Trong tỉnh

TP Vinh, tỉnh Nghệ An: Cần xem xét quyền lợi chính đáng của nông dân!

Ruộng đất người dân khai hoang, canh tác ba, bốn chục năm, vậy mà khi bị thu hồi dể phân lô, bán nền lại không được bồi hoàn, hỗ trợ. Khó hiểu hơn, các cấp tòa không làm rõ nguyên nhân ruộng "bỏ hoang", người dân cho rằng quyền lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại một cách nghiêm trọng…

Nội dung vụ việc

Năm 2016, UBND TP Vinh, tỉnh Nghệ An thu hồi hơn 9 ha đất tại khối 9, phường Quán Bàu để triển khai Dự án phân lô bán nền. Điều đáng nói, trong số hàng chục hộ bị ảnh hưởng có tới 10 hộ không được bồi thường, hỗ trợ và cũng không có quyết định thu hồi... Bà Lê Thị Châu, 70 tuổi bức xúc: "Gia đình tôi khai hoang từ năm 1976 và sử dụng trồng lúa, màu tại các thửa 245, 255, 258, 261 và 264 (diện tích gần 1.500m2) nhưng khi thu hồi lại không có quyết định và cũng không được bồi thường, hỗ trợ. Cho dù, chính quyền công nhận tôi canh tác từ 1992".

Đồng cảnh ngộ, bà Bùi Thị Thuân, 59 tuổi nói: "Gia đình tôi có 5 thửa (tổng diện tích 2.314m2) nguồn gốc là đất khai hoang từ trước năm 1980, bị thu hồi để phân lô bán nền. Chính quyền địa phương cho rằng, tôi không cung cấp được giấy tờ tài liệu gì để được bồi thường, mặc dù cả UBND phường và TP Vinh đều thừa nhận gia đình tôi sử dụng đất từ 1992. Họ còn nói chúng tôi chỉ canh tác đến 2012 thì bỏ hoang do ngập. Nhưng, ngập do đâu? Do khi làm đường Lê Ninh bịt ngang mương thoát nước gây úng cả vùng chứ có riêng khu vực này!? Sự thực, khi bị ngập chúng tôi cũng không bỏ hoang mà chuyển đổi sang thả rau muống, thả sen, thả cá. Khi cưỡng chế gia đình tôi còn bị vùi lấp hết chục triệu đồng tiền cá vì chưa thu hoạch kịp"!

Mương tiêu nước bị đường Lê Ninh đè kín và xác nhận của các nhân chứng sống

Kèm theo lời "tố khổ", người dân cung cấp cho nhà báo khá nhiều tài liệu. Đó là những biên bản cuộc họp, những báo cáo, quyết định "giấy trắng mực đen" của chính quyền địa phương; là những tấm hình chụp mương thoát nước bị đường Lê Ninh bít kín; là bản ảnh hiện trạng thả rau muống, thả sen kèm xác nhận của nhân chứng sống, v.v... Với những tài liệu trên người dân cho rằng, lí do để không bồi hoàn, hỗ trợ là hết sức khiêm cưỡng, không khách quan. Chính quyền TP Vinh đã quá máy móc, dựa vào những tài liệu thiếu chính xác, mâu thuẫn và né tránh sự thật!?...

Có thể đơn cử, thửa 258, khi chính quyền địa phương cho rằng, theo bản đồ 2001 là mặt nước hoang (Mn/Hg) và theo sổ mục kê là "chưa sử dụng". Vậy nhưng, hầu như trong tất cả các báo cáo, quyết định giải quyết khiếu nại của phường và thành phố đều khẳng định "các hộ sản xuất lúa từ 1992 cho đến năm 2011". Tương tự, thửa 261, theo chính quyền, bản đồ 2001 và sổ mục kê ghi là đất hoang (Hg/b), song trong các báo cáo, quyết định lại rành rõ: "Thực tế hộ bà Lê Thị Châu có trồng lúa trên thửa đất này từ 1993"! Một ví dụ khác, chính quyền kết luận thửa 264, theo bản đồ 2001 và sổ mục kê là nghĩa địa (NĐ), tuy nhiên trong các báo cáo và quyết định lại thừa nhận: "Các hộ sản xuất trồng màu từ khoảng năm 1993"! Chưa hết, một trong những nguyên nhân bản đồ và sổ mục kê sai đã được ông Trần Văn Quyết, nguyên kế toán trưởng HTX Hưng Đông 2, "ghi nhận" tại biên bản làm việc với Đoàn xác minh 7932 của TP Vinh, ngày 7/2/2028: Thửa 258 là đất HTX cho các hộ mượn năm 1992, thực tế là đất trồng lúa 1 vụ nhưng khi lập bản đồ năm 2001, vào thời điểm nước ngập nên sổ ghi là "đất chưa sử dụng", còn bản đồ là mặt nước hoang (Mn/Hg)!

Tòa án “vô ý” bỏ qua tình tiết có lợi cho người dân

Tuy nhiên, tài liệu sai hay đất không có trong sổ khoán, "xét cho cùng", cũng không quan trọng. Theo quy định, kể cả đất lấn chiếm nhưng chỉ cần thừa nhận canh tác trước ngày 1/7/2004 là được bồi thường theo Khoản 2, Điều 77, Luật Đất đai năm 2013 (đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 1/7/2004 không có giấy chứng nhận - sổ đỏ - hoặc không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng). Pháp luật là thế, song chính quyền lại cho rằng dân bỏ hoang đất để thoái thác trách nhiệm bồi hoàn. Do đó, cực chẳng đã, các hộ dân phải “đáo tụng đình”. Thế nhưng, buồn thay, TAND tỉnh Nghệ An lại "xử” mà không “xét", khi “vô ý” bỏ qua tình tiết hết sức quan trọng, cốt lõi, đó là nguyên nhân đất "bỏ hoang từ 2011" (như đã trình bày, sự thực người dân không bỏ hoang hoàn toàn)!

Trong nhiều văn bản như: Quyết định số 91/QĐ -UBND ngày 3/4/2027, các quyết định giải quyết khiếu nại và ngay tại các phiên sơ thẩm,.. UBND phường Quán Bàu và các cấp tòa cũng khẳng định: Các hộ gia đình sử dụng đất đến năm 2011 thì "bỏ hoang do ngập úng". Vậy là đã rõ: Nguyên nhân bỏ hoang bởi ngập!

Người dân cho rằng, ngập là do đường Lê Ninh như con đê chặn ngang mương thoát 317+562, gây úng cả khu vực rộng lớn chứ không riêng ruộng của 10 hộ nguyên đơn. Điều này được chứng minh bằng ảnh, bằng phóng sự trực tiếp của Đài PT&TH địa phương, bằng xác nhận của những "nhân chứng sống"... Không chỉ thế, tại buổi đối thoại với 10 hộ dân (do UBND TP Vinh tổ chức), thiếu tá Nguyễn Văn Quảng, Phó trưởng Công an phường Quán Bàu đã "khẳng khái": "Lí do các hộ bỏ hoang là do không có mương tiêu thoát nước". Tại bản án sơ thẩm (số 22, ngày 3/10/2019) của TAND tỉnh Nghệ An cũng ghi nhận: "Từ 2011 sau khi làm đường Lê Ninh thì ngập úng, hộ bà Châu không sản xuất nữa". Như vậy, thủ phạm gây ngập đã rõ, nào phải lỗi của người dân. "Là những hộ thuần nông, tất cả chỉ trông vào mảnh ruộng, chúng tôi có phát điên đâu mà tự gây ngập, hất đổ đọi cơm của gia đình?" - bà Châu gay gắt!

"Việc làm đường gây ngập là sự thật hiển nhiên. Đây là trở ngại khách quan, thuộc trường hợp bất khả kháng, người dân không thể tự mình khắc phục" - một luật sư khẳng định và cho biết.

Một tình tiết cũng rất đáng lưu tâm, có lẽ do thấy dân quá “thua thiệt”, nên kiểm sát viên Trương Thị Kim Duyên, đại diện Viện KSND Nghệ An tại phiên xử vụ kiện của bà Thuân đã lên tiếng (có ghi rõ trong bản án): Gia đình nguyên đơn "trước đây có công khai hoang, làm nghĩa vụ về đất là thực tế, đề nghị UBND TP Vinh xem xét hỗ trợ một phần để đảm bảo quyền lợi cho gia đình".

Mở cuốn sổ đỏ cấp năm 2013 và tờ bản đồ số 22, bà Châu thắc mắc: "Cả tấm bản đồ với trăm thửa lúa, màu, mặt nước hoang, "nghĩa địa" của 63 hộ đều bị ngập, "bỏ hoang từ 2011". Vậy mà, có thửa được cấp sổ đỏ năm 2013 như của tôi đây, có thửa không được cấp nhưng lại được bồi hoàn... Xin hỏi, tòa và bị đơn sẽ giải thích ra sao? Còn nữa, nói ruộng chúng tôi canh tác là nghĩa địa, có mộ xây kiên cố thì có tất cả bao nhiêu mộ và khi phân lô, bán nền di dời mộ đi đâu hay đổ đất chôn lấp hết"?...

Tác giả: Mạc Hồng Kỳ - N.P.Uyên

Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP