“Bắt vợ” mà cô gái không đồng ý là lợi dụng
Ngày 5.2, trao đổi với Lao Động về vụ việc một số thanh niên nam giới tổ chức bắt một cô gái về làm vợ, trong khi cô gái khóc lóc, van xin, sau vùng vẫy thoát được (được tung lên mạng xã hội ngày 4.2), Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Đình Tùng cho biết: “Qua báo cáo của cơ quan chức năng, sự việc xảy ra tại địa bàn xã Châu Lộc, một số nam thanh niên người xã Liên Hợp tổ chức bắt một cô gái người cùng xã để về làm vợ. Cả hai đối tượng nam và nữ này đều đã đủ tuổi công dân (18 tuổi trở lên). Hiện chúng tôi đang giao các cơ quan liên quan tiếp tục xác minh”.
Ông Tùng giải thích: “Người Thái có tục bắt vợ, do đôi trai gái yêu nhau, muốn tiến đến hôn nhân. Khi tổ chức bắt vợ thì được bỏ qua một số thủ tục, đỡ mất thời gian và chi phí. Nói “cướp vợ” nhưng thực chất là nhằm “đốt cháy giai đoạn”. Sau đó, họ phải nộp phạt một ít và tổ chức cưới. Quan trọng là có sự đồng ý giữa nam và nữ. Còn nếu bắt vợ mà không được sự đồng ý của cô gái là lợi dụng, không thể chấp nhận được”.
Về quan điểm xử lý vụ việc, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, thời gian gần đây, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, hành vi “cướp vợ” đã giảm hẳn, không xảy ra sự cố, vấn đề gì đối với tục bắt vợ này. Sự việc vừa qua là một hiện tượng khá hi hữu. “Quan điểm của chúng tôi là nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì cần xử lý nghiêm; nếu có căn cứ thì xử lý hành chính theo quy định để giáo dục, răn đe chung”, ông Tùng nói.
Trung tá Đinh Anh Dũng - Trưởng Công an huyện Quỳ Hợp, Nghệ An cho biết: “Phía công an chúng tôi có nhiệm vụ xác minh có dấu hiệu tội phạm hay không để xử lý. Đến nay, phía gia đình cô gái cũng chưa có đơn, việc bắt cóc cũng chưa thành, cô gái đã vào miền Nam làm việc. Chúng tôi tiếp tục xác minh vụ việc để xử lý theo quy định”.
“Cướp vợ” là vi phạm pháp luật
TS.LS Nguyễn Trọng Hải, Trưởng VP Luật sư Trọng Hải và cộng sự (trụ sở tại Nghệ An) nêu quan điểm: “Hành vi “cướp vợ” tại huyện Quỳ Hợp như phản ánh trên báo chí là vi phạm pháp luật. Tuy là một tục lệ nhưng không được trái quy định của pháp luật. Hành vi nói trên có dấu hiệu của tội “Bắt giữ người trái pháp luật” (quy định tại Điều 157, Bộ luật hình sự năm 2015). Nếu bắt cô gái về làm vợ trái với ý muốn người này, thì người thực hiện cũng có dấu hiệu của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 181, Bộ luật hình sự năm 2015); vi phạm khoản b, điều 5, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (nghiêm cấm cưỡng ép kết hôn).
Đây là những hành vi xâm hại đến quyền tự do thân thể, quyền tự do hôn nhân của công dân, do đó cần được ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm khắc”.
Theo LS Hải, vì các hành vi nói trên chưa đạt, nên chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án, tuy nhiên, có thể xem xét xử lý hành chính các đối tượng đã tham gia “cướp vợ”.
“Chúng ta tôn trọng các phong tục tốt đẹp, nhân văn của người dân; đồng thời cần vận động để xóa bỏ những hủ tục không phù hợp với quy định pháp luật và nếp sống văn minh. Các hành vi vi phạm cần được xử lý nghiêm để có tính răn đe, giáo dục cho toàn xã hội”, TS.LS Hải trao đổi.
Tác giả bài viết: Quang Đại
Nguồn tin: