Khu đất 4ha tại phường Vinh Tân của Trường ĐH Công nghiệp Vinh đã chuyển nhượng cho doanh nghiệp. Ảnh: Q.ĐẠI |
Chuyển nhượng 4/6ha đất làm trường đại học
Trường ĐH Công nghiệp Vinh được thành lập vào năm 2008. Đây là trường đại học tư thục do các nhà đầu tư từ Hà Nội và TPHCM xây dựng. Mục tiêu của trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Nghệ An và các tỉnh lân cận.
Ngày 12.6.2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 920/QĐ - TTg về việc thành lập trường Đại học Công nghiệp Vinh, trụ sở tại đường Nguyễn Thái Học (TP.Vinh - Nghệ An). Để có đủ điều kiện thành lập trường, UBND tỉnh Nghệ An đã cho nhà đầu tư thuê 2 khu đất, tổng diện tích khoảng 6ha. Khu thứ nhất tại đường Nguyễn Thái Học - TP.Vinh, diện tích 1,03ha, khu thứ hai tại đường tránh Vinh, thuộc địa bàn phường Vinh Tân (5ha). Tại khu thứ nhất, nhà đầu tư đã xây dựng các công trình gồm khu nhà hiệu bộ, giảng đường, thư viện, xưởng cơ khí, khu sinh hoạt ngoài trời, ký túc xá… Nhà trường đã tuyển sinh và tiến hành các hoạt động tại khu thứ nhất. Còn khu thứ 2, nhà đầu tư để im lìm nhiều năm qua và sau đó đã làm thủ tục chuyển nhượng cho doanh nghiệp.
Theo Sở TNMT tỉnh Nghệ An, khu đất tại đường tránh Vinh, thuộc địa phận phường Vinh Tân là đất cấp cho trường ĐH Công nghiệp Vinh, đã quy hoạch là đất giáo dục. Tuy nhiên, sau đó, ĐH Công nghiệp Vinh đã thỏa thuận chuyển nhượng khu đất nói trên cho Công ty Emtech (sản xuất linh kiện điện tử của Hàn Quốc). Sở TNMT tỉnh Nghệ An xin ý kiến và ngày 15.7.2015, Bộ TNMT có công văn số 2862 thống nhất với đề nghị cho phép điều chỉnh quy hoạch từ đất giáo dục sang đất kinh doanh đối với khu đất nói trên. Do đó, UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép Công ty Emtech nhận chuyển nhượng của trường ĐH Công nghiệp Vinh, cho doanh nghiệp này thuê đất để sản xuất kinh doanh, hiện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khi phóng viên đề cập theo quy định, diện tích đất tối thiểu của Trường ĐH là 5ha, nay ĐH Công nghiệp Vinh chỉ còn 1,03ha tại Nguyễn Thái Học và 1ha tại phường Vinh Tân, liệu có đủ điều kiện tồn tại, đại diện Sở TNMT tỉnh Nghệ An thừa nhận diện tích còn lại của Trường ĐH Công nghiệp Vinh không đủ theo quy định, cần đối chiếu các quy định hiện hành để xử lý.
Như vậy, ban đầu, trường ĐH Công nghiệp Vinh đã xin đất để thành lập trường ĐH, đã được tỉnh Nghệ An đồng ý, và sau đó không triển khai xây dựng theo đúng quy hoạch, xin chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp, cũng được tỉnh Nghệ An cho phép. Vấn đề đặt ra là theo quy định hiện hành, cơ sở ĐH này không còn đủ diện tích tối thiểu để thành lập theo quy định. Tương lai của trường như thế nào đang là một câu hỏi cần giải đáp.
Quy mô ngày càng thu hẹp
Theo số liệu cập nhật, ở thời điểm hiện tại, Trường ĐH Công nghiệp Vinh (trụ sở tại đường Nguyễn Thái Học - TP.Vinh - Nghệ An) có 64 người nộp BHXH, trong đó chỉ có khoảng 30 giảng viên trong danh sách đóng BHXH, ngoài ra còn một số giảng viên khác đã nghỉ hưu, thỉnh giảng. Số lượng giảng viên như vậy là quá ít, tương đương số lượng giáo viên của một trường tiểu học nhỏ.
Theo số liệu của Trường ĐH Công nghiệp Vinh, từ năm 2008 đến năm 2016, Trường đã liên kết với Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh đào tạo được hơn 6.000 sinh viên các hệ: Đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề và trung cấp. Từ năm học 2014-2015, Trường bắt đầu công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trường đã và đang đào tạo 2.198 sinh viên các hệ. Số lượng sinh viên đang đào tạo tính đến ngày 31.12.2018 là 751 sinh viên. Đây là con số đáng báo động so với quy mô của một trường đại học.
Ngày 4.10.2019, Bộ GDĐT ra văn bản số 1131, thông báo 4 trường đại học buộc phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin và 5 trường đại học phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ Ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (chứng chỉ A, B, C), trong đó có Trường ĐH Công nghiệp Vinh, dừng từ ngày 26.9.2019 . |
Tác giả: QUANG ĐẠI
Nguồn tin: Báo Lao động