TP.HCM có ngày phát hiện 667 trường hợp nghi mắc COVID-19 |
Chiều 25-6, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các quận huyện và TP Thủ Đức về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tham dự cuộc họp có ông Trương Hòa Bình - phó thủ tướng Thường trực Chính phủ và ông Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế.
667 ca nghi mắc trong 24 giờ, hầu hết trong khu cách ly, phong tỏa
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ 6h ngày 24-6 đến 6h ngày 25-6, TP.HCM ghi nhận 667 trường hợp nghi mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca nghi nhiễm cao nhất trong đợt "sóng" dịch COVID-19 thứ 4 ở TP.HCM.
Theo ông Phong, trong số 667 ca nghi nhiễm có 637 trường hợp trong khu cách ly và khu phong tỏa. Trong đó xét nghiệm lần 1 phát hiện 275 người, nhưng đến lần 2 lại phát hiện thêm 260 người.
Ngoài ra, có 1 trường hợp do xét nghiệm mở rộng ở chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú - có liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn).
Theo nhận định của Chủ tịch UBND TP, nhìn con số tổng thể ca nghi nhiễm hôm qua lớn, nhưng số này phát hiện hầu hết trong khu cách ly, khu phong tỏa. Ngoài cộng đồng chỉ có khoảng 10 trường hợp đang điều tra mà những trường hợp này vẫn chưa thể khẳng định là chưa rõ nguồn lây.
Thông tin thêm về 667 ca nghi mắc COVID-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết trong số này có 99 trường hợp trong khu phong tỏa; 538 trường hợp trong khu cách ly;
14 trường hợp được phát hiện qua tầm soát, sàng lọc khi khám tại bệnh viện (1 tại bệnh viện quận 12; 1 tại bệnh viện Lê Văn Thịnh; 2 tại bệnh viện Đại học Y Dược; 2 tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương; 2 tại bệnh viện Thống Nhất; 1 tại bệnh viện Quốc Ánh; 1 tại bệnh viện Bình Tân; 1 tại bệnh viện Ung bướu; 1 tại Trung tâm Y tế Thủ Đức; 1 tại bệnh viện Vạn Hạnh; 1 trường hợp bị phơi nhiễm nghề nghiệp, là hộ lý đang công tác tại Trung tâm Y tế Bình Thạnh (qua xét nghiệm tầm soát);
1 trường hợp được phát hiện khi thực hiện mở rộng xét nghiệm, 2 trường hợp giám sát sau cách ly tập trung, 2 trường hợp nhập cảnh, 10 trường hợp đang điều tra.
Có thể phải tính phương án 'sống chung với lũ'
Theo giám đốc HCDC, thời gian tới TP.HCM cần bảo vệ những nhóm đối tượng có nguy cơ, có bệnh nền bằng tiêm vắc xin phòng COVID-19. Trong ảnh: Người dân tiêm vắc xin AstraZeneca tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP.HCM trưa 25-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Trao đổi tại cuộc họp, ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết số bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng và triệu chứng nặng đang thấp hơn giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4.
Cụ thể, hiện nay 68% bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị không có triệu chứng, chỉ 1,3% bệnh nhân có triệu chứng nặng (31 trường hợp). Trong khi đó, trong thời gian đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, có 68% bệnh nhân có triệu chứng.
"Qua những con số trên, tôi nhận định những ca chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất mơ hồ. Các ca chỉ điểm hầu hết mắc bệnh ở mức độ nhẹ, nếu không đi khám, họ sẽ bị bỏ qua và chúng ta chậm hơn dịch bệnh là điều tất yếu", ông Nguyễn Trí Dũng nói.
Giám đốc HCDC thông tin virus SARS-CoV-2 sau khi lây truyền qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện 2 trạng thái. Trạng thái đầu tiên là độc lực gia tăng, trạng thái tiếp theo là độc lực sẽ giảm. Khi độc lực của SARS-CoV-2 giảm, sự lây lan vẫn tồn tại nhưng người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.
"Có thể chúng ta cần tính tới phương án sống chung với lũ. Nghĩa là chúng ta chỉ truy tìm rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước", ông Nguyễn Trí Dũng nói.
Theo ông Dũng, thời gian tới, TP.HCM cần bảo vệ những nhóm đối tượng có nguy cơ, có bệnh nền. Những người này cần được tiêm vắc xin phòng COVID-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Còn những đối tượng khác có thể coi là mắc cúm.
Ông Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh đây là giải pháp TP.HCM có thể tính tới trong giai đoạn tiếp theo. Còn hiện tại, ngành y vẫn cần truy vết, xử lý với tốc độ nhanh nhất.
Tác giả: TIẾN LONG - THẢO LÊ
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ