Thế giới

Vì sao châu Phi tránh được thảm họa Covid-19?

Trong khi châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới với vòng luẩn quẩn phong tỏa, một khu vực có ít nguồn lực vaccine cũng như y tế là châu Phi lại đang trở thành điểm sáng trên bản đồ Covid-19 toàn cầu.

Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào năm ngoái, có nhiều lo ngại dịch quét qua châu Phi sẽ gây ra một thảm họa giết chết hàng triệu người. Mặc dù vậy, kịch bản thảm khốc mà thế giới lo ngại vẫn chưa diễn ra.

Ảnh minh họa: Reuters

Covid-19 dường như nhanh chóng bị lùi về quá khứ khi các cuộc mít tinh chính trị, các buổi hòa nhạc và các cuộc tụ họp tại gia đã quay trở lại. Trong nhiều tháng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi Châu Phi là “một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trên thế giới”. Số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.

Châu Phi không có nhiều vaccine và nguồn lực để đối phó với Covid-19 như châu Âu hay Mỹ, việc châu lục này tránh được thảm họa cũng khiến nhà khoa học phải vào cuộc để tìm ra câu trả lời. Tiến sĩ Mary Stephen - chuyên gia của WHO tại khu vực châu Phi nhận định, có nhiều ca mắc Covid-19 chưa được phát hiện tại châu Phi.

“Các ca mắc Covid-19 thường được ghi vào trong báo cáo khi họ có triệu chứng hoặc thông qua các xét nghiệm. Tuy nhiên, tại một số khu vực xa xôi của châu Phi, việc giám sát thu thập chính xác số ca mắc rất khó khăn. Do đó, có rất nhiều ca mắc Covid-19 tại châu Phi không được tính đến”

Trong khi đó, tỷ lệ dân số trẻ của châu Phi khá cao, trung bình là 20 so với khoảng 43 ở Tây Âu. Tỷ lệ đô thị hóa tại châu Phi cũng thấp hơn và người dân có nhiều không gian ở ngoài trời có thể tránh được khả năng lây nhiễm dịch bệnh. Một số nghiên cứu đang xem xét những nguyên nhân khác, bao gồm lý do di truyền hoặc quá khứ nhiễm các bệnh ký sinh trùng khác.

Một nghiên cứu tại Uganda cho thấy, những bệnh nhân có tiền sử mắc sốt rét cao có nguy cơ mắc Covid-19 nặng hoặc tử vong thấp hơn. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận định, từng là những quốc gia đối mặt với hàng loạt các dịch bệnh nghiêm trọng như Ebola, sốt rét, bại liệt…, các nước đã có nhiều kinh nghiệm trong xử lý đã dịch bùng phát ngay cả khi không có vaccine ngừa Covid-19 và ghi nhận mạng lưới rộng lớn của các nhân viên y tế cộng đồng.

Mặc dù vậy các nhà khoa học cho rằng, sự tự mãn có thể khiến châu Phi phải đối mặt với những làn sóng nghiêm trọng phía trước và nguy cơ bùng phát dịch ở khu vực này vẫn hiện hữu. Bao phủ vaccine vẫn tiếp tục là một công cụ hiệu quả để châu lục này đối phó với Covid-19.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Hơn 5,7 tỷ liều vaccine đã được cung cấp cho thế giới nhưng chỉ có 2% được cấp cho châu Phi. Điều này có thể khiến người dân nơi đây đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn. Sự bất bình đẳng về vaccine càng kéo dài, virus sẽ tiếp tục lưu hành và biến đổi nhiều, sự gián đoạn kinh tế và xã hội sẽ tiếp tục kéo dài và khả năng xuất hiện nhiều biến thể khiến vaccine kém hiệu quả càng cao”.

Nhiều quốc gia châu Phi cũng đang tích cực mở rộng mạng lưới bao phủ vaccine. Nigeria bắt đầu một chiến dịch tiêm phòng mở rộng, nhắm đến việc bao phủ vaccine tại hơn nửa quốc gia này cho đến tháng 2 tới./.

Tác giả: Phạm Hà

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP