Kinh tế

Phụ nữ đẻ thuê: 'Mỗi hợp đồng em chỉ được hơn trăm triệu'

Tùy theo hợp đồng 300 hay 400 triệu, L. nói, người mang thai hộ sẽ được tầm 100 -120 triệu cho 9 tháng 10 ngày mang thai. Trong thời gian đó, họ được nuôi ăn, ở hoàn toàn. Ngoài số tiền này, sau khi sinh mẹ tròn con vuông người đẻ thuê cũng thường được người đi thuê "thưởng" thêm.

Phụ nữ đẻ thuê: 200 triệu, thích kiểu gì được kiểu đó
Đẻ thuê giá 700 triệu, thử ADN và nhận con 'liền tay'
Gặp gỡ bà trùm 16 năm trong đường dây đẻ thuê
Góc khuất nghề đẻ thuê: Nỗi ân hận tột cùng của người đàn bà dẫn gái về cho chồng

LTS: Chúng tôi tiếp tục liên lạc với các cô gái trong những đường dây đẻ thuê ở Hà Nội. Từ đây những câu chuyện chấn động được hé mở...


“Có phải con em đâu mà thương”

M. (SN 1991, Nam Định) là mẹ đơn của một đứa trẻ 4 tuổi, cũng là thành viên trong đường dây đẻ thuê của "bà trùm" H.

Trước đây, M. đã từng mang hộ và sinh con thành công với phương pháp đẻ mổ. Sau khi nhận tiền, M. về quê sống một thời gian. Lần này, do cần tiền cho em trai trả nợ, M. lại gửi con cho ông bà ngoại và lên thành phố mang thai hộ lần thứ 2.

Trong các cuộc nói chuyện với khách, bà trùm H. thường quảng cáo “quân” của bà là các cô gái đã từng sinh nở, sức khỏe tốt, “máy ngon” nhưng M. lại đang mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh.

Được biết, có một cặp vợ chồng hiếm muộn ở Long Biên từng định nhờ M. mang thai hộ nhưng khi nhìn thấy sắc mặt M. tái xanh, phát hiện cô có bệnh khách đã từ chối hợp đồng. Chị này nói, nếu mang thai M. có vấn đề gì thì chị cũng mang vạ vào người.

Có con là khao khát cháy bỏng của nhiều cặp vợ chồng (Ảnh chụp tại khoa hiếm muộn, BV Phụ sản Trung ương)


Bởi vậy, với các khách hàng, M. và bà trùm H. không bao giờ hé răng về tiền sử bệnh của cô. Vào thời điểm gặp chúng tôi cô gái trẻ này đã có hợp đồng với 1 cặp vợ chồng hiếm muộn khác. Mọi thủ tục đã hoàn tất, M. chỉ chờ ngày để cấy phôi vào tử cung.

Do đã làm lần thứ 2 nên M. rất bình tĩnh, thông thạo mọi thủ tục. Khi được hỏi mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày có lưu luyến tình cảm với sinh linh trong bụng không, M. trả lời ráo hoảnh: “Có phải con em đâu mà em thương. Lúc sinh xong, thậm chí em không nhìn mặt con. Em xuống bàn đẻ thì người ta đưa con đi rồi”.

Tầm 1 tháng sau lần gặp gỡ với P.V ấy, M. gọi điện vui vẻ khoe cô cấy phôi thành công, đã đậu thai và đang được người thuê chăm sóc rất chu đáo.

‘Cùng đường em mới làm việc này’

Khác với những câu nói ráo hoảnh của M. thì L. (SN 1990, Nam Định), cũng là một cô gái trong đường dây đẻ thuê của bà H., khá hiền lành và nhẹ nhàng.

L. hẹn gặp chúng tôi tại một quán nước nhỏ trên đường Cát Linh và không quên cẩn trọng nhìn ngó xung quanh dè chừng những gương mặt người quen.

L. nói, em cùng đường nên mới làm nghề này. Gia đình em không hạnh phúc khi bố mẹ ly hôn từ lâu. Em với mẹ dắt díu nhau lên Hà Nội và đang thuê nhà ở gần đây. Em có chồng và 2 con nhưng chồng em lô đề cờ bạc khiến cuộc sống của em không được một ngày nào yêu. Cuối cùng, vợ chồng ly hôn mỗi bên nuôi một con.

Ngày trước do vay nợ họ hàng làm ăn nhưng bị thua lỗ giờ người ta đòi tiền gấp nên em rất cùng quẫn. Được người quen giới thiệu em chấp nhận mang thai hộ để kiếm tiền trả nợ.

L. đồng ý cho trứng và mang thai hộ cho 1 người đàn ông ở Hà Nội (Trong ảnh là sổ khám của L.)


L. bơm tinh trùng của khách vào người đã được 5 ngày và đang hồi hộp chờ kết quả. Nếu lần này đậu phôi em sẽ được bà trùm H. ứng cho một khoản tiền nhỏ để trả nợ và tiêu còn nếu chưa được em lại phải chờ mới có cơ hội làm tiếp.

“Mấy hôm nay em bị cảm, chắc lần này không đậu thai rồi chị ạ”, L. nói.

Chuyện làm người mang thai hộ, L. không cho ai biết kể cả mẹ em, người thân cận với em nhất. Nếu đậu thai do mùa đông mặc áo ấm nên người khác cũng khó phát hiện. Mấy tháng cuối em xin chuyển đến nhà trùm L. ở cho đến ngày sinh để qua mắt mẹ em.

Chủ hợp đồng của L. là một người đàn ông ở Hà Nội. Người này lập gia đình đã nhiều năm nhưng vợ không thể mang thai. Anh ta chi 400 triệu và yêu cầu xin trứng của một em nhưng lại cấy phôi vào một em khác trong đường dây của bà H. nhằm tránh những ràng buộc.

Bà H. vì hám tiền cũng gật đầu với khách nhưng để tiết kiệm chi phí, bà ta cho L. đi lấy trứng để kết hợp với tình trùng tạo phôi. Sau khi có phôi, bà ta đưa L. đến bệnh viện để cấy luôn vào tử cung L. Khi L. mang thai bà ta mới báo cho khách, lúc này “sự đã rồi” khách không thể không theo

L. kể tiếp, trước khi xin trứng, khách hẹn gặp em để “xem hàng”. Thấy em cao ráo, hiền lành nên anh ta đồng ý. Sau đó đến bệnh viện để khám sức khỏe và làm hồ sơ.

Nếu lần cấy này may mắn đậu thai thì thôi còn không em sẽ phải vào viện cấy phôi tiếp đến khi nào đậu thai mới thôi.

Hợp đồng gần nửa tỷ, người mang thai được bao nhiêu?

Tùy theo hợp đồng 300- 400 triệu, L. nói, người mang thai hộ sẽ được tầm 100 -120 triệu cho 9 tháng 10 ngày mang thai. Trong thời gian đó, họ được nuôi ăn, ở hoàn toàn. Ngoài số tiền này, sau khi sinh mẹ tròn con vuông người đẻ thuê cũng thường được người đi thuê thưởng thêm.

Trong quá trình mang thai, hầu hết những thai phụ sẽ được trùm H. nuôi ăn ở ở các cơ sở của bà ta. Đến lúc sinh nở bà H. chủ động muốn các em đẻ thuê sinh thường với lý do sinh thường tốt hơn sinh mổ. Tuy nhiên, theo tiết lộ của L., bà H. muốn chọn phương pháp này mục đích là tiết kiệm chi phí sinh nở và các em nhanh hồi phục để tiếp tục đẻ thuê.

“Nếu đẻ mổ em phải 2 năm sau nữa mới có thể mang bầu còn nếu đẻ thường thì thời gian này ngắn hơn nhiều. Có chị trong đường dây của bà H. mới sinh xong 1 tháng đã quay lại xin tiếp tục đẻ. Chị này đang chờ người để làm hợp đồng. Tất cả cũng vì tiền”, L. nói.

L. cũng kể thêm, bà H. quảng cáo với khách các em mang thai hộ sẽ được sinh ở bệnh viện dịch vụ tốt, đảm bảo nhưng nếu khách lơ là, không theo dõi cẩn thận bà H. sẵn sàng cho bọn em vào các nhà hộ sinh tuyền toàng để đẻ nhằm tiết kiệm chi phí.

Cô gái 9x này cho biết, em làm một lần để trả nợ và lấy ít tiền làm vốn. Sau đó em kiếm ngành nghề gì kinh doanh chứ không đi theo con đường mạo hiểm này mãi được.

Tác giả bài viết: Minh Anh - Lê Phương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP