Trong tỉnh

TP Vinh: Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đất đai

Trước đây người dân làm thủ tục đất đai thường thấp thỏm lo hồ sơ “có vấn đề”, quá trình xử lý bị kéo dài, thì nay người dân TP Vinh ngồi nhà vẫn có thể biết hồ sơ của mình đã được đưa tới khâu nào. Từ bước tiếp nhận đến trả kết quả đều có tin nhắn thông báo rõ ràng.

Tin nhắn “nhắc nhở”

Đến làm thủ tục tại bộ phận “1 cửa” TP Vinh, ông Phạm Thanh Sơn (ngụ phường Hưng Phúc, TP Vinh) ngạc nhiên khi vừa nộp hồ sơ đã ngay lập tức nhận được tin nhắn thông báo từ “VP_DAT_VINH” với nội dung “Văn phòng ĐKQSD đất TP Vinh thông báo: Bộ phận một cửa đã tiếp nhận hồ sơ Cấp giấp chứng nhận lần đầu của ông/bà”, kèm theo mã số hồ sơ.

Cán bộ đăng ký còn cho biết, khi hồ sơ này chu chuyển cho các bộ phận giải quyết hoặc có vấn đề gì phát sinh thì người dân sẽ được thông báo qua tin nhắn SMS Brandname “VP_DAT_VINH”, cụ thể các nội dung: Thông báo tiếp đã nhận hồ sơ; Thông báo bổ sung hồ sơ; Thông báo chậm thời gian giải quyết hồ sơ; Thông báo đã chuyển hồ sơ cho cơ quan thuế; Thông báo đã có kết quả và số tiền thuế phải nộp; Thông báo đã có kết quả giải quyết hồ sơ. Nhờ hệ thống tin nhắn “nhắc nhở” này, ông Sơn và nhiều người dân TP Vinh có thể yên tâm theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ của mình, kịp thời giải quyết thiếu sót (nếu có) mà không mất công chờ đợi, đi lại.

Tin nhắn từ “VP_DAT_VINH” thông báo tiến độ xử lý hồ sơ đất cho người dân.

Ông Lê Quốc Tuấn, Giám đốc Văn phòng ĐKQSDĐ TP Vinh cho biết, đó là một trong những tiện ích của việc ứng dụng phần mềm quản lý đất đai (Vland) của TP Vinh, nằm trong chương trình ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính (CCHC). Phần mềm này được giao cho Văn phòng ĐKQSDĐ triển khai xây dựng từ tháng 10/2017, áp dụng thử nghiệm từ tháng 5/2018 và thực hiện thường xuyên cho đến nay, được đánh giá đạt 80% công việc đề ra. Hiện đang hoàn thiện để trình Sở Thông tin Truyền thông thẩm định, sớm đưa vào ứng dụng và đấu nối với phần mềm hành chính công chung của tỉnh.

Vinh là thành phố có tình trạng biến động đất đai nhanh bởi tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu sang nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chia tách sát nhập địa giới hành chính… tăng nhanh qua từng năm. Dù cơ quan chức năng đã có những biện pháp CCHC tích cực, nhưng công tác cập nhật, đo đạc địa chính còn gặp một số khó khăn như: không cập nhật kịp thời dẫn đến khó khăn trong quản lý nhà nước về đất đai; việc lưu trữ tài liệu trên địa bàn không đầy đủ; công tác quy hoạch phân khu, cắm mốc, số hóa hồ sơ đất đai còn hạn chế vì thiếu kinh phí…

Xác định ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý đất đai có vai trò quan trọng, tạo bước đột phá trong công tác quản lý, CCHC, góp phần giải quyết một số tồn tại về quản lý nhà nước về đất đai, thời gian qua Thành phố đã chỉ đạo Văn phòng ĐKQSDĐ xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) và hệ thống thông tin đất đai.

Phần mềm và CSDL được ứng dụng sẽ hỗ trợ tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay; góp phần giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí và tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước về đất đai, tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu đạt được một số kết quả khả quan.

Đối với khách hàng, qua tin nhắn có thể biết trước thời gian, tiến độ, số tiền thuế phải nộp, hồ sơ đang cần bổ sung…mà không cần đến bộ phận một cửa theo giấy hẹn, để chủ động công việc và tiết kiệm thời gian; kết quả bước đầu cho thấy hành thức này đã có phản hồi tích cực từ phía khách hàng.

Việc ứng dụng CNTT giúp công tác quản lý đất đai hiệu quả, minh bạch hơn.

Ngoài ra phần mềm công nghệ hỗ trợ hữu ích giúp các cán bộ của phòng, ban liên quan dễ dàng chia sẻ, khai thác thông tin. Công tác quản lý đất đai, xử lý hồ sơ ở các khâu nghiệp vụ đảm bảo nhanh, chính xác hơn, tạo phong cách làm việc khoa học, hiện đại, minh bạch hơn, như: tự động tính toán hẹn ngày đối với từng loại hồ sơ, kiểm soát thời gian xử lý của cán bộ; tự động cảnh báo các trường hợp đang có đơn thư, ngăn chặn khi nhập các thông tin trùng lặp; kiểm soát được nguồn gốc, quá trình hình thành và biến động của thửa đất; tự động cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính theo pháp luật quy định.

Đặc biệt, thông tin liên quan đến thửa đất của người dân được bảo mật, các dữ liệu nhạy cảm đều được mã hóa bằng thuật toán đảm bảo tính an toàn.

Giảm tải áp lực

Qua quá trình ứng dụng, ông Tuấn đánh giá việc xử lý hồ sơ chuyên nghiệp hơn, giải quyết các thủ tục nhanh gọn, đúng pháp luật, thống kê báo cáo dễ dàng, kịp thời.

Người dân được hưởng lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, được công khai minh bạch các thủ tục kịp thời và thuận lợi nhất. So với trước đây, cán bộ chuyên môn cũng tiết kiệm được rất nhiều thời gian và xử lý chính xác, minh bạch hơn trong thực thi công vụ. Hiệu quả và năng suất lao động tăng, có ngày cao điểm, bộ phận “một cửa” TP tiếp nhận, giao dịch trên 200 trường hợp nhưng vẫn được giải quyết kịp thời. Trong 10 tháng đầu năm 2018, TP đã cấp giấy chứng nhận, thực hiện quyền cho hơn 23.000 trường hợp; phát hành giấy chứng nhận, lưu trữ, cung cấp thông tin về đất đai cho gần 63.000 trường hợp.

Ngày cao điểm, bộ phận “một cửa” TP tiếp nhận, giao dịch trên 200 trường hợp về đất đai.

Tuy nhiên, quá trình ứng dụng công nghệ trong thủ tục đất đai ở TP Vinh còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại TP đang khai thác nguồn dữ liệu cũ, chưa đầy đủ thông tin, tài liệu chưa được số hóa nên việc chuẩn hóa đang mất nhiều thời gian và kinh phí. Hiện nay, Văn phòng đang trình UBND thành phố phê duyệt dự án số hóa tài liệu lưu trữ để chuẩn hóa, tích hợp vào phần mềm Vland giúp công tác quản lý, khai thác đảm bảo thuận lợi, khoa học và ổn định lâu dài hơn.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, ông Tuấn cho biết, ứng dụng CNTT trong thủ tục hành chính là chủ trương đúng đắn, đóng góp vai trò quan trọng, tạo bước đột phá trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, góp phần giải quyết một số tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Đây cũng là chủ trương chung của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập trong tương lai.

Với lĩnh vực đất đai mang nhiều đặc thù phức tạp, sắp tới Văn phòng tiếp tục nghiên cứu phát triển, nâng cấp phần mềm, tạo ra thêm nhiều tiện ích, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2019 sẽ triển khai đến các phường, xã trong thành phố và đấu nối, chia sẽ thông tin với phần mềm giải quyết thủ tục hành chính công của tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Người dân đến làm thủ tục đất đai đều được phát hướng dẫn cách bảo quản sử dụng Giấy chứng nhận đúng quy định.

Năm 2018, TP Vinh là 1 trong 7 đơn vị thực hiện điểm về cải cách hành chính tỉnh Nghệ An. Ngoài việc triển khai phần mềm quản lý đất đai. Để giảm thời gian giải quyết các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hồ sơ cho công dân, giảm tải các khâu luân chuyển hồ sơ giữa các phòng ban, UBND TP đã mạnh mẽ sửa đổi, thay thế một số quy trình thủ tục nhằm giảm bớt các khâu trung gian như thủ tục chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất “nguyên thửa” sau khi hoàn thành chứng thực hợp đồng, công dân nộp trực tiếp cho Văn phòng ĐKQSDĐ (qua bộ phận một cửa) mà không phải qua UBND phường, xã xác nhận tờ khai như trước đây. Hay giảm bớt các khâu trung gian “không qua phòng Tài nguyên và Môi trường” đối với một số thủ tục chuyển nhượng, cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng tại các dự án đô thị, đo đạc tách thửa, tổ chức đến tận khối, xóm để hướng dẫn người dân kê khai và thực hiện tiếp nhận hồ sơ.

Tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân biết cách bảo quản sử dụng Giấy chứng nhận đúng quy định, kê khai thuế phi nông nghiệp hay các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thông qua phát tờ rơi sau khi nhận Giấy chứng nhận tại một cửa, nhằm nâng cao ý thức hiểu biết pháp luật về đất đai cho nhân dân.

Tác giả: Kim Long

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP