Buổi sáng đi làm, hôm nào tôi cũng bắt gặp những xe ô tô sang trọng kéo cửa kính xuống để vứt vỏ hộp sữa, giấy ăn, ni lông và giấy báo gói xôi, thậm chí có lần tôi còn nhìn thấy cả tampon vệ sinh của phụ nữ.
Mới tuần trước, tôi đi bộ trên đường Chu Văn An, một con phố đẹp của Hà Nội, và bắt gặp một xe ô tô đỗ bên vệ đường, chủ xe kéo cửa kính bên phải để ném xuống một chai nhựa, bên trong có dung dịch màu vàng sủi bọt mà tôi đoán là nước tiểu.
Sống ở Hà Nội nhiều năm, tôi đã dành thời gian quan sát những người dọn dẹp chỗ ở của mình. Họ thu thập rác, nhưng chỉ để ném nó ra ngoài đường.
Tôi từng thấy người ta tiểu vào... máy hút ẩm, cũng từng nhìn thấy người ta tiểu vào lavabo rửa tay. Có lần, tôi bắt gặp một chị xinh đẹp cho con vào nhà vệ sinh, để con đi ngay trên lavabo rửa tay. Bị tôi hỏi tại sao lại làm vậy, chị nói là do cháu nhỏ quá không ngồi được xí bệt nên làm thế cho tiện. Hồi thang máy mới sử dụng cho các nhà cao tầng, thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp một bãi nước tiểu.
Không ít người có bằng cấp cao, mặc những bộ quần áo đắt tiền cũng vô ý thức như vậy. Điều đó làm tổn thương đến những công dân thành phố lớn vốn được gắn với tiếng thanh lịch, những người đang cố giữ cho thành phố của mình trở nên sạch sẽ.
Tôi quan sát thấy ngay cả những nơi có thùng rác thì người ta vẫn xả rác, ở những chỗ có nhà vệ sinh để duy trì sự sạch sẽ thì người lớn vẫn đứng tiểu tiện ven đường và cho con cái thoải mái phóng uế thay vì kéo chúng vào nhà vệ sinh.
Khi ra khỏi toilet, nhiều người chỉ nhớ vục vào lavabo để rửa mặt, họ quên mất việc phải rửa tay bằng xà phòng. Núm cửa nhà vệ sinh công cộng sẽ là nơi gieo rắc những mầm bệnh truyền nhiễm kinh khủng.
Tôi đến Nhật Bản, bị choáng ngợp bởi sự văn minh sạch sẽ của hệ thống nhà vệ sinh công cộng, nhưng tôi thật sự sốc khi đi trên đường phố thấy những nam nữ thanh niên mười chín đôi mươi cúi xuống nhặt từng mẩu thuốc lá do du khách vô ý vất xuống đường.
Chúng ta còn lâu mới có thể học tập được như nước Nhật, nhưng khi đến Singapore tôi tự hỏi, liệu chúng ta có thể học được họ?
Singapore duy trì sự sạch sẽ bằng chiến dịch chống lại những thói quen xả rác và phóng uế, họ thực thi nghiêm ngặt ngay tại chỗ. Người vi phạm lần đầu với lỗi nhỏ như vứt tàn thuốc lá hay bã kẹo cao su, sẽ bị phạt 300 dollars. Ném một vỏ chai nước ra đường sẽ bị coi là thách thức chính quyền, ngoài nộp phạt sẽ phải lao động công ích là làm sạch một khu vực, và trong lúc làm phải mặc một chiếc áo màu xanh cho tất cả mọi người nhận thấy.
Ở Singapore, không xả nước nhà vệ sinh công cộng là vi phạm pháp luật, đi tiểu trong thang máy sẽ có hệ thống báo động khóa cửa đợi cảnh sát đến bắt.
Để thực thi được công việc trong chiến dịch làm sạch đất nước, chính phủ Singapore đã phải chấp nhận khoản chi phí rất tốn kém để trả lương cho 713 cảnh sát/ 100.000 dân, cùng đội ngũ khá đông những nhân viên thực thi pháp luật.
Đi qua thời bao cấp nhưng một số người dân vẫn duy trì văn hóa hố xí "ngồi xổm". Nó làm cho tất cả các xí bệt nơi công cộng hôm nay luôn có những dấu chân người in hằn trên đó. Nhiều người giận dữ đến nỗi viết những dòng chữ có tính xúc phạm "Đái bậy là chó" lên tường. Thế nhưng nạn tiểu đường vẫn hiển hiện khắp mọi nơi.
Khi trong cộng đồng có không ít người tỏ ra thông cảm với hành vi cho đứa trẻ đi vệ sinh xuống phố giữa buổi chiều mưa rét, thì ý thức về vệ sinh công cộng của chúng ta đã bị tổn thương rất nặng nề.
Theo tôi, ngoài ý thức của người dân cần được cải thiện, muốn làm được những việc lớn, thì trước hết chính quyền phải cùng với người dân dọn sạch hết việc phóng uế bừa bãi đang tồn tại một cách hồn nhiên trên phố.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Tác giả bài viết: Trần Văn Phúc
Nguồn tin: