26/2, tại ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi trẻ TPHCM tổ chức tại TP Hải Phòng và TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương), vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm nhất là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. TS Nguyễn Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cho hay, với 10 ngành ngôn ngữ đang được đào tạo tại trường, sinh viên học chuyên ngành ngoại ngữ 2 năm đầu tiên. Sau hai năm, trình độ ngoại ngữ của sinh đạt đến trình độ từ B1 trở lên. Hai năm cuối, sinh viên được lựa chọn các chuyên ngành để theo học như du lịch, quản trị kinh doanh, thương mại, phiên dịch… Như vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc được ở các chuyên ngành đã lựa chọn học và có thêm một điểm mạnh đó là ngoại ngữ.
Thí sinh trao đổi với lãnh đạo trường ĐH về tuyển sinh 2023. Ảnh: Nghiêm Huê |
PGS. TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ, ngành Marketing của trường được coi là ngành học “thiện chiến” vì sinh viên thực hành từ năm thứ nhất đến năm cuối. Còn ngành Kinh tế đối ngoại nằm trong ngành Kinh tế và hướng đến thực hành; ngược lại, ngành Kinh tế quốc tế đào tạo theo định hướng nghiên cứu.
Trả lời câu hỏi “trong khối ngành Quân đội, có ngành nào đào tạo kinh tế không”, Thượng tá Nguyễn Văn Thiển, phụ trách tuyển sinh Trường Sỹ quan Lục quân 1 (Bộ Quốc phòng), cho hay Học viện Hậu cần có đào tạo ngành học này. “Sinh viên sẽ được nuôi ăn học và ra trường 100% được Bộ Quốc phòng sắp xếp việc làm, phong Thiếu úy.
Tuy nhiên, để trúng tuyển vào các trường quân đội, mỗi thí sinh phải đảm bảo 2 điều kiện: qua sơ tuyển theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng và tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT và đạt điểm chuẩn theo yêu cầu của từng ngành (trừ những thí sinh đủ điều kiện xét tuyển thẳng).
Vì vậy, thí sinh tham gia xét tuyển trường quân sự phải làm hai bộ hồ sơ: một bộ hồ sơ xét tuyển nộp về Sở GD&ĐT sở tại và một bộ hồ sơ sơ tuyển nộp cho ban chỉ huy quân sự địa phương. Ngoài ra, thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 vào trường quân đội. Các trường dân sự, thí sinh có thể đăng ký ở nguyện vọng tiếp theo”, Thượng tá Thiển thông tin.
Nhiều điểm mới thí sinh cần lưu ý
Chia sẻ với thí sinh về công tác tuyển sinh năm nay, TS Lê Đình Tùng, phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Y Hà Nội, cho hay, với phương thức xét kết hợp, năm 2023, Trường ĐH Y Hà Nội dành 25% - 30% chỉ tiêu, năm trước là 20%, dành cho 3 ngành là Y khoa, Răng - Hàm - Mặt và Điều dưỡng. Ngành Y khoa chỉ tiêu là 500 (400 chỉ tiêu cho cơ sở chính và 100 chỉ tiêu ở phân hiệu Thanh Hóa).
Tại ngày hội, nhiều thí sinh quan tâm khối ngành Truyền thông, Quan hệ công chúng. PGS. TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay ngành Quan hệ công chúng tạo ra cơ hội rộng mở, không chỉ làm trong cơ quan báo chí mà còn làm truyền thông trong các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức. Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đồng ý cho Trường tăng 18% chỉ tiêu.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, Bộ vẫn quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với 2 khối ngành Giáo viên và Sức khỏe, với các khối ngành khác, các trường chủ động công bố chất lượng đầu vào. Với 2 khối ngành trên, thí sinh cần chú ý để đăng ký nguyện vọng. Đối với một số cơ sở đào tạo có quy định đăng ký xét tuyển tại trường, thí sinh cần vào website của trường để cập nhật thông tin, tránh bỏ lỡ cơ hội.
Tác giả: NGHIÊM HUÊ
Nguồn tin: Báo Tiền Phong