Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Nga (SN 1980, thôn Thành Long, xã Yên Lư, Yên Dũng) về hành vi giết người. Nạn nhân trong vụ án là Dương Xuân Mận (SN 1972, chồng của Nga).
Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng bước đầu được xác định là do ông Mận say rượu, chửi bới. Do đó, người vợ đã dìm mặt chồng vào chậu nước dẫn đến tử vong.
Dư luận đặt câu hỏi, trong vụ án, nạn nhân cũng là người có lỗi khi đi uống rượu về còn chửi bới vợ, liệu nghi phạm Nga có được xem xét giảm nhẹ?
Nguyễn Thị Nga tại cơ quan công an. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ án giết người hi hữu khi đối tượng gây án chính là vợ của nạn nhân. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của người vợ này để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Thông tin từ cơ quan công an cho thấy, nạn nhân đi uống rượu say về nhà chửi bới dẫn đến vợ chồng mâu thuẫn, va chạm. Do bực tức và bị nạn nhân hành hung nên người vợ này đã dùng băng dính quấn miệng nạn nhân rồi ấn đầu nạn nhân xuống chậu nước, hậu quả khiến nạn nhân tử vong. Ban đầu đối tượng không thừa nhận thực hiện hành vi phạm tội nhưng kết quả mổ tử thi, giám định pháp y cho thấy, nguyên nhân dẫn đến cái chết là do nạn nhân bị ngạt nước nên đã động viên đối tượng này đầu thú để được khoan hồng của pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, thông thường khi trường hợp tử vong mà có nghi ngờ có sự tác động ngoại lực, cơ quan chức năng sẽ tiến hành mổ tử thi để xác định nguyên nhân nạn nhân tử vong. Khi mổ tử thi, cơ quan giám định pháp y sẽ xác định được nguyên nhân chết trên cơ sở các chứng cứ, luận cứ khoa học về pháp y.
Trường hợp kết quả giám định pháp y cho thấy trong phổi có nước, trong khi đó nạn nhân không bị ngã xuống nước, không bị đuối nước chỉ còn trường hợp nạn nhân bị sặc nước hoặc bị dìm mặt xuống nước. Bởi vậy, trường hợp kết quả mổ tử thi, giám định pháp y như vậy và lời khai của đối tượng gây án phù hợp thì có căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng này về tội giết người.
Luật sư Cường phân tích, theo lời khai của đối tượng thì đã có hành vi trói nạn nhân, dùng băng dính quấn vào miệng nạn nhân rồi dìm mặt nạn nhân xuống chậu nước trong khi nạn nhân đang bị say rượu. Với người say rượu, hành vi nhấn xuống chậu nước dẫn đến bị ngạt nước rất dễ tử vong. Khi miệng đã bị bịt bằng băng dính, không thể kêu được, không thể thở được, đường thở duy nhất là ở mũi.Trường hợp người say rượu, hoạt động hô hấp càng mạnh hơn, nhu cầu về ôxy sẽ lớn hơn.
Bởi vậy, khi đối tượng đã biết đường thở bằng miệng và đường thở duy nhất bằng mũi lại bị ngạt nước thì rất có thể nạn nhân sẽ tử vong do bị ngạt nước.
Mục đích của đối tượng thực hiện hành vi này để không muốn nạn nhân chửi bới. Tuy nhiên, đối tượng buộc phải nhận thức được rằng với một người đang trong tình trạng say rượu như vậy đã bị bịt miệng thì rất khó thở. Việc đối tượng dìm đầu nạn nhân xuống chậu nước do bực tức hay vì mục đích nào khác cũng đều hoàn toàn có thể khiến nạn nhân bị ngạt nước, tử vong.
Việc đối tượng cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra nên hành vi này được xác định là hành vi giết người với lỗi cố ý gián tiếp (cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra).
Bởi vậy, với kết quả giám định pháp y và lời khai ban đầu như vậy, có căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý đối tượng này về tội giết người theo điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Quá trình điều tra cơ quan điều tra sẽ làm rõ yếu tố hành vi, làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích, làm rõ yếu tố lỗi để làm cơ sở xác định tội danh và quyết định mức hình phạt.
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ án này, nạn nhân cũng có lỗi một phần là đã chửi bới, hành hung đối tượng này; mối quan hệ giữa đối tượng gây án và nạn nhân là vợ chồng; nguyên nhân vì mâu thuẫn, bực tức; đối tượng không có mong muốn tước đoạt tính mạng của nạn nhân (chỉ bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra khi thực hiện hành vi nguy hiểm).
Do đó, khi lượng hình tòa án sẽ cân nhắc, tuyên một mức án phù hợp để người phạm tội sớm được trở về với đời sống xã hội. Vấn đề này các cơ quan tố tụng sẽ làm rõ và có hình thức xử lý có tình, có lý, đúng pháp luật.
“Dù kết quả của vụ án như thế nào đi chăng nữa, đây cũng là một câu chuyện hết sức đau lòng. Chỉ vì rượu chè thiếu kiểm chế, chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng không có hướng giải quyết tích cực dẫn đến vụ việc án mạng xảy ra, chồng chết, bản thân bị đi tù, con cái bơ vơ, hậu quả sẽ hệ lụy lâu dài đối với nhiều người trong gia đình này” – luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Tác giả: Hải Ninh
Nguồn tin: Tri thức & Cuộc sống