Có mặt tại đường 35m (đường nối từ QL46 đến đường sinh thái ven sông Lam) vào những ngày đầu tháng 11/2018, chúng tôi ghi nhận nhiều điểm đổ rác thải tràn lan, kéo dài hàng trăm mét khiến môi trường bị ô nhiễm.
Điểm tập kết rác thải tại đường Nguyễn Viết Xuân – phường Hưng Dũng |
Được biết, đây là tuyến đường nằm trong Dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu Dự án Thành phố Vinh, thực hiện từ vốn vay của Ngân hàng thế giới - WB và vốn đối ứng. Con đường này dù mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng chưa đầy 1 năm nhưng nhiều địa điểm đã bị người dân thiếu ý thức đem rác thải ra đổ ngay sát mép đường.
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực gần cầu Rào Đừng, thuộc xã Hưng Lộc gần đấy xuất hiện hàng trăm mét khối rác thải với đủ chủng loại. Từ rác thải sinh hoạt đến rác thải xây dựng đổ kéo dài hàng trăm mét tràn ra cả mép đường, số còn lại soán hết hành lang an toàn giao thông và tràn xuống cả ruộng lúa người dân canh tác. Thậm chí tại khu vực này còn xuất hiện những đống rác lẫn đất và nhiều chai lọ thủy tinh, bơm kim tiêm…là những loại rác thải y tế nguy hại cũng nằm la liệt với khối lượng hàng chục mét khối.
Rác thải đổ tràn lan kéo dài hàng trăm mét gần tường rào Trường ĐH sư phạm kỹ thuật Vinh |
“Tuyến đường tuy mới làm xong nhưng do đây là đoạn đường vắng nên kẻ xấu thường lợi dụng đêm tối và sáng sớm để chở rác với đủ chủng loại bằng ô tô tải đến đây để đổ. Vừa ô nhiễm lại vừa mất mỹ quan…nhưng lâu nay chưa thấy chính quyền cắm biển cấm đổ rác cũng như cử người tuần tra để xử lý các đối tượng vi phạm” – Một người dân đang làm đồng ở cạnh đó, phản ánh.
Chưa hết, đi qua khu vực cầu Rào Đừng (sát đường vào hồ điều hòa đang được thi công xây dựng) cũng xuất hiện một khu vực đổ rác khác. Theo quan sát, khu vực này cũng có hàng trăm mét khối rác thải, chủ yếu là rác thải rắn xây dựng, các mảnh gương kính vỡ, túi ni lông…đổ tràn lan ngay sát mét đường.
Đường 35m đoạn qua xã Hưng Lộc cũng xuất hiện điểm tập kết rác thải hàng trăm khối |
Tại một khu vực khác, đó là tuyến đường ven sông Côn Mộc (đoạn qua phường Vinh Tân – TP Vinh) cũng là nơi “lý tưởng” cho các đối tượng xả trộm rác thải. Theo quan sát của PV, rác thải đổ hai bên tuyến đường này la liệt với đủ chủng loại, từ rác thải xây dựng đến rác thải sinh hoạt. Nhiều nhất là đoạn qua khu vực nghĩa trang sinh thái phường Vinh Tân. Mùi hôi thối từ rác thải đang phân hủy khiến cho khung cảnh nơi đây trở nên nhếch nhác, hôi hám.
Một khu vực lâu nay cũng vô tình trở thành điểm xả rác ưa thích của những người thiếu ý thức. Đó là khu vực gần đường sắt (gần cầu vượt đường sắt Nghi Kim – QL46). Khu vực này từ nhiều năm trước luôn ở trong tình trạng ô nhiễm vì rác thải bị đổ tràn lan sát mép đường, chính quyền cắm biển cấm đổ rác và tiến hành tuần tra, xử lý nhưng không có kết quả. Thậm chí khu vực này còn bị đổ cả rác thải công nghiệp là vải thải của các nhà máy may công nghiệp, rồi sau đó tiến hành đốt khiến khói đen bao trùm cả khu vực, mùi khét nồng nặc…làm cho người dân sống gần khu vực nêu trên hết sức bức xúc.
Mép đường 35m gần hồ điều hòa TP Vinh cũng là nơi bị đổ rác thải rắn |
Sát với đường Nguyễn Viết Xuân (phường Hưng Dũng) là một điểm tập kết rác thải kéo dài hàng trăm mét. Rác thải với đủ chủng loại thường được các loại xe ô tô tải chở đến rồi vô tư đổ tràn lan khiến nơi đây vô tình trở thành một bãi rác “khổng lồ”. “Không hiểu sao họ lại lấy khu vực sát với tường rào của trường học để tập kết rác thải. Nhiều hôm đi học mà hôi thối không chịu nổi” – Sinh viên Hà Văn Nam – Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh, chỉ vào bãi rác phản ánh.
Việc nhiều nơi trên địa bàn TP Vinh bất đắc dĩ bị biến thành điểm tập kết rác thải không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Đề nghị UBND TP Vinh cần vào cuộc xử lý vấn đề, trả lại môi trường xanh – sạch – đẹp cho thành phố Vinh.
Một số hình ảnh PV ghi lại:
Một điểm tập kết rác thải công nghiệp rồi tiến hành đốt ở xã Nghi Kim, ngay sát đường tàu |
Tràn lan rác thải |
Khu vực đường ven sông Côn Mộc – phường Vinh Tân |
Đủ chủng loại rác |
Thậm chí cả chai, lọ thuốc, bơm kim tiêm…là rác thải y tế nguy hại |
Tác giả: Đình Tiệp
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường