Trong tỉnh

Vết gợn sau 4 phiên tòa

Tưởng như khi chân đã chùn, gối đã mỏi sẽ được tận hưởng những phút giây thảnh thơi bên con cháu. Nào ngờ bản thân ông Ngụ vẫn phải lê lết thân già gõ cửa cơ quan công quyền đòi quyền lợi chính đáng.

Ông Ngụ thực sự mỏi mệt cả về thể xác lẫn tinh thần.

Hơn 10 năm miệt mài đấu tranh những mong cán cân công lý sẽ được thực thi, nào ngờ đổi lại là 4 phiên tòa với đầy rẫy vết gợn. Chua xót thay kết quả bạc bẽo, ông Nguyễn Văn Ngụ (SN 1934, trú xóm 8, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, Nghệ An) thốt lên cay đắng:

“Sự thật đang bị bóp méo một cách trắng trợn, họ đang tâm cướp đất của gia đình tôi mà chẳng cơ quan nào đứng ra xử lý đến nơi đến chốn. Sau bao năm tranh chấp, tôi thực sự mỏi mệt cả về thể xác lẫn tinh thần, không biết bản thân còn đủ thời gian để lấy lại những thứ thuộc về mình nữa hay không”?

Trở lại với bản án dân sự phúc thẩm số 280/2018/DS-PT ngày 12/7/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn - ông Nguyễn Văn Ngụ, đồng nghĩa với việc giữ nguyên bản án sơ thẩm số 06/2017/DSST ngày 12/7/2017 của TAND tỉnh Nghệ An.

Theo đó, hủy một phần quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và GCNQSDĐ số U 789450 ngày 11/2/2003; hủy một phần quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy CNQSDĐ số BM 661385 ngày 8/11/2012 của UBND huyện Nam Đàn cấp cho gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh, bà Nguyễn Thị Khanh (phía tranh chấp với ông Ngụ).

Buộc vợ chồng Cảnh, Khanh phải trả cho ông Ngụ 258m2 đất vườn thừa 872b (tờ bản đồ số 3), nay thuộc thửa số 189 (tờ bản đồ số 10 đo đạc năm 2007) tại địa bàn xóm 8, xã Hồng Long.

Kết luận của tòa có nhiều điểm bất nhất. Một mặt khẳng định gia đình ông Ngụ được quyền sở hữu, sử dụng các loại tài sản, công trình và cây cối của vợ chồng Cảnh, Khanh tạo lập trên diện tích bị trả lại. Thế nhưng lại buộc ông Ngụ phải thanh toán giá trị các loại tài sản trên đất và công sức tôn tạo, tổng kinh phí trên 54.000.000 triệu đồng (?!).

Nhận thấy sự thật bị bóp méo, ông Ngụ đã có đơn khiếu nại. Viện KSND tối cao xét thấy yêu cầu nói trên của nguyên đơn phù hợp với thực tế. Về nguồn gốc chứng thực, năm 1995 ông Ngụ, và vợ là bà Phạm Thị Sáu cho con trai ½ thửa đất số 872. Ngày 10/6/1999 vợ chồng ông lập giấy chuyển nhượng 360m2 đất của thửa 872b cho cháu ruột là ông Cảnh. Giấy này có ghi ranh giới, có xác nhận của UBND xã nhưng không thể hiện giá chuyển nhượng.

Trước sau ông Ngụ bảo lưu ý kiến chỉ chuyển nhượng một lần 360m2 đất phía trước, có ghi tứ cận cụ thể với mức giá 13.500.000 đồng. Đồng thời ông Cảnh đã giao 2 lần tiền, lần một 6.000.000 đồng, lần hai 7.500.000 đồng.

Trong khi đó, ông Cảnh khăng khăng chú mình đã chuyển nhượng đất tổng cộng 2 lần, lần đầu 360m2 với giá 6.000.000 đồng, lần hai (không làm giấy tờ) mua diện tích còn lại với giá 7.500.000 đồng.

Ông Ngụ bị cướp đất trắng trợn.

Thực tế xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án, ngoài lời khai ra vợ chồng ông Cảnh không xuất trình được bất kỳ tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng thực việc ông Ngụ đã 2 lần bán đất. Nghiêm trọng hơn, cơ quan chức năng sau khi tiến hành kiểm tra đã xác định việc cấp giấy CNQSDĐ toàn bộ thửa 872b vào năm 2003 là không đúng về trình tự và nội dung theo quy định của pháp luật. Do đó, việc xác định “ông Ngụ chỉ chuyển nhượng cho ông Cảnh 360 m2 đất. Diện tích 405m2 còn lại thuộc quyền sử dụng của ông Ngụ là có căn cứ”.

Xét tổng thể các yếu tố, ông Cảnh và bà Khanh đã có hành vi tự ý lấn chiếm khi chưa được phép, nhất thiết cần tiến hành tháo dỡ phần đã xây dựng, cải tạo trên diện tích 405m2 để bàn giao lại nguyên hiện trạng. Nực cười thay, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại cố tình quy đổi giá trị đầu tư, buộc ông Ngụ phải chi tiền “hỗ trợ” theo cách lập luận trời ơi đất hỡi.

Viện KSND tối cao quyết định Kháng nghị đối với Bản án sơ thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội về phần buộc vợ chồng ông Ngụ phải thanh toán hơn 54 triệu đồng cho vợ chồng ông Cảnh.

Đồng thời, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy một phần bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, hủy một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DSST. Giao hồ sơ cho TAND tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định hiện hành.

Sau cùng, tạm đình chỉ phần bản án dân sự cho đến khi có Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Thanh Chương (Nghệ An): Cần xem xét trả lại đất để làm nơi thờ tự các liệt sỹ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Tác giả: VIỆT KHÁNH

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP