Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Trường |
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, năm 2017, thiên tai trên địa bàn tỉnh đã làm chết 21 người, mất tích 2 người, bị thương 15 người; 175 nhà ở bị sập, cuốn trôi, 134 nhà thiệt hại rất nặng, 1.494 nhà thiệt hại nặng, 4.305 nhà bị ngập; thiệt hại 57.868,28 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản; làm chết 1.299 con gia súc, 75.897 con gia cầm; gây hư hỏng nhiều công trình trường học, đê điều, thủy lợi, giao thông nông thôn
Tàu VTB 26 bị chìm trên vùng biển Nghệ An. Ảnh: PV |
Riêng vùng biển Nghệ An đã xảy ra 52 vụ tai nạn; làm chết 6 người, mất tích 4 người, bị thương 7 người, chìm 9 phương tiện, hư hỏng 21 phương tiện, trong đó đáng kể là vụ chìm tàu VTB 26 ngày 17/7/2017, tàu Hồng Anh 69 bị chìm ngày 30/10/2017 và tàu Lam Hồng 99 bị mắc cạn ngày 15/7/2017. Tổng ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 2.687,08 tỷ đồng.
Trong năm 2017, UBND tỉnh đã trích ngân sách hơn 32 tỷ đồng để khắc phục thiên tai.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân về những tồn tại và đề ra những giải pháp khắc phục.
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích trong công tác PCLB. Ảnh: Văn Trường. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận những nỗ lực của các ban ngành, địa phương về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Trong năm 2018, dự báo tình hình thời tiết tiếp tục tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Nghệ An được xác định vẫn là trọng điểm về lụt bão, lũ ống, lũ quét và cháy rừng. Để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố và diễn biến bất thường của thiên tai năm 2018, ngoài việc dựa vào sức dân, các ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy tốt hơn phương châm “4 tại chỗ”.
Lực lượng công an giúp dân ứng phó với mưa lũ tại phường Vinh Tân (TP. Vinh) vào tháng 10/2017. Ảnh: Minh họa |
Cần xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai của từng ngành, lực lượng vũ trang, UBND các huyện, thành phố, thị xã, đơn vị và công trình. Nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi. Khẩn trương rà soát, di dời khẩn cấp dân cư tại các điểm có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất; phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ số hộ dân cần di dời khẩn cấp được bố trí đến nơi an toàn.
Tăng cường công tác quản lý tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản của ngư dân, kể cả phương tiện vận tải biển. Vận hành liên hồ chứa có hiệu quả; Kiểm tra, rà soát, kịp thời tu sửa hoặc có phương án bảo đảm an toàn các công trình đê điều, hồ đập, đường giao thông, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống điện, thông tin liên lạc, trường học... Rà soát đánh giá và xử lý các công trình hạ tầng chưa phù hợp, cản trở thoát lũ, gây ngập úng.
Đồng chí Đinh Viết Hồng cũng yêu Cảng vụ Nghệ An đẩy nhanh tiến độ trục vớt tàu VTB 26, Hồng Anh 69 tại Cảng Cửa Lò, hoàn thành trước 25/4.
Tác giả: Văn Trường
Nguồn tin: Báo Nghệ An