Thế giới

Trung Quốc phát tờ rơi xuyên tạc về biển Đông tại Shangri-La

Tờ rơi gồm hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Hoa, trong đó bản tiếng Hoa cung cấp thông tin hoàn toàn xuyên tạc sự thật cho rằng toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc.


Tờ rơi tiếng Hoa gồm những nội dung xuyên tạc về Biển Đông mà Trung Quốc chủ ý phát cho các đại biểu quốc tế tại Đối thoại Shangri-La - Ảnh: V.T.

Chiều 3-6, ngay sau cuộc tiếp xúc song phương với đoàn quốc phòng Việt Nam, đoàn Trung Quốc đã phát tờ rơi có nội dung xuyên tạc về chủ quyền ở Biển Đông cho các đại biểu quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ từ Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết trong cuộc họp song phương, phía Trung Quốc yêu cầu Việt Nam đừng nêu vấn đề biển Đông tại diễn đàn.

Tuy nhiên ngay sau khi kết thúc họp song phương, đoàn Trung Quốc lập tức phát tờ rơi cho các đại biểu nhằm tuyên truyền những luận điệu sai trái của nước này về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Tờ rơi gồm hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Hoa, có nội dung hoàn toàn khác nhau. Trong khi tờ rơi tiếng Anh cung cấp thông tin về quá trình phát triển quân đội của Trung Quốc thì bản tiếng Hoa cung cấp thông tin hoàn toàn xuyên tạc sự thật cho rằng toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc.

Nội dung tờ rơi viết: Các đảo của Trung Quốc bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa, và quần đảo Nam Sa (là Trường Sa của Việt Nam). Bốn quần đảo này đều hợp thành lãnh thổ của Trung Quốc.

Về quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc trắng trợn viết: “Một số nước xung quanh biển Đông đã đưa quân xâm chiếm các đảo, dẫn đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Trường Sa hiện nay và Trung Quốc là quốc gia phát hiện sớm nhất, đặt tên, và khai thác quần đảo Trường Sa”.

Trong tờ rơi, Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng yêu cầu lãnh thổ của các nước khác đối với quần đảo Trường Sa không phù hợp với luật pháp quốc tế:

“Theo luật pháp quốc tế, tranh chấp chủ quyền có những đặc tính mang tính loại trừ. Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa từ xa xưa đã được thiết lập, bất kỳ nước nào khác cũng không thể yêu cầu chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nếu không sẽ đi ngược lại nghĩa vụ của mình đối với việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác”.

Ngoài ra, theo nội dung tờ rơi, Trung Quốc cho rằng vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp và nhạy cảm, con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề này là đàm phán trực tiếp giữa các nước liên quan.

Bắc Kinh còn cho rằng ASEAN là một tổ chức khu vực, không thể tham gia phán quyết với tư cách là một đương sự trong tranh cãi này.

Tác giả bài viết: Quỳnh Trung (từ Shangri-La)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP