Trong tỉnh

Nghệ An: "Bát nháo" sử dụng đất cho phân lô bán nền ở huyện Đô Lương

Thời gian gần đây trên địa bàn các xã Tân Sơn, Minh Sơn, Mỹ Sơn(Đô Lương, Nghệ An)đã xảy ra tình trạng lấy đất “bát nháo” để sử dụng san lấp tại các công trình phân lô bán nền do UBND huyện làm chủ đầu tư.

"Bát nháo" đất tặc

Ngày 14/11, PV đã có mặt tại các công trình quy hoạch phân lô bán nền trên địa bàn các xã để tìm hiểu sự việc. Đúng như phản ánh, tại các xã Mỹ Sơn, Minh Sơn, Tân Sơn, không mấy khó để bắt gặp những chiếc xe có trọng tải vận chuyển đất từ trong nhà dân ra khu vực san lấp. Những chiếc xe ì ạch "ăn" đất từ trong nhà dân ra chia ra nhiều hướng để đi tới chân các công trình cần được san lấp.

Điểm lấy đất tại nhà dân thuộc xóm 5 xã Minh Sơn

Hiện tại, trên địa bàn huyện Đô Lương, nhu cầu về đất san lấp mặt bằng, phục vụ thi công công trình rất lớn. Các “đầu nậu” tìm đến các hộ dân có đất đồi, đất vườn để mua đất. Họ "bắt tay" nhau xin phép cơ quan chức năng cải tạo, hạ độ cao khu vực đất sản xuất rồi lấy đất đem bán.

Ông N.V.H, một “đầu nậu” mua đất ở huyện Đô Lương cho biết, giá đất san lấp bán tại mỏ dao động từ 25-30 ngàn đồng/1 khối, đất tốt tính theo hệ số K giá 80 -100 ngàn đồng/1 khối. Vì vậy, mức giá trung bình của một chuyến xe chở đất cỡ nhỏ cũng phải trên 600 ngàn đồng.

Theo ông H, lấy lý do cải tạo đất, việc xin giấy phép được dễ dàng hơn xin cấp mỏ khai thác. Ngoài ra, thủ tục xin phép cũng không phức tạp, tiền nộp thuế cho Nhà nước ít hơn.

Chính quyền liệu có “ tiếp tay” cho “ đất tặc”

Qua tìm hiểu của PV những điểm được đổ đất tại 3 xã nói trên là khu vực quy hoạch phân lô bán nền do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư. Sau khi, liên hệ nhiều lần để làm việc với UBND huyện và đề nghị tiếp cận với hồ sơ thủ tục thì phía ban quản lý dự án của huyện chỉ trình ra hồ sơ dự toán của 3 xã Mỹ Sơn, Minh Sơn và Tân Sơn... ngoài ra không có bất kỳ giấy tờ thủ tục nào nữa.

Khu phân lô bán nền thuộc xã Mỹ Sơn ( Đô Lương)

Trao đổi với PV ông Trần Văn Sơn – Trưởng ban quản lý dự án huyện Đô Lương cho biết: “Hiện nay, huyện Đô Lương chưa có mỏ đất nào, trong vòng bán kính 2km chỗ nào có thể lấy đất được thì chúng tôi đều phê duyệt cho lấy, trước khi lấy chúng tôi đều có kiểm định và chắc là đất san lấp thì ở đâu cũng đạt độ K thôi.”

Khi PV yêu cầu tiếp cận với các kết quả kiểm định các mẫu đất, cũng như các thủ tục liên quan đến đóng thuế đất thì ông Sơn cho biết thêm: “Do huyện không có mỏ nên không công khai đóng thuế mà chỉ ghi lại số lượng đầu ra ở các xã rồi tổng hợp về sau." Còn mẫu kiểm định đất thì không được vị lãnh đạo này đả động đến, sau khi được hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Huyện Đô Lương đã làm đúng theo luật quản lý tài nguyên khoáng sản hay chưa? Và việc cho phép khai thác đất như vậy liệu có hợp lý? Hay là cái cớ để tiếp tay cho "đất tặc" lộng hành. Xin gửi các câu hỏi trên tới các cấp nghành liên quan trả lời.

Tác giả: Bảo Trâm

Nguồn tin: dailo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP