm tiền và tìm ra con đường giải phóng đất nước thoát khỏi ách nô lệ”, Nguyên cho hay.

Liên hệ với bản thân mình, Thảo Nguyên cho rằng, nếu không có tính tự lập thì khó có thể thành công. Vì thế từ nhỏ, em đã tự giác học tập, xác định mục tiêu của mình và phấn đấu, nỗ lực đạt được mục tiêu đó. Tương lai của mỗi người do mình quyết định. Em rất ấn tượng với ngữ liệu của đề: “Cây che nắng cháy gió mưa, che chở chim non đến khi đủ lông, đủ cánh”.

Vì vậy, em đã viết ra với những cảm xúc và suy nghĩ thật của mình: “Nếu như nói bố mẹ là cây xanh và con là chim non thì ta thấy được chim non luôn ở dưới sự bao bọc của cây. Nhưng khi chim lớn lên, đủ khả năng đi tìm những điều tốt đẹp, khám phá cuộc sống thì chim phải tập rời khỏi tán lá bảo vệ của cây. Và con khi lớn lên cũng vậy, phải tập rời khỏi vòng tay an toàn của bố mẹ để bước ra thế giới rộng lớn”.

Công tác chấm thi môn tự luận được Sở GD&ĐT Nghệ An bố trí ở 3 trường THPT tại TP Vinh. Giám khảo tại Trường THPT Hà Huy Tập - trực tiếp chấm thi và quyết định cho điểm tuyệt đối bài văn của em Thảo Nguyên chia sẻ: “Tôi đã dạy học gần 30 năm, và đây cũng là bài Ngữ văn đầu tiên tôi cho điểm 10. Đó là một bài hoàn hảo ở các câu và bảo đảm độ hoàn chỉnh”.

Nữ giám khảo cho biết thêm, để đánh giá, chấm bài văn điểm tuyệt đối không chỉ yêu cầu kiến thức, mà bài làm phải có tính văn chương, giọng điệu riêng, sáng tạo của thí sinh. Ở bài văn điểm 10 này, thí sinh đã thể hiện sâu sắc, mới mẻ các vấn đề yêu cầu với văn phong độc đáo, trong sáng. Tư duy phân tích, diễn đạt mạch lạc, logic, thuyết phục và thể hiện được cái tôi của mình. Về hình thức, bài làm của em trình bày sạch đẹp, không gạch xóa, đúng chính tả.

Theo quy định, điểm một bài thi của thí sinh không chỉ dựa trên quyết định của giám khảo 1, mà còn qua chấm bài của giám khảo 2 và chấm kiểm tra. Các vòng chấm đều độc lập nhau, không có sự trao đổi giữa các giám khảo. Nhưng kết quả bất ngờ là cả 2 người chấm đều quyết định cho bài văn này 10 điểm, với sự thống nhất tuyệt đối.

Thảo Nguyên cùng bố mẹ phấn khởi, chưa hết bất ngờ với 10 điểm môn Văn.

Học văn nhẹ nhàng như đọc một cuốn sách

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, Bùi Thảo Nguyên đạt 10 điểm Ngữ văn, 9 điểm Toán và Ngoại ngữ là 6,6 điểm. Với kết quả này, em còn giành vị trí thủ khoa đầu vào Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương, Nghệ An).

Điều khiến nhiều người bất ngờ, Thảo Nguyên không học ở trường trọng điểm, chất lượng cao, mà đến từ Trường THCS Thanh Yên (huyện Thanh Chương) thuộc vùng trung du khó khăn. Ở trường, nữ sinh học giỏi đều các môn, và còn đạt HS giỏi huyện ở 2 môn Hóa học, Sinh học. “Mơ ước của em là làm bác sĩ, nên em xác định theo học khối B: Toán – Hóa – Sinh từ bây giờ”, Nguyên cho biết.

Dù không theo đội tuyển HS giỏi văn, nhưng nữ sinh luôn xem đây là môn học yêu thích của mình và học văn không mang áp lực phải đạt được thành tích, điểm số cao. Em đến với môn Văn nhẹ nhàng như “đọc một cuốn sách hay”. Và bí quyết để đạt điểm cao môn Văn, em đọc rất nhiều sách, trau dồi vốn từ ngữ, học cách hành văn, diễn đạt logic, thu hút.

Cô Nguyễn Thị Ba – giáo viên dạy môn Ngữ văn của Thảo Nguyên tự hào về cô học trò: Em có năng lực cảm thụ văn chương tốt, học tập một cách chăm chỉ, nghiêm túc. Vì vậy, khi thấy đề thi Ngữ văn lớp 10 năm nay, tôi tin đã chạm được vào cảm xúc của Thảo Nguyên và em đã thể hiện hết kiến thức cũng như cảm xúc của mình.

Lợi thế của Thảo Nguyên là có mẹ làm giáo viên dạy Toán, nên đã định hướng cho con phương pháp tự học từ nhỏ. Chị Trần Thanh Tâm, mẹ của Nguyên chia sẻ: Gia đình chưa bao giờ tạo áp lực, hay đặt mục tiêu cho con mà để con tự ý thức và có trách nhiệm với nguyện vọng, mơ ước của mình.

“Thảo Nguyên chăm học, ưa đọc sách. Tôi chỉ giới thiệu cho con nên đọc loại sách gì, và có trao đổi về những cuốn sách đã đọc với con. Tôi cũng không cấm con sử dụng điện thoại, mà còn lập Facebook để cháu trao đổi, chia sẻ, trò chuyện với thầy cô, bạn bè. Điện thoại không xấu, mà quan trọng là cách con sử dụng nó như thế nào. Qua quan sát, con dùng để đọc tin tức, thỉnh thoảng chơi game giải trí, nên tôi yên tâm là con có kỷ luật và tự lập để làm chủ”, chị Tâm cho hay.

Kết quả thi của Thảo Nguyên cũng khiến cho thầy cô, bạn bè ở ngôi trường THCS Thanh Yên tự hào, phấn khởi. Theo thầy Bùi Xuân Trung – Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Yên, nhiều học sinh của trường đạt điểm cao, giành vị trí thủ khoa, á khoa vào Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách. Kết quả này tạo động lực cho các em khóa sau tiếp tục nỗ lực, cố gắng. Đồng thời phát huy tinh thần hiếu học, ham học cho học trò ở vùng quê này.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP