Giáo dục

Từ vụ học sinh bị cô giáo phạt 231 cái tát: Cần loại bỏ những giáo viên không xứng đáng

Theo GS.VS Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, giáo viên phạt tát học sinh 231 cái là hành vi xấu xa, xưa nay chưa có, không thể đổ lỗi cho áp lực thành tích.

Như đã thông tin, em Hoàng Long N., lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh (tỉnh Quảng Bình) nói tục ngoài sân trường, bị đội "cờ đỏ" ghi vào sổ, sau đó bị cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp tổng cộng 231 cái khiến em phải nhập viện chiều 19/11. Sự việc gây bức xúc, phẫn nộ đối với dư luận.

Chia sẻ quan điểm về vụ việc trên, GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, học sinh còn nhỏ mà chịu phạt bằng 231 cái tát phải nhập viện là hành vi đáng lên án. Trước đây điều này rất ít xảy ra, hình phạt nặng nề chỉ có ở thời phong kiến “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Ngày nay, pháp luật quy định rõ không được xúc phạm thân thể trẻ em, song vẫn có giáo viên cố tình vi phạm.

Em Hoàng Long N., lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh (tỉnh Quảng Bình) chịu phạt bằng 231 cái tát.

Cũng theo GS.VS Phạm Minh Hạc, nếu nói rằng vì áp lực mà phạt học sinh đến mức đó quả là hết sức vô lý. Áp lực thành tích, thi đua là tự giáo viên đặt cho nhau, tự tạo áp lực cho mình thôi, chứ trong giáo dục học trò không có kỷ luật nào phản cảm như thế. Với học sinh chưa ngoan, vẫn có phương án giáo dục, thậm chí kỷ luật mang tính giáo dục là chính.

GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng, cần loại bỏ những giáo viên không xứng đáng.

Đánh giá thực trạng hiện nay quy mô lớn số lượng hơn 1 triệu giáo viên, học sinh cũng tới trên 24 triệu học sinh, theo GS.VS Phạm Minh Hạc, những sai phạm của giáo viên rất có thể xảy ra vì quy mô lớn như vậy. Do đó, cần có những quy định cụ thể hơn về vấn đề này, từ các văn bản luật tới nội quy của nhà trường phải chú ý hơn, hạn chế những hành vi phản giáo dục xảy ra trong nhà trường.

“Trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay, đòi hỏi người giáo viên không chỉ là có trình độ, chuyên môn mà còn phải có phương pháp giáo dục đề cao vai trò của con người, đề cao tính nhân văn. Nhưng rõ ràng, ngành giáo dục cũng phải có sàng lọc, nếu những giáo viên không xứng đáng là thầy cô giáo thì nên xa thải, nên đi làm việc khác vì làm thầy không chỉ dạy chuyên môn và cả đạo đức, lối sống cho học sinh” - GS.VS Phạm Minh Hạc chia sẻ.

Tác giả: Quang Anh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP