Giáo dục

Nghệ An nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non

Nghệ An là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 26 dân tộc. Bồi dưỡng đội ngũ là cách để nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Ảnh minh họa.

Nỗ lực nâng cao chất lượng

Năm học 2023-2024, Giáo dục mầm non (GDMN) Nghệ An có 556 trường mầm non và 322 cơ sở độc lập tư thục. Năm học 2022-2023 tỷ lệ huy động vào nhà trẻ đạt 22,5%, mẫu giáo đạt 91,5%, trẻ 5 tuổi 97,7%. Tổng số cán bộ quản lý (CBQL) là 1.353 người, giáo viên 13.017 người. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo 95%, trên chuẩn 78%; và mạng lưới, quy mô trường lớp cơ bản ổn định, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cao (71,2%) là một trong những căn nguyên quan trọng để GDMN Nghệ An đạt kết quả cao.

Tuy nhiên, Nghệ An đang gặp phải những khó khăn khách quan do địa bàn rộng, đa dạng về địa lý nên công tác chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị gặp khó khăn. Quy mô dân số tăng nhanh nhưng quy mô nhóm, lớp công lập không tăng do chính sách tinh giản biên chế. Cơ sở vật chất không đáp ứng đủ nhu cầu đến trường của trẻ, trong khi đó hệ thống cơ sở GDMN ngoài công lập ở khu vực đông dân cư vùng nông thôn còn hạn chế, đã tạo áp lực về tỷ lệ trẻ/lớp, nhất là vùng đô thị, đông dân cư và các khu công nghiệp tập trung.

Nghệ An chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDMN.

Tình trạng thiếu GV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng quá tải về cường độ lao động đối với GV và nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Đội ngũ CBQL, GVMN nhiệt huyết, đam mê với công việc nhưng còn một số hạn chế về công tác quản lý, chuyên môn; đó là ham học hỏi nhưng thiếu sự sàng lọc; năng động nhưng còn rập khuôn, máy móc, chậm đổi mới. Khắc phục tình trạng này, Nghệ An đã đẩy mạnh quản lý và chỉ đạo việc bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ CBQL và GVMN. Đây là bài học hết sức sinh động của một tỉnh có địa bàn rộng, dân cư đông và có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ

Để phát triển đội ngũ CBQL, GV có chất lượng, đáp ứng vai trò, vị trí và yêu cầu đổi mới giáo dục mang tính chiến lược, từ thực tiễn năng lực của đội ngũ CBQL và GVMN, trong thời gian qua, GDMN tỉnh Nghệ An đã thực hiện một số biện pháp quản lý, chỉ đạo bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ CBQL và GVMN. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các Phòng GD lựa chọn, đề xuất nội dung, hình thức, đối tượng bồi dưỡng cấp tỉnh, cấp huyện.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá, theo dõi năng lực quản lý và kỹ năng nghiệp vụ của giáo viên, trên cơ sở các nội dung tập huấn, bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã xây dựng, phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng tập huấn, phối hợp với các phòng ban chuyên môn của Sở, phân công bố trí báo cáo viên chuẩn bị nội dung bồi dưỡng theo phương châm “lấy người học làm trung tâm”, chú trọng năng lực thực hành, giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để có sự thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ GDMN từ tỉnh xuống cơ sở.

Nâng cao năng lực, chuyên môn GVMN là tiền đề quan trọng để chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục trẻ chất lượng.

Để khắc phục được thói quen tiếp nhận thông tin quản lý theo kiểu cầm tay, chỉ việc, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về kiến thức pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật trong các hoạt động quản lý chưa đầy đủ, dẫn đến nguy cơ xảy ra sai phạm trong công tác quản lý, thiếu chủ động trong triển khai thực hiện - Sở GD&ĐT đã xây dựng các mô-đun bồi dưỡng. Trong đó đặt ra yêu cầu trong việc xây dựng kế hoạch chiến lược nhà trường, kế hoạch hoạt động, kế hoạch giáo dục nhà trường; công tác quản trị các hoạt động cơ sở GDMN.

Cùng với đó, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, điều chỉnh và khắc phục kịp thời các yếu tố gây mất an toàn cho trẻ của người quản lý cơ sở GD. Mời chuyên gia tâm lý về bồi dưỡng kỹ năng mềm cho CBQL, GVMN về: Xây dựng trường học hạnh phúc, hướng dẫn công tác quản lý bán trú, công tác quản lý tài chính, tài sản. Trên cơ sở các mô đun đã xây dựng, trong từng năm học tổ chức bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến cho 100% hiệu trưởng các cơ sở GDMN toàn tỉnh để từng bước khắc phục điểm yếu trên.

Đối với giáo viên, tỉnh Nghệ An cũng cho xây dựng các mô đun bồi dưỡng phát triển năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên như: Kỹ năng xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch GD nhóm lớp, hoạt động bán trú. Xây dựng quy tắc ứng xử trong trường mầm non. Thực hiện chương trình GDMN. Đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục “Lấy trẻ làm trung tâm”, giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội, kỹ năng ứng xử các tình huống sư phạm, kỹ năng tuyên truyền. Đảm bảo an toàn, phòng chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN.

Tăng cường bồi dưỡng CBQL và GVMN, Nghệ An đặc biệt chú trọng hướng dẫn phát triển chương trình GDMN phù hợp với bối cảnh địa phương. Hướng dẫn xây dựng, sử dụng bộ công cụ đánh giá thực hiện chương trình GDMN. Bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp phát triển chuyên môn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng phương pháp giáo dục tiến tiến trong thực hiện chương trình GDMN. Đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng tổ chuyên môn và hướng dẫn khai thác, sử dụng môi trường giáo dục theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm hiệu quả, thiết thực.

Tác giả: Hà An

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP