Ngôi nhà xuống cấp của gia đình ông Xuân với nhiều thế hệ sinh sống
Nhà xuống cấp đành chắp vá “sống tạm”
Năm 1995, đường Lý Thường Kiệt được quy hoạch mở rộng kéo dài từ phường Lê Lợi qua phường Hưng Bình. Phần đường nằm trên địa phận phường Lê Lợi đã được thi công xong, giúp giảm thiểu ách tắc khu vực gần bến xe Vinh… Còn một nửa tuyến đường thuộc phường Hưng Bình vẫn chưa có bất cứ động tĩnh nào, vì lý do thiếu vốn đã khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân tại đây bị đảo lộn.
Ông Phan Đình Cường - Bí thư Chi bộ khối Quang Tiến, một hộ dân thuộc diện di dời nhường đất cho dự án cho biết: “Những lần bầu cử các cấp hoặc họp HĐND, người dân đều có ý kiến về dự án, đưa dân về khu tái định cư để dân sớm ổn định cuộc sống nhưng vẫn không có gì thay đổi. Nằm trong khu vực quy hoạch, nhân dân không được xây dựng mới, cũng không được cho, bán, trao tặng nhà đất. Nhiều ngôi nhà xuống cấp đành chắp vá để “sống tạm” và chờ đợi đền bù TĐC, nhưng đã hơn 20 năm mà vẫn chưa được thực hiện…”.
Theo quan sát, nhiều ngôi nhà nằm trong khu quy hoạch đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều thế hệ cùng chung sống trong chật hẹp. Nhiều gia đình đất vườn rộng rãi, con cái lớn lập gia đình muốn làm nhà trong vườn để sống cũng không được vì vướng quy hoạch… Gia đình ông Đậu Văn Xuân (82 tuổi) có 11 người cả già, trẻ sinh sống trong hai gian nhà xuống cấp, dù mảnh đất nhà ông hơn 800m2, muốn cắt cho con trai xây nhà ở riêng nhưng không được.
Chủ tịch UBND phường Hưng Bình Nguyễn Hữu Đắc cho biết: “Đời sống bí bách của người dân, chúng tôi đã có đề nghị xử lý nhiều lần nhưng phải chờ cấp trên quyết định. Hiện khối Tân Yên, Quang Tiến, Tân Tiến có khoảng gần 100 hộ dân, có hộ có đến 3 thế hệ đang phải sống chung trong một ngôi nhà. Do mặt bằng thấp nhưng không được xây dựng, sửa chữa nên mỗi khi mưa lũ về gặp muôn vàn khó khăn. Chúng tôi chỉ biết xuống chia sẻ, động viên”. Cấp bách là thế, cần thiết là thế nhưng mọi chuyện vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Vẫn chưa có phương án hợp lý
Sau nhiều lần các cấp, ngành họp bàn phương án thi công nhưng dự án vẫn chưa được thực hiện, ngày 23/8/2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền ký Quyết định 4071 phê duyệt đề xuất xây dựng, đầu tư theo hình thức BT (Hợp đồng xây dựng - chuyển giao) trên cơ sở đề nghị theo báo cáo thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, Dự án đường Lý Thường Kiệt do Cty CP Xây dựng và Tư vấn thiết kế đường bộ Nghệ An (Cty Đường bộ Nghệ An) đưa ra phương án đề xuất với tổng số vốn đầu tư 118 tỷ đồng và được thanh toán bằng quỹ đất trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc ngang giá gồm 2 khu đất trên 15.500m2. Trong đó, một khu đất đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Đường bộ Nghệ An với diện tích 12.748,46m2; khu đất số 2 đã được Sở TN&MT xác nhận trích lục bản đồ, UBND tỉnh giao chuyển mục đích sử dụng với diện tích 3894,4m2.
Tìm hiểu nguyên tắc đầu tư theo hình thức BT thì công trình phải được xây dựng xong mới thanh toán. Đối chiếu cụ thể thì 2 khu đất nêu trên phần nào đã thuộc về Cty Đường bộ Nghệ An, trong khi đó dự án BT Lý Thường Kiệt lại chưa xây dựng. Theo Quyết định 4071, có thể hiểu công trình đường Lý Thường Kiệt sẽ được chỉ định thầu bởi quyết định đã chỉ ra hình thức thanh toán cho Cty Đường bộ Nghệ An. Tuy nhiên, điều kiện để áp dụng hình thức chỉ định thầu phải theo khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 và khoản 3 Điều 9 Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015.
Khả năng thứ hai có thể xảy ra khi UBND tỉnh giao tổ chức đấu thầu rộng rãi thi công dự án đường Lý Thường Kiệt. Vậy sẽ ra sao khi công ty khác trúng thầu chứ không phải Cty Đường bộ Nghệ An là đơn vị đề xuất dự án trúng thầu. Trong khi đó, Quyết định 4071 UBND tỉnh Nghệ An nêu lên phương thức hoàn vốn bằng số tiền nộp tiền sử dụng 2 khu đất trên 131 tỷ mà Cty Đường bộ Nghệ An đã tính toán trong tờ trình đề xuất dự án.
Việc hoàn chỉnh tuyến đường Lý Thường Kiệt không chỉ tăng mối liên kết hạ tầng giao thông, giảm tải ùn tắc ở TP Vinh cũng như giải thoát nỗi khổ “quy hoạch” của người dân mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển các dự án đầu tư trong khu vực. Người dân đề nghị các cấp chính quyền cũng như nhà đầu tư cần có các biện pháp xử lý kịp thời các vướng mắc, nhanh chóng hoàn thiện công trình tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của dân.
Tác giả bài viết: Nhóm phóng viên