Đẹp

Tuýp kem chống nắng gian dối chỉ số SPF

Không phải loại kem chống nắng nào cũng đủ sức bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV. Việc sử dụng sản phẩm có chỉ số SPF quá thấp, làm tăng nguy cơ ung thư và nhiễm trùng cho người dùng.

Một lô sản phẩm kem chống nắng của thương hiệu Hanayuki bị phát hiện ghi sai chỉ số SPF, gây hiểu lầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Ảnh: @doandibang.

Gần đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã đình chỉ lưu hành và yêu cầu tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (100g) do ghi nhãn SPF 50 nhưng thực tế chỉ đạt SPF 2,4. Sản phẩm do Công ty TNHH VB Group phân phối, sản xuất tại Công ty CP Nhà máy y tế EBC Đồng Nai, đơn vị có liên quan đến chồng của Đoàn Di Băng.

Dù ban đầu Sở Y tế Đồng Nai xác định đây là vi phạm hành chính, Cục Quản lý Dược vẫn yêu cầu làm rõ thêm liệu sai phạm này có mang tính hệ thống hay chỉ là cá biệt. Nếu có hệ thống, hướng xử lý sẽ không chỉ dừng ở một lô sản phẩm.

Vụ việc đặt ra cảnh báo về tình trạng thổi phồng chỉ số chống nắng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng vào lớp bảo vệ ảo dưới vẻ ngoài hào nhoáng của nhiều sản phẩm chăm sóc da.

Chỉ số SPF ảo nhưng hại da là thật

Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS.BS Phạm Thị Uyển Nhi, Trưởng đơn vị thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da Liễu TPHCM, chỉ số SPF (Sun Protection Factor) đo khả năng kem chống nắng bảo vệ da khỏi tia UVB, nguyên nhân chính gây cháy nắng và tổn thương nghiêm trọng cho da.

Theo công thức tính chỉ số SPF, kem chống nắng SPF 2,4 chỉ bảo vệ được khoảng 53% tia UVB, hoàn toàn không đủ để bảo vệ da dưới ánh nắng gay gắt.

Trong khi đó, kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 đến 50 giúp bảo vệ lên tới 96,7% đến 98% tia UVB, được Bộ Y tế và Hiệp hội Da liễu Mỹ (AAD) khuyến cáo sử dụng, đặc biệt tại Việt Nam, nơi có cường độ tia UV rất cao.

Đoàn Di Băng từng quảng cáo cho sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body. Ảnh: @doandibang.

Bác sĩ Nhi cảnh báo việc dùng kem chống nắng có SPF thấp, hoặc sản phẩm kém chất lượng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như cháy nắng cấp tính với biểu hiện da đỏ, rát, phồng rộp.

"Người dùng sẽ tăng nguy cơ ung thư da, bao gồm ung thư biểu mô tế bào đáy, tế bào vảy và loại ung thư nguy hiểm nhất là melanoma", bác sĩ Nhi nói.

Ngoài ra, làn da có thể lão hóa sớm, xuất hiện nhiều nếp nhăn và đốm nâu do tổn thương collagen và elastin. Người dùng còn dễ bị suy giảm miễn dịch tại chỗ, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương da.

Bác sĩ Nhi cũng lưu ý viên uống chống nắng hiện chưa được Bộ Y tế cấp phép chính thức và không thể thay thế kem chống nắng bôi ngoài da mà chỉ nên phối hợp để tăng hiệu quả bảo vệ da.

Trong khi đó, luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm, theo quy định pháp luật cũng phải có trách nhiệm kiểm chứng tính chính xác của sản phẩm trước khi quảng bá. Trong trường hợp có vụ án hình sự liên quan gian lận thương mại, người nổi tiếng quảng cáo có thể bị xem xét với vai trò đồng phạm.

Bộ Y tế mạnh tay với hàng giả

Trong tháng 5/2025, Bộ Y tế Việt Nam đã triển khai một chiến dịch rà soát toàn diện các sản phẩm kem chống nắng trên toàn quốc, sau khi phát hiện lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body vi phạm nghiêm trọng về ghi nhãn và chất lượng.

Trước tình hình đó, Cục Quản lý Dược đã ban hành công văn số yêu cầu cơ quan chức năng các tỉnh thành rà soát toàn bộ phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có công dụng chống nắng đã được tiếp nhận, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định hiện hành về quản lý mỹ phẩm. Đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm thu hồi các số tiếp nhận phiếu công bố không đáp ứng quy định.

Song song đó, các cơ quan cần tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, đặc biệt là chỉ số SPF, để đảm bảo tính chính xác và an toàn cho người tiêu dùng.

Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm thực hiện đúng các quy định về quản lý mỹ phẩm và sẵn sàng cung cấp hồ sơ thông tin sản phẩm khi cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra chất lượng .

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế hôm 23/5, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh sự bùng nổ của thương mại điện tử và mạng xã hội khiến công tác kiểm soát sản phẩm y tế càng thêm khó khăn. Nhiều mặt hàng trôi nổi tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người tiêu dùng.

Do đó, việc kiểm tra, xử lý hàng giả cần thực hiện thường xuyên, không chỉ tập trung trong một tháng cao điểm. Đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử, người đứng đầu ngành y tế cho rằng cần tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm sản xuất kinh doanh thuốc giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng giả, thiết bị y tế giả.

Tác giả: Nguyễn Thuận

Nguồn tin: lifestyle.znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP